Tết Nguyên đán không chỉ là ngày lễ ở riêng Việt Nam mà còn được kỉ niệm ở nhiều quốc gia châu Á. Cho dù được kỷ niệm theo nhiều cách khác nhau tùy từng nền văn hóa và phong tục mỗi nước, ngày Tết vẫn luôn là thời điểm sum vầy của gia đình.
Năm cũ qua đi, ai cũng mong có nhiều may mắn trong năm mới sắp tới. Dưới đây là một vài món ăn được cho là đem lại may mắn trong văn hóa các quốc gia châu Á.
Mỳ trường thọ với vừng đen với hành chiên giòn ở Đài Loan
Mỳ trường thọ là món ăn khá phổ biến trong ngày Tết ở một số quốc gia châu Á. Sợi mỳ dai và dài được tượng trưng cho sự trường thọ, sống khỏe trong năm mới. Chính vì vậy, món ăn không chỉ được dùng trong dịp năm mới mà còn trong các bữa tiệc sinh nhật hay mừng thọ.
Ở Đài Loan, món mỳ được chế biến với sợi mỳ trắng cùng vừng đen, tỏi và hành chiên vàng. Mỳ được dùng trong nước dùng gà pha vài giọt sake tạo ra hương vị ấm áp.
Cá nguyên con ở Trung Quốc
Trong tiếng Trung, cá được phát âm giống từ “dư, thừa”, nên được người dân Trung Quốc quan niệm sẽ mang tiền và tài lộc dư thừa đến cho thực khách. Chính vì ý nghĩa này, cá là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết đầu năm của người Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc thưởng thức món cá cũng có một số quy tắc riêng. Phần đầu cá phải được đặt hướng về phía người lớn tuổi nhất để thể hiện sự tôn trọng. Mọi người chỉ được phép thưởng thức cá sau khi người đối diện đầu cá ăn trước. Hai người ngồi đối diện đầu và đuôi cá cần uống với nhau một ly như một hành động đem lại may mắn.
Dumpling
Dumpling là một món ăn được làm với phần nhân được bọc bởi một lớp vỏ bột khá giống với bánh bao. Phần nhân được làm khá đa dạng tùy theo vùng miền, nhưng về cơ bản gồm thịt, tôm, nấm, các loại rau củ được băm nhỏ. Dumpling được người Việt Nam biết đến là há cảo.
Đây là một trong những món xuất hiện trong nhiều nền ẩm thực ở châu Á với các tên gọi khác nhau, ví dụ như jiaozi (Trung Quốc), momos (Nepal và Tây Tạng), gyoza (Nhật Bản) hay buuz (Mông Cổ). Những chiếc dumpling truyền thống thường là món ăn xuất hiện trong những dịp gia đình sum vầy. Trong văn hóa Trung Quốc, jiaozi được gói như những thỏi bạc, tượng trưng cho tài lộc.
Kok Chai ở Malaysia
Những chiếc bánh nhân lạc giòn tan này dễ dàng tìm thấy ở Malaysia, Hong Kong và Singapore trong thời khắc năm mới. Giống như dumpling, những chiếc bánh gối vàng ruộm này tượng trưng cho tài lộc, cho dù chúng giống như một món ăn vặt với phần nhân lạc ngọt lịm.
Bánh Khapse ở Tây Tạng
Khapse ám chỉ tới một loạt các loại bánh bột chiên được chuẩn bị dịp năm mới ở Tây Tạng. Những chiếc bánh hình tai lừa được người dân Tây Tạng làm khá nhiều trong các kỳ nghỉ lễ và thường được thưởng thức cùng một tách trà bơ.
Bánh Baram Tteok của Hàn Quốc
Baram Tteok là món bánh gạo với nhân đậu adzuki, được nặn thành từng viên nhiều màu sắc. Đây là món ăn truyền thống được dùng trong những dịp lễ ở Hàn Quốc. Bánh baram tteok cũng gần giống như nhiều loại bánh được làm bằng gạo nếp nổi tiếng ở các quốc gia châu Á khác, như bánh mochi của Nhật Bản hay món bánh trôi của Trung Quốc.
Nếu như ở Nhật, chiếc bánh mochi tượng trưng cho may mắn thì bánh trôi ở Trung Quốc là biểu trưng cho sự sum vầy, đoàn viên của gia đình.
Cách làm bánh chưng ngày Tết đúng chuẩn hương vị truyền thống
Gói bánh chưng khá khó nên không phải ai cũng có thể gói được những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt.