Nhiều người 'ôm hận' vì bỏ tiền triệu ra mua hàng online nhưng chỉ nhận được...cục gạch

Mua hàng giá trị cao như iPhone 12 nhưng lại được nhận được cục gạch, hộp tô màu, cục nhồi bông,... khiến nhiều người lo ngại khi mua sắm qua mạng.

Những ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất năm như 11/11, Black friday, siêu sale 12/12,... đây là dịp các chương trình giảm giá mạnh, sập sàn, mua 1 tặng 1, quà tặng, voucher áp dụng trên hầu hết các sản phẩm nên đây là cơ hội lớn cho những tín đồ đam mê mua sắm.

Tuy nhiên, kết thúc ngày mua sắm không ít khách hàng đã phải chưng hửng vì nhận được những món hàng không ưng ý. Thậm chí là dở khóc dở cười vì không biết xử lý như thế nào với món đồ mà nhận được. 

Mua một đằng nhưng nhận một nẻo

Chị Kim Phụng (ngụ tại Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, chị đã đặt mua online chiếc điện thoại iPhone 12 Pro Max 256GB VN/A tại hệ thống bán lẻ Di động Việt ngày 3/12, thanh toán trước 100% giá trị sản phẩm (32 triệu đồng).

  Hình ảnh chiếc hộp điện thoại, hóa đơn và cục gạch do khách hàng ở Đồng Tháp chụp đưa lên mạng xã hội. Nguồn ảnh: Dân sinh.

Hình ảnh chiếc hộp điện thoại, hóa đơn và cục gạch do khách hàng ở Đồng Tháp chụp đưa lên mạng xã hội. Nguồn ảnh: Dân sinh.

Cửa hàng gửi chiếc điện thoại về Cao Lãnh qua đơn vị vận chuyển là Best Express. Khi nhận hàng và mở ra, chị Phụng tá hỏa khi bên trong không phải là chiếc iPhone đã đặt mua mà là một cục gạch. Sau đó, chị đã liên lạc đến bên Di động Việt báo sự tình.

Ngày 12/12, tiếp tục có một khách hàng ở Hà Tĩnh khiếu nại việc đặt mua 2 chiếc iPhone 12 Pro Max tại hệ thống của cửa hàng này nhưng lại được giao hộp tô màu. Rất may là sau khi đọc thông tin cảnh báo từ vụ việc của chị Kim Phụng ở Đồng Tháp, vị khách này đã khui hàng tận tay trước mặt người giao hàng và không nhận.

  Hình ảnh cắt từ clip cho thấy 2 hộp màu tô được đựng trong 2 vỏ hộp iPhone 12. Nguồn ảnh MXH.

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy 2 hộp màu tô được đựng trong 2 vỏ hộp iPhone 12. Nguồn ảnh MXH.

Trong một vụ việc khác, chị Hảo (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) gửi 5 lạng yến tinh chế trị giá 17 triệu đồng vào TP.HCM thông qua Công ty G. Sau gần 5 ngày, đối tác của chị Hảo nhận một đôi giày cũ. Chị Hảo bức xúc khi toàn bộ hàng đã bị đánh tráo, dù khi gửi hàng chị đã khai báo giá trị thực với công ty vận chuyển.

Liên hệ với cửa hàng, chị Hảo cho biết họ yêu cầu các bước khá rối như chụp hình sản phẩm ban đầu, cung cấp biên lai lúc gửi hàng rồi mới cho nhân viên xuống nhận hàng đã giao sai. Sau đó, hẹn lại vài ngày để kiểm tra và sẽ tiến hành đền bù. 

Tương tự, trước đó tại đợt 11/11, ngày lễ Độc thân vừa rồi, chị N.V là một người nghiện săn sale hơn nghiện người yêu. Lần nào thấy sale, đại hội giảm giá gì trên mạng là y rằng chị cũng phải thức đến 0h sáng để bắt đầu canh mua. 

  Đến khi mở ra mới phát hiện là đá và bông, chị N.V chỉ biết cười trừ. Nguồn ảnh: VnHomies.

Đến khi mở ra mới phát hiện là đá và bông, chị N.V chỉ biết cười trừ. Nguồn ảnh: VnHomies.

Và trong số những món đồ được ship đến có "hòn đá thần kỳ". Theo đó sản phẩm được giao đến không ghi rõ bên ngoài hộp là gì. Vì quá nhiều đơn đặt hàng nên chị N.V cũng chỉ kịp mở ra kiểm tra khi đã về tới phòng. Tá hỏa vì nhận được vài cục đá với cục bông chị N.V chỉ biết cười trừ.

Làm sao để mua hàng online mà không phải nhận về cục gạch?

Theo Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), để đảm bảo quyền lợi của mình khi mua sắm online, người tiêu dùng cần lưu ý:

- Nên mua hàng tại những sàn thương mại điện tử, trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…).

- Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,….

-Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

- Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

- Cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.

- Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty. Theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra.

- Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

(Tổng hợp)

P.P

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương