Nữ giới trong quản trị khí hậu tại Việt Nam: Vai trò, cơ hội, rào cản và giải pháp

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc tạo cơ hội và giải quyết rào cản để phát huy tiềm năng của phụ nữ trong quản trị khí hậu tại Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng.

Biến đổi khí hậu là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự tham gia tích cực của mọi thành phần xã hội, trong đó phụ nữ đóng vai trò quan trọng. Tại Việt Nam, phụ nữ không chỉ là nhóm dễ bị tổn thương nhất mà còn là những tác nhân quan trọng trong việc thiết kế, triển khai và thực hiện các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu này sử dụng các phương pháp phân tích tài liệu, dữ liệu thứ cấp, quan sát thực tiễn, và tiếp cận đa chiều để phân tích vai trò của phụ nữ trong quản trị khí hậu, đồng thời chỉ ra các cơ hội và rào cản mà họ phải đối mặt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đóng góp đáng kể trong hoạch định chính sách, quản lý tài nguyên bền vững, giáo dục và truyền thông về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với các rào cản như định kiến giới, gánh nặng công việc gia đình, và hạn chế tiếp cận nguồn lực. Để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ, nghiên cứu đề xuất các giải pháp toàn diện, bao gồm lồng ghép giới trong chính sách khí hậu, tăng cường giáo dục và đào tạo, xóa bỏ định kiến giới, và hỗ trợ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội. Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ mà còn góp phần xây dựng các chính sách khí hậu hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, đe dọa đến sự phát triển bền vững và an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh này, việc ứng phó hiệu quả với BĐKH đòi hỏi sự tham gia tích cực của mọi thành phần xã hội, trong đó phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu. Phụ nữ không chỉ là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tác động của BĐKH mà còn là những tác nhân quan trọng trong việc thiết kế, triển khai và thực hiện các chính sách khí hậu. Tại Việt Nam, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH, sự tham gia của phụ nữ trong quản trị khí hậu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần xây dựng các giải pháp toàn diện và công bằng hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm định kiến giới, gánh nặng công việc gia đình, và hạn chế tiếp cận nguồn lực.

Tham luận này nhằm phân tích vai trò của phụ nữ trong quá trình thúc đẩy chính sách ứng phó với BĐKH tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng của họ. Bằng cách sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phân tích tài liệu, phân tích dữ liệu thứ cấp, và quan sát thực tiễn, nghiên cứu hy vọng cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cơ hội và thách thức đối với phụ nữ trong lĩnh vực này, từ đó góp phần vào việc xây dựng các chính sách khí hậu bền vững và công bằng hơn.

PHƯƠNG PHÁP

Tham luận này sử dụng các phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:

Phương pháp phân tích tài liệu nhằm thu thập và phân tích các nguồn tài liệu thứ cấp, bao gồm các báo cáo, chính sách, chiến lược quốc gia, và nghiên cứu khoa học liên quan đến BĐKH, giới và quản trị khí hậu.

Phương pháp phân tích dữ liệu thứ cấp để đánh giá tác động của BĐKH và vai trò của phụ nữ trong ứng phó với BĐKH.

Phương pháp quan sát, ghi nhận thực tế về vai trò của phụ nữ trong các hoạt động quản trị khí hậu tại cộng đồng, quản lý tài nguyên, canh tác bền vững, và các chiến dịch truyền thông về BĐKH.

Ngoài ra, nghiên cứu còn áp dụng phương pháp tổng hợp và phân tích định tính cũng như tiếp cận đa chiều để đưa ra các nhận định và khuyến nghị toàn diện về vai trò của phụ nữ trong ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Nhận định chung về giới, chính sách khí hậu và quản trị khí hậu

Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc thảo luận chính sách quốc tế. Các khung chính sách khí hậu và mô hình quản trị khí hậu đã được hình thành và triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau. Để các quá trình này mang tính tham gia và dẫn đến hành động ứng phó hiệu quả, cần đảm bảo quyền của người dân và các quy định bảo vệ họ. Đặc biệt, các quyết định và chính sách khí hậu phải nhạy cảm với nhận thức, lợi ích và quyền của các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Phụ nữ và trẻ em gái là những tác nhân quan trọng trong thành công của các hành động ứng phó với BĐKH, và việc họ tham gia vào quá trình ra quyết định về khí hậu là một quyền con người cơ bản. Tùy thuộc vào bối cảnh quốc gia, lịch sử và văn hóa, sự tham gia và đóng góp của nữ giới trong thúc đẩy chính sách ứng phó với BĐKH có sự khác biệt đáng kể.

