Ông Đinh La Thăng: "Cần sự thật khách quan để những người bị cáo buộc phải tâm phục khẩu phục"

Cựu bộ trưởng nói rằng nếu có sai sót thì là sai sót về chứng từ thủ tục, không gây ra hậu quả, không thất thoát trong vụ án này.

Ngày 21/12, phiên xét xử cựu bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng)... về các sai phạm liên quan đến quyền thu phí cao tốc Trung Lương, thiệt hại 725 tỷ đồng, tiếp tục với phần tranh luận.

Tại phiên tòa sáng 21/12, các luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) tiếp tục tranh luận lại các quan điểm của VKS. Ở phiên tòa chiều 19/12, VKS giữ nguyên cáo buộc bị cáo Thăng phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, vì hành vi của cựu Bộ trưởng GTVT là tiền đề dẫn đến hậu quả Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") gây thiệt hại 725 tỷ đồng.

  Ông Đinh La Thăng đến tòa sáng nay. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Đinh La Thăng đến tòa sáng nay. Ảnh: Hữu Khoa.

Cơ quan công tố chỉ ra lời khai của những nhân chứng và một số bị cáo trong vụ án chứng minh ông Thăng và Út "Trọc" có quen biết, gặp gỡ và trao đổi. Từ đó xác định bị cáo Đinh La Thăng đã giới thiệu Hệ tiếp xúc với Dương Tuấn Minh để tham gia dự án của Công ty Cửu Long, trong đó có dự án chuyển giao quyền thu phí.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - luật sư bào chưa cho ông Thăng lập luận của VKS là đang áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội. Nguyên tắc khách quan là phải xác định được sự thật khách quan của vụ án. Ông Hoàng nhấn mạnh, lời khai mà VKS trích dẫn của chính ông Thăng và những nhân chứng (nguyên thư ký, thư ký của bị cáo) không phù hợp với thời gian triển khai dự án chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương vì cuối năm 2013 ông Thăng mới biết Út "Trọc" và có những cuộc điện thoại qua lại.

Khi VKS đặt câu hỏi về 22 cuộc điện thoại giữa ông Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ, luật sư Hoàng cho rằng cần chứng minh cách cuộc điện thoại vào thời gian trên có nội dung ông Thăng chỉ đạo, tác động cho Hệ đợc nhận dự án thì mới là căn cứ buộc tội. 

Riêng luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị đại diện VKS không dùng từ "ngoan cố" với thân chủ và các bị cáo. Theo quy định của pháp luật, bị cáo có quyền đưa ra những lập luận để bào chữa cho mình. Do đó, việc họ chứng minh mình không có tội không được xem là ngoan cố và không bị xem là tình tiết tăng nặng khi lượng hình.

Về trách nhiệm hình sự của ông Đinh La Thăng, luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm: "Nếu chứng minh được ông Thăng biết sai phạm mà vẫn bao che thì mới kết tội được".

Sau khi các luật sư tranh luận lần hai với quan điểm buộc tội của VKS, ông Đinh La Thăng tự bào chữa cho mình. Ông Thăng giữ nguyên quan điểm phủ nhận cáo buộc của cơ quan công tố. 

Về quyền sở hữu tài sản, ông Thăng nói VKS trích dẫn rất nhiều văn bản nhưng có nhầm lẫn về quyền xử lý và quyền sử dụng tài sản.

Theo cựu Bộ trưởng GTVT, với dự án chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong 5 năm, quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc Nhà nước. Ở đây không có sự chuyển quyền sở hữu tài sản mà chỉ chuyển quyền được thu phí trong 5 năm. Tiền thu phí trong 5 năm thuộc quyền của nhà đầu tư trúng đấu giá chứ không thể xem là tài sản Nhà nước.

Những sai phạm về việc chậm thanh toán, bị cáo Thăng nói nội dung này đã được xử lý trong vụ án khác.

Cựu bộ trưởng giãi bày, khi Bộ GTVT làm dự án chuyển giao quyền thu phí cao tốc Trung Lương là thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao. Thay vì để Tổng Công ty Cửu Long thu tiền lẻ hàng ngày thì đại diện Bộ GTVT thu một lần. "Dự án này Ngân hàng BIDV không bán được mới trả lại cho Chính phủ. Chính phủ sau đó giao cho Bộ GTVT chứ không phải miếng béo bở mà chúng tôi tranh giành", ông Thăng nói.

Ông Thăng cho biết quá trình thực hiện dự án có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, đối nghịch nhau, có văn bản chưa có hướng dẫn. Ngoài các văn bản đã có, trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT bằng văn bản cá biệt đã xin hướng dẫn và ý kiến của Bộ Tài chính.

Cựu Bộ trưởng GTVT nói tiền thu được trong việc triển khai thu phí là tiền hợp pháp khi chuyển nhượng quyền thu phí, không thể được xem là tiền của Nhà nước. Ông Thăng kiến nghị HĐXX trưng cầu giám định số tiền này là của ai nếu cần thiết.

Tại tòa, Bộ Tài chính trả lời Bộ GTVT thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do đó, ông Thăng nói việc VKS cáo buộc Bộ GTVT làm sai là không thật sự đúng.

Về cáo buộc quen biết ông Hệ dẫn tới việc các bị cáo ở Bộ GTVT và Tổng Công ty Cửu Long cố ý làm trái, ông Thăng hướng về các bị cáo ở hai băng ghế bên cạnh và nói: "Đề nghị VKS chỉ cụ thể ai trong số các bị cáo ở đây là người biết mối quan hệ đó, chịu tác động của tôi để cố ý làm trái các văn bản pháp luật?".

"Việc tôi trình bày ở đây không phải tôi trình bày riêng cho tôi mà tôi trình bày chung cho các bị cáo của Bộ GTVT, Công ty Cửu Long và còn cho những người trong Bộ GTVT, các bộ, ngành khác biết, rút kinh nghiệm", ông Thăng nói.

Cựu bộ trưởng nói thêm rằng, các cán bộ đã nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao. Nếu có sai sót thì là sai sót về chứng từ thủ tục, không gây ra hậu quả, không thất thoát trong vụ án này. "Mong HĐXX xem xét khách quan. Tôi biết rất khó để VKS thay đổi cáo buộc của mình, nhưng tôi cần sự thật khách quan để cho những người bị cáo buộc phải tâm phục khẩu phục. Tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm cáo buộc của VKS nhưng tôi hoàn toàn bác bỏ cáo buộc đó", ông Thăng kết thúc phần tranh luận.

Thanh Mai

Ông Đinh La Thăng không công nhận cáo trạng vì 'hoàn toàn quy buộc không khách quan'

Ông Đinh La Thăng không công nhận cáo trạng vì "hoàn toàn quy buộc không khách quan"

"Cáo trạng nói tôi giao nhiệm vụ cho anh Trường và công ty Cửu Long là không có căn cứ", ông Thăng nói.