Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đào tạo nghề nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Ứng dụng AI GreenDoctor hỗ trợ nông dân Hưng Yên nhận diện và quản lý sâu bệnh hại nhãn bằng trí tuệ nhân tạo, hướng tới sản xuất hiệu quả và bền vững.

Lấy ý tưởng từ nhu cầu được giao lưu - kết nối giữa người nông dân, nhà vườn và các chuyên gia nông nghiệp ngày càng cao nhằm trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức - kỹ năng chuyên môn, tư vấn giải pháp xử lý sâu, bệnh hại cây trồng…  nhưng gặp phải sự bất cập, khó khăn trong đi lại và tốn kém các chi phí liên quan thì cần một giải pháp công nghệ khắc phục được những trở ngại, ứng dụng Bác sỹ cây trồng - AI GreenDoctor (sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo - AI; Dữ liệu lớn - Big data; và công nghệ Kết nối thời gian thực - WebRTC) đã ra đời. Năm 2019, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN Quốc tế (VISTIP) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi xướng và cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế (CABI), Công ty cổ phần phần mềm BOM và một số đơn vị ... nghiên cứu và phát triển ứng dụng Bác sỹ cây trồng - AI GreenDoctor (App). Với mục tiêu đồng hành cùng nhà nông trong sản xuất nông nghiệp, giúp sớm xác định và quản lý sâu bệnh đe dọa cây trồng, sinh kế và an ninh lương thực của địa phương, khu vực và quốc gia, qua ứng dụng này, các kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cập nhật của các cơ quan nghiên cứu và quản lý trong nước và nước ngoài (CABI) về quản lý sâu bệnh hại sẽ được chuyển tải nhanh đến cộng đồng nông nghiệp tại các nước thành viên trong đó có Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã ra mắt và giới thiệu App tới chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân tại 1 số địa phương và đã có mặt trên CH Play, App Store.

Năm 2022, tỉnh Hưng Yên đã giao VISTIP chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng phần mềm AI Green Doctor phục vụ chăm sóc cây nhãn theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Việc tải App (từ CH Play hoặc App Store) về thiết bị thông minh và có kết nối internet, người dùng sẽ có được công cụ FREE có thể hỗ trợ nhận diện và quản lý 04 loại sâu bệnh hại nhãn phổ biến tại Hưng Yên.Đặc biệt với công cụ này các hộ trồng nhãn tại Hưng Yên có thể giới thiệu vườn nhãn/các sản phẩm từ nhãn của mình tới khách hàng người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nếu phát huy tốt, công cụ này còn có thể giúp các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý nắm bắt sớm tình hình sâu bệnh hại, sản lượng cây trồng … kịp thời có những quyết sách hiệu quả cho kinh tế của địa phương.

PHƯƠNG PHÁP

Đối tượng: Ứng dụng phần mềm AI GreenDoctor trong quản lý việc chăm sóc cây nhãn (phát hiện 04 loại sâu bệnh hại chính của nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên) theo hướng VietGAP.

Phương pháp điều tra, đánh giá

Thu thập thông tin sẵn có trên các báo cáo, số liệu thống kê… liên quan đến nhiệm vụ.

Thu thập thông tin dựa trên bộ phiếu câu hỏi (phiếu điều tra) với nội dung liên quan đến thông tin chung của chủ hộ và vườn nhãn sở hữu, về tình hình sâu bệnh hại nhãn và tình hình áp dụng/ ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc/ các công nghệ mới nổi của CMCN 4.0 trong sản xuất ở địa phương

Phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA): nhiệm vụ đã tiến hành 03 cuộc PRA tại xã Hàm tử (huyện Khoái Châu) và xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên). Quá trình PRA, sử dụng các công cụ như: Phân loại vấn đề trong sản xuất nhãn của địa phương; Lập danh sách giống nhãn trồng tại địa phương; Thống kê sâu bệnh thường gặp… để các bên tham gia đánh giá, tự đánh giá trên quan điểm của mình.

Phương pháp quan sát tại thực địa/ quan trắc trực tiếp: thành viên nhiệm vụ thực hiện khảo sát thực địa, quan sát trực tiếp ngoài vườn nhãn của các hộ tại địa bàn.

