Là một trong 6 cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam 2025, Tiến sĩ Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn (trực thuộc Trường Đại học Trà Vinh) đã để lại dấu ấn sâu sắc với câu chuyện vượt khó đầy cảm hứng.
![]() |
Tiến sĩ Ngô Sô Phe. Ảnh: NVCC |
Tiến sĩ Ngô Sô Phe sinh năm 1981, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (cũ).
Cha bà nguyên là Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam huyện Trà Cú (cũ). Từ nhỏ, bà Ngô Sô Phe đã sớm được cha giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên.
“Ông luôn căn dặn 4 anh em chúng tôi: Cha không có gì để lại cho các con ngoài cái chữ. Đó là tài sản lớn nhất trong cuộc sống, các con phải cố gắng học tập để thành tài”, bà kể. Và câu nói ấy đã trở thành động lực giúp bốn anh em trong gia đình vượt qua khó khăn theo đuổi con đường học vấn.
![]() |
Tiến sĩ Ngô Sô Phe là một trong 6 cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2025. Ảnh: NVCC |
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, do hoàn cảnh kinh tế, bà chọn học trung cấp để sớm đi làm phụ giúp gia đình. Năm 2001, bà bắt đầu công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh, tiền thân của Trường Đại học Trà Vinh hiện nay. Chính nơi đây đã mở ra sự nghiệp giáo dục và cống hiến lâu dài của bà.
Bắt đầu sự nghiệp với tấm bằng trung cấp, bà không ngừng học tập nâng cao trình độ, lần lượt hoàn thành chương trình đại học, cao học và sau cùng là nghiên cứu sinh. Bà trở thành người phụ nữ Khmer đầu tiên của tỉnh Trà Vinh (cũ) được đào tạo tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước. Ngày 12/8/2022, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành Kinh tế phát triển, với đề tài “Phát triển nguồn nhân lực nữ, người dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh”.
Luận án được đánh giá cao về giá trị lý luận và thực tiễn, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, đặc biệt với nhóm phụ nữ đồng bào dân tộc còn chịu nhiều định kiến và thiệt thòi trong xã hội.
![]() |
Tiến sĩ Ngô Sô Phe tại Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học Đà Nẵng chuyên ngành Kinh tế phát triển, với tên đề tài “Phát triển nguồn nhân lực nữ, người dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh”, ngày 12/8/2022. |
Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, TS Ngô Sô Phe đã cùng tập thể nhà trường thực hiện xuất sắc nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật Khmer Nam Bộ. Các kết quả nổi bật của nhà trường góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa Khmer trong thời đại số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững khu vực.
Hiện Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn có hơn 2.500 học viên và sinh viên từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Bên cạnh đào tạo chính quy, trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Các lớp học không chỉ giúp nâng cao năng lực giao tiếp, hiểu biết văn hóa mà còn thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.
![]() |
Tiến sĩ Ngô Sô Phe phát biểu tại Hội thi Hùng biện tiếng Khmer lần thứ 4 với chủ đề “Giới trẻ với mạng xã hội” tổ chức vào tháng 4/2025. Ảnh: TVU |
Với những đóng góp thiết thực ấy, Tiến sĩ Ngô Sô Phe được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba cùng nhiều danh hiệu thi đua cấp tỉnh… Đặc biệt, vào tháng 6 vừa qua, bà là một trong 6 cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2025.
Hành trình vươn lên của Tiến sĩ Ngô Sô Phe trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ đồng bào dân tộc Khmer, khẳng định sức mạnh của giáo dục và ý chí vượt qua mọi rào cản số phận.
Danh Chiếu Linh: Chàng nông dân Khmer trở thành á vương Mister Global
Chàng nông dân người Khmer Danh Chiếu Linh khiến nhiều người bất ngờ khi đạt danh hiệu á vương 1 Mister Global.