Chính sách BĐKH (climate-change policy) là thuật ngữ chỉ các chính sách và tài liệu pháp lý (nghị định, chỉ thị, chiến lược quốc gia...) được xây dựng để ứng phó với các tác động tiêu cực của BĐKH ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu (Nguyễn Minh Quang, 2020). Chính sách khí hậu được chia thành hai loại chính: (1) chính sách giảm thiểu BĐKH, nhằm giảm quy mô của BĐKH, và (2) chính sách thích ứng BĐKH (climate adaptation policy), nhằm hạn chế nguy cơ và tận dụng cơ hội từ BĐKH. Các chính sách này được xây dựng bởi nhiều chủ thể, bao gồm chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Sự đa dạng trong chủ thể xây dựng chính sách góp phần làm cho các chính sách khí hậu trở nên toàn diện hơn.

Quản trị khí hậu là quá trình ra quyết định, lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp ứng phó với BĐKH ở các cấp độ từ địa phương đến toàn cầu. Nó bao gồm việc xây dựng và thực thi các chính sách, quy định, chương trình và dự án liên quan đến giảm thiểu, thích ứng và tài chính khí hậu. Những năm gần đây, các vấn đề về tiếp cận chính sách và quản trị khí hậu đã được thảo luận sôi nổi trong các nghiên cứu quốc tế. Theo Nguyễn Minh Quang (2020), ba hướng tiếp cận chính hiện nay là: (1) tiếp cận trung ương tập quyền (top-down), (2) tiếp cận phân quyền (bottom-up), và (3) tiếp cận lai (hybrid model).

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng từ BĐKH, xếp thứ 91 trong tổng số 191 quốc gia có mức độ rủi ro thiên tai cao (theo Chỉ số Quản lý rủi ro - INFORM) và thứ 16 toàn cầu về tác động nghiêm trọng do thiên tai liên quan đến khí hậu (WB, 2021). Do đó, ứng phó với BĐKH đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, với nhiều chính sách, chương trình và hành động được ban hành và triển khai ở nhiều cấp độ.

Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, chính sách BĐKH của Việt Nam cần được xem xét một cách toàn diện và đa chiều. Sự tham gia của nữ giới vào quá trình ứng phó với BĐKH sẽ mang lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Những năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của BĐKH, các giải pháp ứng phó đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học. Nghiên cứu của Morgane Rivoal (UNDP Việt Nam) và Nguyễn Thanh Thủy (2022) đã chỉ ra các tác động khác biệt về giới của BĐKH đối với năm lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu: Tài nguyên thiên nhiên và môi trường, nông nghiệp, y tế, kế hoạch và đầu tư, và giao thông vận tải. Nhóm tác giả đề xuất một lộ trình lồng ghép giới trong thích ứng với BĐKH, nhằm thực hiện các mục tiêu của Quyết định 1055/QĐ-TTg ngày 20/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Những đề xuất của họ góp phần nâng cao nhận thức về tình trạng dễ bị tổn thương và nhu cầu của phụ nữ, đồng thời thúc đẩy trao quyền và nâng cao vị thế của phụ nữ trong thích ứng với BĐKH. Nghiên cứu của họ cũng nhấn mạnh: “Bất bình đẳng giới không phải là vấn đề của phụ nữ mà là vấn đề của toàn xã hội”.

UNEP, Isponre, Sweden Svegire, Empower và UN Women (2021) đã trình bày các vấn đề bình đẳng giới và biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về cách thức thúc đẩy bình đẳng giới trong hành động khí hậu thông qua nâng cao năng lực thể chế và thiết lập các can thiệp hiệu quả, góp phần xây dựng một xã hội có sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

CARE Quốc tế tại Việt Nam, GIZ và UN Women tại Việt Nam (2015) nhận định: Phụ nữ đóng vai trò thiết yếu trong việc giải quyết các thách thức BĐKH trên khắp Việt Nam. Họ đang thể hiện sự sáng tạo trong việc thích ứng với tác động của BĐKH và xây dựng một xã hội có khả năng chống chịu cao. Phụ nữ cũng đang dẫn đầu các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính và đề xuất các giải pháp mới để ứng phó với BĐKH. Nếu có thể giải quyết và thay đổi bất bình đẳng giới thông qua các sáng kiến về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH, chúng ta không chỉ thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ mà còn tăng cường tác động bền vững của các hoạt động khí hậu lên gấp nhiều lần.