Phương pháp xử lý và phân tích thông tin: Phiếu điều tra được tập hợp trên phần mềm Excel, tổng hợp và phân tổ thống kê, phân tích số liệu để đưa ra kết luận. Các thông tin thu thập được từ các buổi đánh giá PRA bao gồm cả định tính và định lượng, được tổng hợp đưa vào bổ sung cho những thông tin thu thập được từ phiếu điều tra.

 

Phương pháp thu thập, xử lý hình ảnh, đào tạo AI và tích hợp thông tin, dữ liệu và hình ảnh liên quan đến sâu và bệnh hại chính trên nhãn tại Hưng Yên vào AI GreenDoctor (App)

Với 04 loại sâu bệnh hại trên nhãn như trên,  thu thập, tổng hợp các thông tin thứ cấp từ các tài liệu, báo cáo tổng hợp liên quan và các thông tin có được từ kết quả khảo sát; thu thập các hình ảnh sẵn có từ  nguồn các nhiệm vụ KHCN liên quan, website/ thư viện ảnh trong nước và quốc tế.

Thu thập ảnh tại hiện trường: xác định thời gian xuất hiện và địa bàn xuất hiện nhiều của 04 sâu bệnh hại, thu thập viênđược tập huấn chụp bằng Smartphone của cá nhân và gửi lên iClound chung;

Phương pháp xử lý hình ảnh và phân tích các dữ liệu ảnh:

Dùng phương pháp chuyên gia so sánh và thẩm định, phân tích, đối chứng, phân loại hình ảnh sâu bệnh hại thu thập/ chụp thực tế theo các nhóm sâu bệnh hại và theo giai đoạn của từng sâu bệnh hại, nhóm thành các mã theo 04 loại sâu bệnh hại và theo từng giai đoạn và thứ tự ảnh thu thập

Sử dụng phần mềm cắt theo kích thước vuông 1:1 các hình ảnh đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật.

Phương pháp đào tạo và tích hợp AI nhận diện sâu bệnh hại nhãn và thông tin vào App:

Dữ liệu huấn luyện AI nhận diện 04 loại sâu bệnh hại nhãn gồm các hình ảnh quả/ lá nhãn (bị bệnh, khỏe mạnh) tổng hợp từ: i) Ảnh của nông dân chụp sẵn gửi trao đổi với chuyên gia (ii) Ảnh do nhiệm vụ thu thập (tự chụp với các thời điểm, không gian khác nhau). Các hình ảnh được phân làm 02 nhóm: nhãn đạt yêu cầu khỏe mạnh và bị hại/ bị bệnh.

Sử dụng công nghệ xử lý ảnh, dựa trên thư viện OpenCV - Python, cùng đó là áp dụng AI, thuật toán YOLOv3 để nhận dạng đối tượng bệnh trên cây (cây nhãn).

Xây dựng hệ thống phân loại  và tìm bệnh cho App, gồm 7 bước chính (Hình 1).

Trong bài toán phát hiện đối tượng, các ảnh được nhóm chuyên gia CNTT thực hiện gán nhãn thủ công dựa vào công cụ hỗ trợ LabelImg và trên roboflow.com (Hình 2) với sự hỗ trợ bởi các chuyên gia nông nghiệp (BVTV). Dữ liệu huấn luyện sau khi được gán nhãn thủ công được trích xuất định dạng dưới các định dạng khác nhau. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả thực hiện trích xuất dữ liệu định dạng COCO (có dạng *.json) và lấy dưới dạng link.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đào tạo nghề nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Huấn luyện mạng: Mô hình Faster R-CNN và YOLOv5 được nhóm chuyên gia CNTT sử dụng ngôn ngữ Python 3.9.6, viết trên phần mềm Visual Studio Code, thực hiện huấn luyện mô hình trên môi trường Google Colab.

Trong nghiên cứu này, chuyên gia đã upload ảnh và thực hiện gán nhãn cho ảnh lưu dưới dạng Coco. Chương trình đạt độ chính xác là 94% trong các lần tập huấn HTX nông dân ở Hưng Yên.

Thử và điều chỉnh tính năng:

Phương pháp chuyên gia: chuyên gia BVTV, trồng trọt, kinh tế, CNTT … Thử nghiệm (test) trên mô hình thực tế và nhận phản hồi từ người dung.  Hiệu chỉnh thông tin, tính năng mới tích hợp trên AI GreenDoctor.

KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN

Tình hình sản xuất, sâu bệnh hại nhãn và ứng dụng công nghệ trong chăm sóc nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều tra phỏng vấn tổng số 600 hộ dân sản xuất nhãn của 13 xã tại 06 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hưng Yên có diện tích trồng nhãn tập trung lớn, gồm: thành phố Hưng Yên và các huyện: Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ.

Kết quả cho thấy nhãn đang là một trong các cây trồng chủ lực của tỉnh Hưng Yên, được trồng tập trung tại hầu hết các huyện trong tỉnh, trong đó, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên chiếm hơn 50% diện tích nhãn của toàn tỉnh. Diện tích nhãn ở Hưng Yên năm 2022 là 4.837 ha tăng so với năm 2018 là 368 ha, tốc độ tăng trưởng 2,00%/ năm, trong đó huyện Yên Mỹ và Tiên Lữ tăng nhanh nhất, bình quân trên 10% mỗi năm (Yên Mỹ) và 7,19%/ năm (Tiên Lữ). Đồng thời, số liệu thu thập được cũng cho thấy có xu hướng giảm diện tích trồng nhãn tại Tp. Hưng Yên và các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào và Kim Động. Việc giảm diện tích này theo nhóm nghiên cứu nhận định là do đất trồng nhãn được chuyển đổi sang thành các khu công nghiệp và do đô thị hóa…

Diện tích nhãn ở Hưng Yên tuy có tăng hằng năm ở mức 2% nhưng sản lượng tăng 4,03%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do một số huyện có mức tăng trưởng âm cao như Văn Lâm, Mỹ Hào, Kim Động nhưng diện tích trồng nhãn của các địa phương này nhỏ hơn rất nhiều so với các địa phương khác, đặc biệt Văn Lâm và Mỹ Hào. Riêng thành phố Hưng Yên dù là 1 trong 2 địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất trong tỉnh (chỉ sau huyện Khoái Châu), cũng có mức tăng trưởng âm song thấp. Thời điểm năm 2022, diện tích nhãn cho thu hoạch của Hưng Yên tại các huyện Khoái Châu và Tp. Hưng Yên là nhiều nhất với lần lượt là 1.464 ha và 1.025ha (Niên giám thống kê Hưng Yên năm 2023). Hầu hết người trồng nhãn tham gia khảo sát đều đánh giá trồng nhãn không quá khó, dù đây là loại cây khó tính bởi họ có kinh nghiệm và khả năng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (trong 06 đơn vị hành chính cấp huyện điều tra, chỉ có Phù Cừ và Khoái Châu vẫn còn hộ cho rằng chăm sóc nhãn khó).

Hầu như tất cả các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên đều biết đến kỹ thuật điều tiết khả năng cho cây nhãn ra hoa và cho quả hàng năm thông qua sử dụng các kỹ thuật cắt tỉa, khoanh cành, xử lý hóa chất... Kết quả khảo sát cho thấy, nhãn đang bị 02 loại sâu gây mức độ thiệt hại trầm trọng nhất là Bọ xít nâu và Rệp sáp trong số 11 loại sâu hại phổ biến và 02 loại bệnh hại chính là Sương mai (thường xuất hiện vào tháng 3 và tháng 4) và Thán thư (thường xuất hiện vào các tháng 7 và tháng 8 hàng năm).

Phỏng vấn tình hình sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất và tiêu thụ nhãn, kết quả 100% các hộ không sử dụng CNTT và không sử dụng mạng xã hội (MXH) để trao đổi thông tin về chăm sóc nhãn. Có 10% hộ cho biết có sử dụng sàn giao dịch điện tử, tập trung ở Tp Hưng Yên và Phù Cừ với lần lượt là 40% và 20%; 13,16% sử dụng MXH, có tới 76,84% cho biết là sử dụng các biện pháp khác để giao dịch tiêu thụ nông sản song không nêu rõ. Hiện nay điện thoại thông minh rất phổ dụng, (gần 70% số hộ khảo sát có sử dụng Smartphone, đặc biệt ở Khoái Châu và Tp Hưng Yên tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh rất cao lần lượt là 98 và 80). Tuy nhiên, mục đích sử dụng Smartphone chủ yếu để “Chat với bạn bè“ hoặc „đọc báo, tin tức” mà chưa sử dụng vào mục đích tìm hiểu kỹ thuật về chăm sóc sản xuất nhãn; đặc biệt 100% hộ tham gia khảo sát cho biết chưa gài đặt bất cứ „ứng dụng hướng dẫn kỹ thuật trồng, sản xuất nông nghiệp” nào vào Smartphone của mình.

