Nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt ở Biển Đen sau khi phương Tây áp giá trần dầu của Nga

Một "nút cổ chai" đang hình thành trên một trong những tuyến đường giao dịch quan trọng đối với dầu mỏ, và nếu không được giải quyết, nó có thể làm giảm nguồn cung toàn cầu và đẩy giá mặt hàng này lên cao hơn.

Tính đến thứ Năm (8/12), 16 tàu chở dầu đi về phía Nam từ Biển Đen đang chờ để băng qua eo biển Bosphorus vào Biển Marmara, tăng thêm 5 tàu so với thứ Ba, theo một báo cáo từ Cơ quan vận chuyển Tribeca có trụ sở tại Istanbul.

Trong khi đó, 9 tàu chở dầu khác đang chờ để đi về phía Nam từ Biển Marmara qua eo biển Dardanelles để vào Địa Trung Hải.

Sự tắc nghẽn ở các tuyến đường thủy do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, chủ yếu là các chuyến tàu chở dầu thô đến châu Âu, đã thu hút sự chú ý của các quan chức chính phủ Anh và Mỹ, những người hiện đang đàm phán với Ankara để giải quyết tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng.

Nhiều tàu chở dầu bị mắc kẹt ở Biển Đen sau khi phương Tây áp giá trần dầu của Nga - Ảnh 1.

Tàu chở dầu thô Ottoman Sincerity được in hình ở khu neo đậu phía bắc khi chờ băng qua eo biển Bosphorus, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/12/2022. Ảnh: Yoruk Isik/Reuters.

Sự tắc nghẽn này liên quan đến việc phương Tây áp giá trần đối với dầu của Nga, quyết định có hiệu lực vào thứ Hai (5/12).

Giới hạn này được cho là sẽ hạn chế doanh thu của Điện Kremlin mà không gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách giảm nguồn cung. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các tàu phải chứng minh rằng họ có bảo hiểm theo các lệnh trừng phạt mới, trước khi được phép đi qua các eo biển nối Biển Đen và Địa Trung Hải.

Jorge Leon, phó Chủ tịch cấp cao về phân tích thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, cho biết, mặc dù hiện tại điều này không gây ra sự gián đoạn đối với nguồn cung dầu toàn cầu và làm tăng giá mặt hàng này, nhưng việc tắc nghẽn có thể trở thành một vấn đề nếu không được giải quyết.

Ông nói với CNN Business: "Đây là tuyến đường rất phổ biến đối với thương mại toàn cầu và đặc biệt là đối với dầu thô".

Các quốc gia bao gồm Nga, Kazakhstan và Azerbaijan sử dụng eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ để đưa dầu của mình ra thị trường thế giới.

Ùn tắc ở eo biển Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện sau khi phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu của Nga trong tuần này. Giới hạn này cấm các chủ tàu chở dầu của Nga tiếp cận bảo hiểm và các dịch vụ khác từ các nhà cung cấp châu Âu, trừ khi nó được bán với giá 60 USD một thùng hoặc thấp hơn.

Về giới hạn, các nhà chức trách hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại về nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc tràn dầu liên quan đến các tàu không được bảo hiểm và đang ngăn chặn các tàu đi qua vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi họ đưa ra các đảm bảo bổ sung rằng quá trình vận chuyển đã được bảo hiểm.

Trong một thông báo do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vào tháng trước (trước mức trần giá được áp dụng), người đứng đầu cơ quan hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ Ünal Baylan nói rằng, sẽ có "hậu quả thảm khốc" trong trường hợp xảy ra tai nạn liên quan đến tàu chở dầu thô và "chúng tôi nhất thiết phải xác nhận theo một cách nào đó mà bảo hiểm [bảo vệ và bồi thường] của họ vẫn còn hiệu lực và toàn diện."

Các công ty bảo hiểm EU không cấp thư bảo lãnh vì sợ vi phạm các lệnh trừng phạt

Nhóm các Câu lạc bộ P&I Quốc tế, tổ chức cung cấp bảo hiểm bồi thường và bảo vệ cho 90% hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, cho biết họ không thể tuân thủ chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các yêu cầu của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "vượt xa thông tin chung có trong thư xác nhận nhập cảnh thông thường" và việc yêu cầu các thành viên của Câu lạc bộ P&I xác nhận phạm vi bảo hiểm là vi phạm lệnh trừng phạt theo luật của EU, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đại diện của Câu lạc bộ P&I cho biết trong một tuyên bố.

Cơ quan hàng hải Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố: "Phần lớn các tàu chở dầu thô đang chờ đi qua eo biển là tàu của EU và phần lớn xăng dầu được chuyển đến các cảng của EU".

"Thật khó hiểu tại sao các công ty bảo hiểm có trụ sở tại EU lại từ chối cung cấp thư này… cho các tàu thuộc EU, chở dầu thô đến [EU] EU trong khi các lệnh trừng phạt được EU đưa ra", thông báo từ cơ quan này cho biết thêm.

Các quan chức phương Tây, những người đang lo lắng về khả năng gián đoạn nguồn cung, cho biết họ đang đàm phán với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết tình hình.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Wally Adeyemo nói với Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal trong một cuộc điện đàm rằng, giá trần chỉ áp dụng cho dầu của Nga và "không cần kiểm tra thêm đối với các tàu" đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ.

"Cả hai quan chức đều nhấn mạnh mối quan tâm chung của họ trong việc giữ cho thị trường năng lượng toàn cầu được cung cấp tốt bằng cách tạo ra một chế độ tuân thủ đơn giản cho phép dầu đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ", Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

"Vương quốc Anh, Mỹ và EU đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ngành vận tải biển và bảo hiểm để làm rõ việc thực hiện giới hạn giá dầu", theo một tuyên bố từ Bộ Tài chính Anh.

"Không có lý do gì để các tàu bị từ chối tiếp cận Eo biển Bosporus vì những lo ngại về môi trường hoặc sức khỏe và an toàn", thông báo nói thêm.

Tuy nhiên, theo Leon, một người của Rystad Energy, đối với các tàu chở dầu, thời gian chờ đợi trung bình để vượt qua eo biển Bosphorus vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái. "Với phản ứng từ các quan chức Anh và Mỹ, linh cảm của tôi là vấn đề này sẽ sớm được giải quyết", ông nói.

(Nguồn: CNN)

N.MINH