Các nghiên cứu nói trên không những ghi nhận vai trò của nữ giới như một yếu tố cần thiết, không thể thiếu trong quá trình triển khai các can thiệp về biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà còn chỉ ra những điểm nghẽn trong thực tiễn, khiến nỗ lực giải quyết vấn đề BĐKH chưa đạt hiệu quả mong muốn. Một trong những hạn chế chính là việc lồng ghép giới vào chính sách khí hậu vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể để triển khai.

Vai trò của nữ giới trong thiết kế và triển khai các chính sách về biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế và triển khai các chính sách ứng phó với BĐKH, đặc biệt trong thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Tùy thuộc vào cách tiếp cận, vai trò của họ được ghi nhận ở nhiều mức độ khác nhau. Trong nghiên cứu này, chúng tôi phân tích vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy chính sách khí hậu và quản trị khí hậu tại Việt Nam từ ba góc độ chính:

Thứ nhất, vai trò của phụ nữ trong hoạch định chính sách khí hậu ở cấp quốc gia

Ở cấp quốc gia, sự hiện diện và tiếng nói của phụ nữ trong các tổ chức phi chính phủ (NGOs), nhóm vận động chính sách và cơ quan chính phủ mang lại góc nhìn đa chiều và bao trùm hơn trong quá trình hoạch định chính sách BĐKH.

Tại Việt Nam, các NGOs đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực bình đẳng giới và ứng phó BĐKH (Trần Thị Việt Hoài, 2022). Trong số NGOs đang hoạt động, phụ nữ thường là những người đi đầu trong triển khai các dự án và chương trình liên quan đến BĐKH. Họ có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNEP, Isponre, Sweden Svegire, Empower và UN Women, 2021, tr.39 - 49).

Sự tham gia của phụ nữ không chỉ giới hạn ở NGOs mà còn mở rộng trong các cơ quan nhà nước (Mai Thị Thuý, 2023). Tiếng nói của họ đã góp phần quan trọng trong hoạch định chính sách quốc gia nói chung và chính sách BĐKH nói riêng (UNDP, 2019, tr.55). Sự hiện diện của phụ nữ đảm bảo rằng các chính sách phản ánh đầy đủ nhu cầu và ưu tiên của các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Khi phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định, các chính sách BĐKH thường toàn diện hơn, chú trọng đến các giải pháp dựa vào cộng đồng và lồng ghép vấn đề giới (Nguyễn Tất Thắng & Cộng sự, 2015).

Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong vận động chính sách và thúc đẩy sự thay đổi từ bên trong các tổ chức của chính phủ (Lương Thu Hiền, 2019). Nhiều phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo đã chủ động thúc đẩy các chính sách về năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương trước BĐKH (Sunita Dubey, 2023).

Thứ hai, vai trò của phụ nữ trong quản lý tài nguyên và canh tác bền vững ở cấp địa phương

Ở cấp địa phương, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và thực hiện các phương pháp canh tác bền vững. Theo thống kê, phụ nữ chiếm khoảng 80% lực lượng lao động nông nghiệp tại khu vực nông thôn, nơi họ thường xuyên tiếp xúc và quản lý các nguồn tài nguyên như nước, đất và rừng. Những kinh nghiệm thực tiễn giúp họ đóng góp ý kiến thiết thực cho các chính sách quản lý tài nguyên bền vững (Thanh Trà, 2024). Tận dụng kiến thức bản địa, năng lực và kỹ năng của các nhóm phụ nữ để ứng phó và giảm nhẹ các tác động của BĐKH là điều vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể. Việc tăng cường tiếp cận giáo dục và đào tạo cho phụ nữ, cũng như đảm bảo sự tham gia của họ trong các quyết định chính sách, là yếu tố then chốt để thúc đẩy quản lý tài nguyên bền vững.

Thứ ba, vai trò của phụ nữ trong giáo dục, truyền thông và thực hiện chính sách BĐKH

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, truyền thông và tổ chức thực hiện chính sách BĐKH trong phạm vi gia đình và cộng đồng. Họ thường là người chủ chốt trong việc giáo dục con cái và các thành viên trong gia đình về các vấn đề môi trường và BĐKH. Họ có khả năng truyền đạt kiến thức một cách dễ hiểu và thực tế, giúp các thành viên trong gia đình hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và cách ứng phó hiệu quả. Bằng cách nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, họ tạo ra sự đồng thuận và hỗ trợ cho các chính sách bền vững.