Từ kết quả khảo sát và qua các buổi họp PRA có một số nhận định sau:

Sản xuất nhãn ở Hưng Yên đạt trình độ thâm canh cao so với nhiều vùng khác ở phía Bắc do người dân đã biết áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, đặc biệt khắc phục hiện tượng ra quả cách năm, mất mùa;

Hầu hết vườn nhãn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên tiêu thụ nhãn vẫn còn khó khăn đặc biệt những năm được mùa;

Hạn chế lớn nhất trong sản xuất nhãn ở Hưng Yên hiện nay là nguồn lao động quản lý, chăm sóc các vườn nhãn đều ở tuổi cao, trung bình 55-60 tuổi và có xu hướng tăng do lớp người trẻ chọn việc khác có thu nhập cao hơn;

 Sản xuất nhãn ở Hưng Yên hiện đang đối mặt với nhiều loại sâu bệnh, có đến 13 sâu bệnh hại khác nhau. Theo đánh giá của các chủ vườn nhãn, bệnh Sương mai là nguy hại nhất, sau đó đến bệnh Thán thư, tiếp sau là rệp sáp và sâu Ban miêu. Những sâu bệnh này ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nhãn ở Hưng Yên, do vậy việc dự thính dự báo và các biện pháp phòng trừ cần được tăng cường. Việc ứng dụng App AI GreenDoctor sẽ giúp người dân chủ động hơn trong việc dự thính dự báo và các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả;

Hiện nay lao động sản xuất nhãn ở Hưng Yên chủ yếu là trung niên, người già tuy có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhưng việc ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế. Tỷ lệ người trồng nhãn ở Hưng yên đang sử dụng Smartphone tương đối cao (55-70%) và một số hộ dân đã sử dụng CNTT như sàn giao dịch thương mại điện tử (10%), MXH để tiêu thụ sản phẩm nhãn. Đây là lợi thế để người dân áp dụng kỹ thuật số trong ứng phó với sâu bệnh cây nhãn. Người dân trồng nhãn tại Hưng Yên đã ý thức về tầm quan trọng và quan tâm khai thác để tận dụng các cơ hội mà CNTT đem lại. Do vậy việc hỗ trợ người trồng nhãn ở Hưng Yên tiếp cận, ứng dụng các phần mềm công nghệ mới như App AI GreenDoctor một cách rộng rãi là rất cần thiết.

Thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu ảnh, đào tạo và tích hợp AI nhãn và 04 sâu bệnh hại chính trên nhãn tại Hưng Yên (Bọ xít nâu, Rệp sáp, Sương mai và Thán thư) vào nền tảng AI GreenDoctor (App)

Trong 2 năm thực hiện nhiệm vụ, trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát tại địa bàn của tỉnh Hưng Yên, 04 loại sâu bệnh hại chính trên nhãn tại Hưng Yên đã được xác định, đã tiến hành thu thập hơn 7.800 hình ảnh tại hiện trường về 04 loại sâu bệnh hại nêu trên, sau đó dùng phương pháp chuyên gia và phương pháp so sánh, phân tích, đối chứng các hình ảnh thu thập được để xử lý phân tích xác nhận các hình ảnh thu thập, tạo thành tệp dữ liệu chuẩn đào tạo cho AI nhận diện về 04 loại sâu bệnh hại này; Sau đó tích hợp AI nhận diện này cùng các thông tin tổng hợp về các giải pháp/ biện pháp quản lý theo hướng VietGAP 04 loại sâu bệnh hại (Bọ xít nâu, Rệp sáp, bệnh Thán thư và bệnh Sương mai) trên nhãn Hưng Yên vào nền tảng App. Sau một thời gian thực hiện đồng bộ các bước công nghệ và tích hợp các dữ liệu, ứng dụng AI Green Doctor áp dụng cho cây nhãn có các tính năng sau:

