Ngày 27/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ 1/7/2024, với nhiều nội dung mới nổi bật.
Theo đó, thẻ căn cước công dân theo quy định hiện nay sẽ đổi thành thẻ căn cước.
Luật Căn cước 2023 bổ sung trường hợp thu hồi thẻ căn cước (hiện nay là thẻ căn cước công dân) so với quy định tại Luật Căn cước công dân 2014.
Theo đó, từ 1/7/2024, có 5 trường hợp sẽ bị thu hồi, giữ thẻ căn cước. (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau:
- Công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Thẻ căn cước cấp sai quy định;
- Sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
Bên cạnh đó, cá nhân sẽ bị giữ thẻ căn cước nếu thuộc các trường hợp sau:
- Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Căn cước 2023 khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được trả lại thẻ căn cước.
Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với trường hợp bị thu giữ thẻ căn cước tại Luật Căn cước 2023 đã có sự thay đổi so với những trường hợp bị thu giữ thẻ căn cước của Luật Căn cước công dân 2014.
Cụ thể, Luật Căn cước 2023 đã bổ sung thêm 2 trường hợp thẻ căn cước sẽ bị thu hồi mà Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014 không có đó là trường hợp cấp sai quy định và sử dụng thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.
Người có hành vi sửa chữa nội dung của thẻ căn cước bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có hành vi sửa chữa nội dung của thẻ căn cước sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Đồng thời, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi sửa chữa nội dung của thẻ căn cước.
Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Cách phân biệt căn cước công dân gắn chip thật - giả, có 4 chi tiết người dân cần lưu ý
Có cách nào để phân biệt căn cước công dân gắn chip thật và giả? Hãy lắng nghe chỉ dẫn của công an trong vấn đề này.