Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2024

Một loạt các chính sách về Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản... nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2024.

Quy định mới về giá đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.

Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định cụ thể trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp gồm so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.

Nghị định cũng quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai.

Theo Nghị định, từ ngày 1/8/2024, nhiều quy định về giá đất sẽ có hiệu lực, trong đó có các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất. Cụ thể, thay vì quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất theo từng phương pháp định giá đất, Điều 8 Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất với từng loại đất như với đất phi nông nghiệp: Vị trí, địa điểm thửa đất, khu đất; điều kiện giao thông về độ rộng, kết cấu mặt đường, tiếp giáp với một hoặc nhiều mặt đường; điều kiện cấp thoát nước, cấp điện; diện tích, kích thước, hình thể thửa đất và khu đất; thời hạn sử dụng đất; hiện trạng môi trường, an ninh…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với đất nông nghiệp: Năng suất cây trồng, vật nuôi; vị trí, đặc điểm thửa đất, khu đất; thời hạn sử dụng đất trừ trường hợp giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không có căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; yếu tố khác.

Chuẩn mực thẩm định giá bất động sản

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-BTC ngày 20/6/2024 ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/8/2024.

Theo Thông tư, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và hướng dẫn về thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này không áp dụng đối với trường hợp định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.

Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận quy định trên. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

Căn cứ vào đặc điểm của bất động sản cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, các thông tin và số liệu về bất động sản cần thẩm định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp.

Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 13/7/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; có hiệu lực từ 1/8/2024.

Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 87, Điều 92, Điều 94, Điều 95, Điều 96, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 102, Điều 106, Điều 107, Điều 108, Điều 109 và Điều 111 của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định việc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 Điều 96, khoản 1 Điều 98, khoản 1 Điều 99 của Luật Đất đai.

Theo quy định giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp bồi thường bằng cho thuê đất thu tiền thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì giá đất tính tiền thuê đất là giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tại Điều 9 Nghị định này, Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc bồi thường đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm nhà ở có vi phạm về đất đai trước ngày 1/7/2024 khi đủ điều kiện được bồi thường thì thực hiện như sau: Thửa đất có nhà ở đã sử dụng đất ổn định trước 15/10/1993: Diện tích đất được bồi thường bằng diện tích thực tế bị thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức công nhận đất ở tại tỉnh, thành đó.

Thửa đất có nhà ở đã sử dụng ổn định đất từ 15/10/1993 đến trước 01/7/2024: Diện tích đất được bồi thường bằng diện tích đất thực tế bị thu hồi nhưng cũng phải đảm bảo không vượt quá hạn mức giao đất ở địa phương.

Thửa đất có nhà ở mà diện tích làm nhà lớn hơn hạn mức công nhận đất ở/giao đất ở trên: Bồi thường theo diện tích thực tế bị thu hồi đã làm nhà ở.

Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm nhà ở mà lấn đất, chiếm đất từ ngày 1/7/2014 trở về sau: Nhà nước không bồi thường về đất, trong đó, điều kiện được coi là đủ để được bồi thường là: Đang sử dụng đất có vi phạm trước 1/7/2024 mà đã sử dụng ôn định, thuộc trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ).

Sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế:

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 46/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Đáng chú ý, tại Thông tư này đã bổ sung quy định về đăng ký cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử bằng tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2024.

Cụ thể, người nộp thuế là cá nhân được sử dụng tài khoản VNeID thay cho xuất trình Chứng minh nhân dân/hộ chiếu/Căn cước công dân/thẻ Căn cước để đăng ký, cấp tài khoản giao dịch điện tử online nếu:  Cá nhân đã đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức 2; Hệ thống định danh, xác thực điện tử và Cổng dịch vụ điện tử của Tổng cục Thuế đã kết nối, vận hành.

Thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử online như sau:

Bước 1: Truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để đăng ký online, ký điện tử và gửi thông tin đến Cổng thông tin. Tại bước này, người nộp thuế được sử dụng tài khoản VNeID mức 2 thay cho các loại giấy tờ nhân thân.

Bước 2: Cổng thông tin này gửi thông báo đến email/số điện thoại đã đăng ký chậm nhất 15 phút sau khi đã nhận hồ sơ đăng ký online.

Nếu chấp nhận thì gửi thông tin về tài khoản giao dịch thuế điện tử cho người nộp thuế.

Nếu không chấp nhận, người nộp thuế phải hoàn chỉnh thong tin đăng ký, ký điện tử, gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế/liên hệ cơ quan quản lý thuế trực tiếp để được hướng dẫn, hỗ trợ căn cứ lý do không chấp nhận của cơ quan thuế tại thông báo.

Bước 3: Thực hiện các giao dịch sau khi đã được thông báo cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử.

Quy định mới về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/8/2024.

Thông tư 11/2024/TT-NHNN bổ sung khoản 14 vào Điều 4 về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp: Doanh nghiệp phát hành phải gửi cho tổ chức tín dụng thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp. Người có liên quan của doanh nghiệp phát hành là tổ chức, cá nhân có quan hệ với doanh nghiệp phát hành theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng.

Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành.

Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương; người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với doanh nghiệp phát hành.

Bên cạnh đó, Thông tư bổ sung khoản 15 vào Điều 4: Tổ chức tín dụng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán trong hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp và người có liên quan của doanh nghiệp đó phát hành) được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 32/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024 quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/8/2024.

Thông tư này quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại, bao gồm: Thành lập, khai trương hoạt động, thay đổi tên, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch; chuyển đổi chi nhánh ở trong nước thành phòng giao dịch và ngược lại; chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại. Thông tư quy định rõ thẩm quyền chấp thuận về mạng lưới của ngân hàng thương mại:

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) chi nhánh ở trong nước; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài; chuyển đổi hình thức pháp lý ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể (trừ trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động) phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét chấp thuận: Thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch; tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch; thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch.

Trong một số trường hợp cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định chấp thuận:

Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng con ở nước ngoài của ngân hàng thương mại trên cơ sở trình tự, thủ tục theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ; hỗ trợ ngân hàng thương mại tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt.

Chuyển đổi phòng giao dịch thành chi nhánh ở trong nước của ngân hàng thương mại trên cơ sở hồ sơ, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh ở trong nước, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các nội dung về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt trên cơ sở trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.

Thanh Mai/Tổng hợp

Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định 'mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một hoặc hai con'

Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định "mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một hoặc hai con"

Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập.