Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh

Truy cho cùng thì thứ hạng cho từng yếu tố cũng chẳng mấy cần thiết, bởi tất cả những thứ đó đều phải góp mặt trong một buổi thưởng thức trà.

Truy cho tới cùng thì việc xếp thứ hạng cho từng yếu tố như vậy cũng chẳng mấy cần thiết, bởi tất cả những thứ đó đều phải góp mặt trong một buổi thưởng thức trà. Xong, việc đặt ra như vậy cũng phần nào cho ta thấy sự kỹ lưỡng của tiền nhân trong việc dùng trà.

Cá nhân tôi thấy trình tự ưu tiên đó là hợp lý. Lại có người cho rằng: “trà phải là nhất”. Dù muốn hay không thì chủ đề cũng đã đặt ra, râm ran tranh luận cũng nhiều, nay, tôi cũng hiếu thắng mà bàn lấy làm vui vậy.

Nhất: thủy

Chúng ta không thể chối bỏ, vạn vật trên đời sinh ra bởi tự nhiên, thuận theo tự nhiên mà phát tiết tinh túy hay tha hóa dần rồi chết. Trong quan niệm phương Đông, khi bàn tới chuyện khởi nghiệp, lập danh, ta thường nhắc đến tam yếu: thiên-địa-nhân nhằm vào lúc thời-lợi-hòa, lấy đó làm đầu cho con đường sự nghiệp của mỗi người. Chẳng qua cũng là thuận theo tự nhiên đấy thôi.

Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh

Người dở mà gặp lúc hội tụ cả ba thứ đó cũng nên đại nghiệp, kẻ hiền tài mà vô duyên, bạc vận thì cũng đến chốn cùng cơ mà thành Lệ Chi Viên, không nữa cũng lưu lạc chốn thâm sơn cùng cốc tìm lấy sự nhàn, qua ngày dâu bể. Trà và nước, cũng chẳng nằm ngoài quy luật ấy, nếu trà ôm giấc mộng tỏa hương, thoát vị làm đầu thì đâu khác đấng nam nhi mơ lập công danh. Nhưng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, việc ôm mộng lớn, âu cũng là “mưu sự tại nhân”, còn toại ý hay không rốt cục lại ở “thành sự tại thiên”.

Cốt cách của trà vốn tự nó ẩn mang trong mình. Cốt cách đó phát tiết được hay không phụ thuộc vào sự “dạy dỗ” của bàn tay tạo nên nó, nhưng, có được cốt cách cao đẹp rồi, có được ý nguyện non ngàn rồi thì việc thành hay bại còn phải nương vào môi trường dung dưỡng nó. Chẳng phải nước là môi trường sẽ dung dưỡng trà đó thôi, trà phát tiết được đến đâu, thành đại nghiệp hay tha hóa trăm sự tại nước mà ra cả. Nhất nước bởi vậy!

Nhị: trà

Rồi sẽ có ý cho rằng: Nước có tốt bằng giời mà không có trà thì lấy gì để uống! Đúng! Nhưng đấy là ý kiến của việc uống trà lấy được, uống đỡ thèm, trong khi chúng ta đang cầu lấy cái tinh túy, mong lấy cái đẹp đẽ, thế mới nên nỗi nhiêu khê như vậy.

Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh

Trà tự nó không làm ảnh hưởng đến những trà cụ khác mà đặc biệt là nước, trong khi đó, trà thể hiện được đến đâu lại bị quyết định quá nhiều bởi ấm, chén, mà đặc biệt là nước. Trà có tốt bằng giời đi nữa, mà bạc phận rơi vào chốn dơ bẩn thì cũng chẳng bằng lá vối được! Cứ như bậc trung thần, văn vũ toàn tài mà thờ phải hôn quân thì tính mạng còn khó giữ chứ luống gì tới chuyện công danh hiển hách cho đời.

Tam: bôi

Người đời mê ấm, sưu tầm ấm, gắn cho ấm muôn thứ, biến nó trở thành bảo vật trong việc thưởng thức trà, còn tôi, tôi đồng ý với các bậc tiền nhân, chén chỉ đứng sau trà và nước. Chén chiếm vị trí thứ ba.

Chén tác động trực tiếp đến ba trong số năm giác quan của ta: thị giác, xúc giác và khứu giác. Màu nước trà đẹp lên, xấu đi hay chân thực là nhờ chén. Chén là món được nhìn nhiều nhất trong bộ trà cụ vì thế tạo hình và trang trí của chiếc chén sẽ va chạm với mắt mình nhiều hơn cả. Khi nâng chén trà, cảm giác phải nâng niu hay có thể cẩu thả từ chén mà ra.

Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh

Ví như với một chiếc chén mỏng nhẹ, việc lo sợ chúng vỡ khi cầm trên tay là tâm lý thông thường, cũng vì thế mà phản xạ của chúng ta sẽ là cẩn trọng, nhẹ nhàng, nâng niu hơn cũng là lẽ tự nhiên, do đó mà thao tác cũng trở nên cẩn trọng, đẹp đẽ hơn phần nào. Tạo hình của chiếc chén sẽ quyết định diện tích thoát hương và luồng hơi bốc lên mang theo hương trà, vì thế mà hương trà toát ra mạnh hay yếu, tụ hay loang là nhờ ở chén. Chén đứng thứ ba bởi vậy.

Tứ: bình

Với tôi, trong việc uống trà, ấm không quá quan trọng. Đôi khi, lên nương-rẫy chăm sóc cho mấy cây trà, không có điều kiện để pha cầu kỳ, tôi vẫn thường vặt búp trà mà nhai, sau đó uống nước lọc, những lúc như thế trà vẫn hay, vẫn đẹp. Nét đẹp rất riêng!

Lại có khi vướng ngoài lán trên nương không về bản được do mưa gió, tôi thường lấy trà mang theo mình, rồi nấu bằng nồi với nước mỏ (những khe nước nhỏ chảy ra từ sườn núi) những lúc như vậy trà thực sự ngon và có tình! Nói như vậy không có nghĩa là tôi chối bỏ chiếc ấm, tôi cũng như bao người khác đang dùng trà, tôi cũng có cho mình đôi ba chiếc ấm.

Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh

Một chiếc ấm đẹp đẽ, công năng tốt sẽ khiến cho việc dùng trà trở nên thuận tiện và duy mỹ hơn. Đôi khi chiếc ấm cũng làm cho trà ngon hơn! Nếu nước là môi trường của trà, trà là đối tượng sống trong môi trường đó thì ấm lại là không gian chứa đựng cả môi trường và đối tượng sống trong nó.

Ngũ: quần anh

Sống ở đời, ai chẳng sợ cô độc, ai chẳng cầu tri âm, song, thói đời dâu bể, lòng người đổi thay, tri âm mới đó mà thoáng chốc chẳng thể đàm tâm. Chẳng vậy mà bao thế hệ đi qua, độc ẩm là lẽ thường, tất nhiên độc ẩm chẳng hẳn là cô độc, xong cũng không thiếu giữa chốn lao xao!

Đã có được thủy-trà-bôi-bình rồi, có thêm tri âm nữa hẳn thật vẹn toàn, song mấy khi trên đời được toàn vẹn. Chẳng phải bởi vậy, mà nhiều phen ta ngồi giữa bao khuôn mặt thân quen, thế rồi nâng chén lên vẫn là độc ẩm đó thôi. Vậy có hay không có đâu ảnh hưởng đến vị-hương-thủy-diệp của trà, trà vẫn vậy chỉ cần cái tâm an nhàn của kẻ thưởng thức mà thôi, có được cái tâm ấy rồi thì việc có hay không “quần anh” đâu còn quan trọng.

Nhất thủy, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh

Cá nhân tôi, nhiều phen pha trà xong, rót ra bốn chén, thế rồi vẫn là độc ẩm, mỗi người trong số họ đều có “tri âm” là chiếc sờ-mát-phôn bên cạnh, còn đâu chỗ cho mình. Hay, dọc đường trà, nhiều khi nơi đỉnh núi, lắm lúc chốn đầu non, vỉa hè, cầu chợ cũng nhiều, thân đơn, chỉ có trà làm bạn.

Thế nhưng, pha một ấm trà, một mình mà tựa hồ bạn bè vây quanh, những lúc như thế, cái ý quần ẩm mới thực sự phát lộ trong tâm hồn. Vẫn không thể chối bỏ, “quần anh” là yếu tố mang lại sự vẹn toàn, mà ai lại chẳng mong mọi sự được toàn vẹn kia chứ!

Thâu ý

Bàn thế có vẻ nghiêm trọng hóa vấn đề, song trên đời có gì vượt bậc mà không sinh ra từ một tư duy “nghiêm trọng hóa”?

Ngọc Linh

Trà đêm

Trà đêm

Trong đêm se, một bếp trà châm củi từ những xác ổi khô kia sẽ lên lửa thật đượm, thật thoảng thơm mà bền, mà gọn tàn, mà vương sạch.