Tìm sâu bệnh qua hình ảnh bằng AI

Hình 5. Tính năng chẩn đoán sâu bệnh hại nhãn bằng hình ảnh AI
Hình 5. Tính năng chẩn đoán sâu bệnh hại nhãn bằng hình ảnh AI

 Tính năng này ứng dụng AI để giúp người nông dân phát hiện và nhận dạng loại sâu bệnh của cây trồng một cách nhanh chóng - chính xác nhất chỉ qua việc chụp ảnh. Qua đó, người dùng có thể tìm ra giải pháp điều trị kịp thời nhằm mang lại hiệu quả và năng suất tốt nhất cho cây trồng. Sau khi đã xác định được sâu bệnh, bước tiếp theo người dùng có thể tìm hiểu thêm các thông tin cụ thể (triệu chứng bệnh, đặc điểm sinh học và hình thái, quy luật phát sinh, cách phòng trừ,...) đã được tích hợp sẵn trên APP.

Kết nối với Bác Sỹ cây trồng/ Chuyên gia cây trồng

Thông qua hộp thoại ảnh và hộp thoại dạng văn bản (text) kết nối người nông dân với chuyên gia để hỏi - đáp về cây trồng và sâu bệnh. Hình ảnh và câu hỏi của người dùng sẽ đến với các chuyên gia có chuyên môn để thắc mắc được giải quyết một cách cụ thể, đầy đủ và chi tiết nhất.

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đào tạo nghề nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Tính năng kết nối cộng đồng

Tạo nên một diễn đàn nơi kết nối người dùng với nhau để hỏi đáp, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến cây trồng, sâu bệnh và các vấn đề liên quan. Ngoài ra, người dùng có thể xem, bình luận, giải đáp cho các bài đăng/câu hỏi/chia sẻ của những người dùng khác

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đào tạo nghề nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Tính năng giới thiệu/ quảng bá nhà vườn (trang nhà vườn)

Với tính năng này, người dùng có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, với người tiêu dùng và doanh nghiệp (thông tin nhà vườn liên quan đến diện tích, sản lượng, chất lượng nông sản, các hình ảnh chứng chỉ minh chứng của sản phẩm thuộc nhà vườn, thông tin chủ vườn, số điện thoại, công cụ dẫn đường google map đến nhà vườn).

Một số tính năng chung khác

Đây là trang blog được tích hợp sẵn trên nền tảng ứng dụng AI Green Doctor cung cấp cho người dùng kiến thức tổng quan và kiến thức chuyên môn về chăn nuôi, cây trồng, sâu bệnh. Người dùng được tiếp cận các bài phân tích chuyên sâu về các bệnh phổ biến, cách xử lý, các phòng trừ bệnh thường gặp ở con vật, cây ăn quả, cây công nghiệp,... nhằm thu thập thêm kiến thức cần thiết trong công việc làm nông của mình. Lịch vạn niên và dự báo thời tiết cung cấp cho người dùng thông tin cụ thể về thời tiết nông vụ, giờ, ngày, tháng, năm âm lịch và dương lịch giúp người dùng thuận tiện hơn trong xác định thời điểm và lên các kế hoạch trồng, chăm sóc, thu hoạch phù hợp, hiệu quả.

Để sử dụng AI GreenDoctor, người dùng cần thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng …) với kết nối internet. Khi hình ảnh hiện trạng của vết sâu/ bệnh cây trồng được đưa lên Ứng dụng, Bác sỹ cây trồng - AI GreenDoctor giúp xác định sâu bệnh hại và sẽ liên kết với thông tin về cách giải quyết vấn đề phù hợp; Đồng thời người dùng có thể lựa chọn tiếp tục tham vấn với chuyên gia hoặc trao đổi với những người sản xuất khác là thành viên đăng kí sử dụng AI GreenDoctor. Người dùng cũng có thể lựa chọn tìm hiểu các thông tin được các chuyên gia/ cán bộ khuyến nông/ bảo vệ thực vật cập nhật chia sẻ trên App hoặc các trao đổi liên quan trên cộng đồng người dùng trên App. Khai thác và sử dụng tính năng, thông tin trên App giúp người sản xuất hiểu được vấn đề cây trồng đang gặp và cách giảm thiểu tác hại sát thực tế.

