Những bà mẹ chồng cô đơn

Niềm vui đàn bà phần lớn gắn với nuôi dạy con. Khi con trưởng thành và không thể tiếp tục chia sẻ cuộc sống, họ không thể thay cháu bằng con.

Chị bạn tôi, một phụ nữ thành đạt, không quá bận rộn, không đáo để nhưng cũng không nhu mì để bị bắt nạt, khéo léo trong xử thế. Mấy chục năm làm con dâu, chị chưa từng bị mẹ chồng lớn tiếng lấy một lần. Vậy mà từ mấy năm trước, bắt đầu có những hôm thấy chị với dung nhan như thể có bao nhiêu thịt trên người đều dồn hết lên mặt. Hỏi, chị lắc đầu ngán ngẩm: “Bà già chồng, lại gây sự với ô-sin”.

Nhà chị, hai vợ chồng đều là doanh nhân, việc nhà phần lớn phụ thuộc vào người giúp việc, mỗi lần xảy ra sự cố mẹ chồng với ô-sin là nhà cửa rối như canh hẹ.

“Thà rằng bà ý gây sự với mình để còn nói chuyện phải quấy cho ra nhẽ! Đằng này, chưa có ô-sin nào ở được với bà quá 2 tháng. Cứ vừa quen việc nhà thì bà lại khiến người ta phải bỏ đi, chẳng lẽ mình lại xích mích với mẹ chồng chỉ vì bênh ô-sin! Tôi chả biết phải làm sao với bà nữa!” - Chị phàn nàn.

(Ảnh minh họa: Getty Images).
(Ảnh minh họa: Getty Images).

Dạo gần đây, lâu không thấy chị mang bộ mặt đầy thịt đi làm. Có lần thấy nhớ, tôi hỏi. Chị cười: “Ổn rồi, ổn rồi. Ai mà ngờ như thế cơ chứ!”.

Một lần người giúp việc bỏ đi, buổi chiều chị thu xếp về nhà sớm để cơm nước. Về nhà thấy mọi thứ đã tinh tươm, nhà cửa được lau dọn sạch sẽ, quần áo trong máy giặt cũng đã phơi phóng gọn gàng. Chị chột dạ, xem đồng hồ thấy vẫn còn sớm. “Chết, bà cụ dằn mặt mình hay sao?”. Còn đang chưa biết phải ứng phó thế nào thì chị thấy bà mẹ chồng tươi cười cầm cái điện thoại ra khoe: “Từ giờ con không phải lo tìm ô-sin nữa, mẹ chỉ cần bấm một cái là có người đến giúp, có mấy chục ngàn một giờ mà chuyên nghiệp, lại có đầy đủ thông tin cho mình chọn. Các con về chả cần làm gì...”.

Hóa ra, ông con giai không biết mò đâu ra cách cài cho bà cụ cái ứng dụng tìm người giúp việc vào điện thoại. Bà cụ ở nhà, trong lúc con cái đi làm gọi đến, tự dùng lương hưu của mình để trả, trong lòng lấy làm vui. “Mọi việc hoá ra đơn giản thế, vậy mà lâu nay mình cứ nghĩ xấu bà, cho rằng bà khó chịu vì con dâu ăn trắng mặc trơn nên gây sự với ô-sin để hành.” – Chị bạn tôi ngượng nghịu giãi bày.

Không phải người phụ nữ nào cũng may mắn như chị bạn tôi để có cơ hội nhận ra hầu hết những xung đột mẹ chồng nàng dâu không phải là xung đột tính cách, hay “khác máu tanh lòng”. Không phải ai cũng nhận ra rằng những bà mẹ chồng là người cô đơn nhất trong mỗi gia đình. Và mọi sự “ác mó” thông thường của các bà mẹ chồng chỉ là những biểu hiện của sự cố gắng tương tác với cái gia đình mà họ vốn đóng một vai trò quan trọng.

Khi nghe vẳng bên tai mình câu nói “niềm vui của các cụ bây giờ là các cháu” thì bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Nếu là lời một bà mẹ chồng, tôi nghĩ đó là một tiếng than có chút tự trào. Còn nếu đó là lời một người con, tôi nghĩ đó là một sự vô tâm. Mấy chục năm tuổi già, có thể chưa già lắm, phải chăng tất cả cuộc sống của chúng ta trong những tháng năm đó chỉ là đám cháu chắt mà thôi?

Đàn ông, có thể coi việc chăm cháu như một trò chơi, bên cạnh rất nhiều thú vui khác trong đời người đàn ông. Đàn bà, từ trẻ đến già, niềm vui của họ phần lớn gắn bó với việc nuôi dạy con cái. Khi những đứa con trưởng thành và không thể mãi tiếp tục duy trì việc chia sẻ cuộc sống cùng cha mẹ, các bà mẹ không thể nào thay cháu bằng con.

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu là vấn đề muôn thủa, muôn thủa bi hài, muôn thủa oái oăm. Và điều oái oăm, bi hài nhất là tất cả các bà mẹ chồng, và các nàng dâu đều mặc nhiên thừa nhận những điều bi hài và oái oăm trong mối quan hệ ấy là chuyện đương nhiên. Như họ đều mặc nhiên bình thường với câu nói “niềm vui của các cụ bây giờ là các cháu”.

Lão Phạm

Khi đàn ông là kẻ mạnh

Khi đàn ông là kẻ mạnh

Là đàn ông ai không thích mình mạnh. Cái mạnh, hiểu rộng hơn là vị thế so với phái yếu trong cả gia đình lẫn xã hội.