Phụ nữ cũng tích cực tham gia các chương trình giáo dục cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, họ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch truyền thông, như “Giờ Trái Đất” và “Ngày Môi trường Thế giới”, nhằm thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường.

Không chỉ hưởng ứng, phụ nữ còn là người khởi xướng các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một ví dụ điển hình, với các hoạt động như tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực cho hội viên về thích ứng BĐKH, triển khai các sáng kiến ứng phó và xây dựng mô hình sinh kế bền vững (VWU, 2021).

Những cơ hội và những rào cản đối với phụ nữ trong quá trình thúc đẩy chính sách về biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam có nhiều thế mạnh để tham gia sâu hơn vào quá trình thiết kế và thực thi chính sách BĐKH. Họ sở hữu kiến thức địa phương sâu sắc về thực trạng và nhu cầu của cộng đồng, giúp họ đóng góp ý kiến thiết thực cho các chính sách quản lý tài nguyên bền vững. Vai trò lãnh đạo của phụ nữ cũng thúc đẩy các giải pháp toàn diện và công bằng hơn trong hoạch định chính sách. Trong bối cảnh mới, Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ phụ nữ trong quản trị khí hậu, từ đó dẫn đến các chính sách bền vững và công bằng hơn.

Cơ hội cho phụ nữ trong thúc đẩy chính sách BĐKH

Kiến thức địa phương và kinh nghiệm thực tiễn: Phụ nữ có hiểu biết sâu sắc về tác động của BĐKH đối với cộng đồng, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và ứng phó với thiên tai.

Vai trò lãnh đạo: Như đã nhấn mạnh ở trên, hiện nay, nhiều phụ nữ đang giữ các vị trí quan trọng trong NGOs, cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy các chính sách khí hậu toàn diện và công bằng.

Hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế: Việt Nam có thể tận dụng các nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế để nâng cao năng lực và vai trò của phụ nữ trong quản trị khí hậu.

Khoa học công nghệ và những thành tựu của nó: Khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ xanh và trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững mà còn là cơ hội quan trọng giúp phụ nữ tham gia hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.

Rào cản đối với phụ nữ trong thúc đẩy chính sách BĐKH

Định kiến giới và chuẩn mực văn hóa: Phụ nữ thường bị hạn chế trong cơ hội thăng tiến và ra quyết định do các định kiến về vai trò của họ trong xã hội. Những giá trị và thông lệ từ quan niệm Nho giáo, vốn đề cao vai trò nam giới trong các công việc xã hội và ra quyết định vĩ mô, vẫn còn tồn tại (WB và UNDP tại Việt Nam, 2005 tr.7). Trong khi đó, phụ nữ thường được “mặc định” với vai trò “xây tổ ấm”, chịu trách nhiệm chính trong các công việc nội trợ và chăm sóc gia đình. Những chuẩn mực này đang xung đột với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại và trở thành rào cản lớn đối với sự tham gia của phụ nữ trong các chương trình ứng phó BĐKH.

Gánh nặng công việc gia đình: Khả năng cân bằng giữa gia đình và công việc xã hội là một thách thức lớn đối với phụ nữ. Theo một khảo sát, gần 50% phụ nữ Việt Nam cho biết họ phải làm việc nhà vì không ai làm, và phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới cho công việc gia đình (VTV, 2022). Gánh nặng này hạn chế cơ hội tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến BĐKH.

Thiếu cơ chế hỗ trợ và quy định cụ thể: Mặc dù nhiều văn bản pháp luật đã đề cập đến lồng ghép giới trong thích ứng BĐKH, việc thiếu các hướng dẫn thực hiện cụ thể đã làm giảm hiệu quả của các chính sách này. Bên cạnh đó, các nghiên cứu và đánh giá về tác động của BĐKH đến an sinh xã hội và bình đẳng giới còn hạn chế, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt . Nhiều văn bản pháp luật đã đề cập đến lồng ghép giới trong thích ứng với BĐKH nhưng còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện” (Bộ tài nguyên và Môi trường, 2022, tr.51).

