Bằng những nghiên cứu của mình, nữ TS đã mở ra hướng đi mới trong điều trị căn bệnh này bằng từ những loại dược liệu rất phổ biến như lá tía tô, cây đậu bắp...
TS. Huỳnh Ngọc Trinh hiện đang là giảng viên bộ môn Dược lý, khoa Dược Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. TS. Ngọc Trinh có 26 bài báo khoa học được công bố. Phần lớn công trình nghiên cứu của chị hướng tới ung thư. Năm 2012, TS. Huỳnh Ngọc Trinh và các cộng sự đã giành giải bài báo hay nhất năm của tạp chí dược phẩm châu Âu European Journal of Pharmaceutics and Biopharmaceutics dành cho công trình nghiên cứu về điều trị ung thư não. Đây là công trình nghiên cứu được nữ tiến sĩ triển khai trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp. Công trình được thực hiện với rất nhiều thử nghiệm khác nhau để xác định tác dụng điều trị ung thư não của dẫn chất thuộc nhóm ferrocifen.
Sau 3 năm miệt mài với thí nghiệm, kết quả công trình nghiên cứu cho thấy việc điều trị với các tiểu phân nano chứa ferrociphenol (FcdiOH), một hoạt chất mới được tổng hợp, giúp gia tăng thời gian sống của các chuột cống bị u não thực nghiệm và gần như làm biến mất các khối u não được cấy dưới da chuột. Các nghiên cứu này mở ra hy vọng điều trị cho những bệnh nhân ung thư não, giúp kéo dài thời gian sống và giảm gánh nặng về độc tính của các thuốc kháng ung thư. Thành công của nghiên cứu cũng giúp TS. Huỳnh Ngọc Trinh nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2016 do Trung ương Đoàn trao tặng.
TS Huỳnh Ngọc Trinh (giữa) vinh dự được trao giải thưởng Quả cầu vàng khoa học kỹ thuật năm 2016. |
Tiếp nối thành công từ đề tài này, khi trở về công tác tại trường, TS. Huỳnh Ngọc Trinh tiếp tục đề tài “Nghiên cứu tác dụng dược lý của cây đậu bắp theo hướng điều trị đái tháo đường và chứng tăng li-pít huyết”. Với vai trò chủ nhiệm đề tài, sau ba năm, chị và các cộng sự đã hoàn tất công trình. Trong thời gian nghiên cứu, chị nhận ra rằng, thân cây đậu bắp có khả năng kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa tăng li-pít huyết rất tốt đối với bệnh nhân đái tháo đường. TS. Ngọc Trinh cho biết: “Đề tài này xuất phát từ kinh nghiệm dân gian và một số nghiên cứu cá nhân khác. Việc có tới hai tác dụng cho thấy, cây đậu bắp có tác dụng cao hơn các loại dược phẩm khác đối với bệnh nhân đái tháo đường”. Nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt y học, giảm chi phí sản xuất mà giúp người nông dân có thêm thu nhập từ thân cây đậu bắp bỏ đi. Mặc dù đã thành công với công trình nghiên cứu này, nhưng TS. Huỳnh Ngọc Trinh vẫn chưa hài lòng. Theo chị, đề tài mới chỉ dừng lại ở giai đoạn chiết xuất dược liệu từ cây đậu bắp, chứ chưa được bào chế thành thuốc dùng đại trà. Việc này xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan như rào cản về kinh phí thực hiện đề tài…
Tuy nhiên, nhờ thành công của đề tài này đã tạo động lực và đam mê để TS. Ngọc Trinh tiếp tục theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư. Đó là đề tài nghiên cứu về ung thư da từ cao chiết lá tía tô. Đây là đề tài do chị tự đề xuất và đã được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí thực hiện và nghiệm thu năm 2018. Kết quả về tác động kháng ung thư da của lá tía tô có thể phát triển thêm một dược liệu quý trong dự phòng, điều trị bệnh ung thư da, góp phần giảm gánh nặng về sức khỏe cũng như về chi phí điều trị ung thư da tại Việt Nam.
Ngoài những nghiên cứu về ung thư, TS. Ngọc Trinh và những người bạn còn nghiên cứu bào chế sản phẩm nano dầu mù u – curcumin có tác dụng kháng viêm, làm lành vết thương bỏng độ 3. Hiện tại nghiên cứu trên chưa có sản phẩm bán trên thị trường. Tuy nhiên, nhóm của chị đã thực hiện thử nghiệm thành công trên loài thỏ. TS. Ngọc Trinh chia sẻ: “Dù đề tài này hiện đang chờ nghiệm thu nhưng khả năng ứng dụng, thương mại hóa sản phẩm là rất cao. Tôi cũng mong muốn trong thời gian sớm nhất, sản phẩm sẽ có mặt trên thị trường phục vụ cho mọi người”.
Vừa nghiên cứu khoa học, vừa chăm sóc gia đình nên TS. Ngọc Trinh luôn cân đối thời gian hài hòa nhất. Theo quan điểm của chị: phụ nữ vẫn có thể làm tốt nghiên cứu khoa học nếu có niềm đam mê. Đam mê của chị xuất phát từ nhu cầu của công việc và ham thích khám phá những điều mới lạ trong chuyên môn, nhất là trong chuyên ngành dược lý. Đam mê thôi thúc chị nghiên cứu khoa học, ứng dụng các mô hình này để đánh giá hiệu quả điều trị của các hoạt chất, dược liệu hay các bài thuốc dân gian.
Nữ tiến sĩ dùng vỏ thanh long tạo màng sinh học thay thế túi nilon
Màng pectin từ vỏ thanh long do TS.Trang tạo ra có thể phân hủy đến 62,5% trong môi trường đất sau 7 ngày, là vật liệu tiềm năng thay thế túi nilon.