Người dùng có thể tải phần mềm từ CH Play  hoặc App Store và đăng ký tài khoản người dùng thông thường (USER) để sử dụng miễn phí các tính năng có trên AI GreenDoctor. Với người dùng đăng ký là chuyên gia khi tải phần mềm từ CH Play hoặc App Store và đăng ký tài khoản thì ngoài sử dụng được tất cả các tính năng có trên App như người dùng thông thường (USER) còn được cấp thêm tài khoản chuyên gia (Expert/ Doctor) để sử dụng các tính năng giành riêng cho chuyên gia (tư vấn cho người dùng, đăng tải bài viết chuyên môn...).

KẾT LUẬN

Ứng dụng Bác sỹ cây trồng - AI GreenDoctor (App) tích hợp các công nghệ tiên tiến (AI, Big data, WebRTC) góp phần thay đổi phương thức chuyển giao công nghệ/ chia sẻ thông tin giữa nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ khuyến nông/ bảo vệ thực vật tại địa phương và người nông dân.

Với App AI Green Dotor, người nông dân có thể tiết kiệm tiền bạc, thời gian và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ được môi trường. Người dùng nói chung đều có thể “tiếp cận” tới các kiến thức và các gói kỹ thuật tiến tiến, nhận được “tư vấn” trực tiếp từ các chuyên gia, cán bộ đúng chuyên ngành từ các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao có uy tín. Kết quả thống kê 237 hộ dân tham gia mô hình ứng dụng bác sỹ cây trồng AI Green Doctor tại 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 06 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hưng Yên cho thấy 100% số người được khảo sát quan tâm đến việc sử dụng AI Green Doctor trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong chăm sóc nhãn nói riêng.

Sử dụng App này sẽ giúp các cơ quan quản lý và thực thi chuyên môn ở địa phương (bảo vệ thực vật, trồng trọt khuyến nông, xúc tiến thương mại) và hộ tiêu dùng lớn có thể nắm bắt thông tin và tình hình sản xuất, dịch bệnh sâu hại trên cây nhãn nhanh chóng, chuẩn xác; nắm bắt được điểm trồng và uy tín thương phẩm, trên cơ sở đó có những đề xuất, khuyến cáo kịp thời tới chính quyền địa phương/ các cơ quan quản lý cấp trên khi có yêu cầu.

Đã rút ngắn được khoảng cách giữa nông dân và các nhà khoa học, giữa nông dân với các chuyên gia; bện cạnh đó gắn kết cộng đồng nông dân với các doanh nghiệp, dần khẳng khịnh vai trò và mối quan hệ khăng khít giữa Nông dân - Nhà Khoa học - Nhà quản lý - Doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất nông nghiệp nói chung và trong chuỗi sản xuất nhãn lồng tại Hưng Yên nói riêng.

Bước đầu là một minh chứng điển hình của sự vào cuộc sớm và quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phục vụ nhu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, đáp ứng hiệu quả nhu cầu tiếp cận các kỹ thuật mới và giao thương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tới các khách hàng/ người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Để phát triển và phát huy tác dụng của Ứng dụng này, cần có sự đầu tư lâu dài và bài bản cùng sự chung tay góp sức/ nguồn lực đến từ nhiều tổ chức/ cá nhân, đặc biệt là sự góp sức từ chính quyền địa phương. Chủ trì nhiệm vụ đang cùng một số chuyên gia nông nghiệp tiếp tục phát triển Ứng dụng này vào chăm sóc, bảo vệ một số cây trồng ngắn ngày có giá trị kinh tế cao (nho, cây khoai tây, cây dược liệu) tại một số địa bàn thông qua các chương trình đào tạo dạy nghề nông nghiệp để góp phần vào việc sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ cảnh quan, sinh thái môi trường .

Bùi Thị Huy Hợp, Lê Thị Liên

Nghiên cứu “bắt” virus cúm và herpes bằng kẹo cao su

Nghiên cứu “bắt” virus cúm và herpes bằng kẹo cao su

Loại kẹo cao su mới này cho thấy tiềm năng rõ rệt trong việc phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm qua đường miệng.