Hạn chế tiếp cận nguồn lực và đào tạo: Phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính và đào tạo chuyên sâu về công nghệ xanh, điều này làm giảm khả năng tham gia hiệu quả vào các hoạt động ứng phó BĐKH.

Những khuyến nghị về giải pháp

Phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu trong thiết kế và triển khai các chính sách BĐKH tại Việt Nam. Sự tham gia của họ ở các cấp độ khác nhau không chỉ mang lại các giải pháp hiệu quả mà còn đảm bảo tính công bằng và bền vững trong các chính sách khí hậu. Để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong quản trị khí hậu, cần thực hiện các giải pháp toàn diện, bao gồm các khía cạnh chính sách, xã hội và nhận thức.

Về chính sách: Ưu tiên đào tạo và tuyển dụng phụ nữ trong lĩnh vực việc làm xanh. Cần có chính sách ưu tiên cho phụ nữ trong đào tạo, tuyển dụng và cơ cấu việc làm xanh, đặc biệt trong các lĩnh vực giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH; Lồng ghép giới trong quản trị khí hậu. Điều này đòi hỏi nhận thức rõ về các tác động khác biệt của BĐKH đối với phụ nữ và nam giới, cũng như đảm bảo sự tham gia bình đẳng của cả hai giới trong quá trình ra quyết định. Cần thiết kế và thực hiện các chính sách khí hậu một cách công bằng, đáp ứng nhu cầu của cả phụ nữ và nam giới; Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạch định và thực thi chính sách. Đảm bảo tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và tôn trọng thông qua việc gia tăng hạn ngạch tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quá trình ra quyết định; Xây dựng mạng lưới chuyên gia về giới và BĐKH (CECR, 2024). Thành lập mạng lưới các chuyên gia từ khu vực nhà nước và các nhà vận động chính sách làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới và BĐKH, bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các bộ, ngành trong nước, các NGOs tại Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế của chính phủ các nước. Đẩy mạnh đối thoại và tham vấn các bên liên quan, trong đó nêu bật vai trò tham vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Về xã hội: Xóa bỏ định kiến giới và nâng cao nhận thức cộng đồng. Cần xóa bỏ các định kiến về giới và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ trong ứng phó với BĐKH; Cung cấp kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cho phụ nữ. Đảm bảo họ được trang bị các kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để tham gia hiệu quả vào các hoạt động quản trị khí hậu; Hỗ trợ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ có thể cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội, từ đó tăng cường sự tham gia của họ trong các hoạt động quản trị khí hậu.

Về nhận thức: Cần nâng cao nhận thức và năng lực về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong quá trình ứng phó với BĐKH, sử dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống; Thường xuyên tổ chức các khoá học nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò và trách nhiệm của họ trong ứng phó với BĐKH.

KẾT LUẬN

BĐKH đã trở thành một thách thức toàn cầu đòi hỏi sự tham gia tích cực của mọi thành phần xã hội, trong đó phụ nữ đóng vai trò không thể thiếu. Tại Việt Nam, phụ nữ không chỉ là những người chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH mà còn là những tác nhân quan trọng trong việc thiết kế, triển khai và thực hiện các chính sách ứng phó. Sự tham gia của phụ nữ ở các cấp độ, từ quốc gia đến địa phương, mang lại các giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững hơn.

Tuy nhiên, phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm định kiến giới, gánh nặng công việc gia đình, thiếu cơ chế hỗ trợ và hạn chế tiếp cận nguồn lực. Để phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ về chính sách, xã hội và nhận thức. Cụ thể, cần ưu tiên đào tạo và tuyển dụng phụ nữ trong lĩnh vực việc làm xanh, lồng ghép giới trong quản trị khí hậu, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạch định và thực thi chính sách. Đồng thời, xóa bỏ định kiến giới, cung cấp kiến thức và nguồn lực cần thiết cho phụ nữ, cũng như tạo điều kiện để họ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội.

Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ mà còn góp phần xây dựng các chính sách khí hậu hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh Việt Nam và các cam kết quốc tế. Sự tham gia tích cực của phụ nữ sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó thành công với BĐKH.

Nguyễn Thị Thu Lan - Ngô Thị Huyền

Hoàn thiện phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M’nông ở Đắk Nông

Hoàn thiện phương thức bảo tồn và phát huy văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M’nông ở Đắk Nông

Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người M'Nông ở Đắk Nông đứng trước nguy cơ mai một, đòi hỏi những phương thức bảo tồn phát huy hiệu quả.