Phụ nữ Đồng Nai chung tay giảm thải rác thải nhựa, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong top 20 quốc gia dẫn đầu về tổng lượng rác thải nhựa ra biển

 Rác thải nhựa - “kẻ thù” với môi trường, gây tổn hại sức khỏe con người

“Rác thải nhựa” là cụm từ không còn xa lạ với đông đảo người dân bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc; đó là thìa nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, bát nhựa, túi nilon… phục vụ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là ở các cửa hàng bán đồ ăn uống hay tại các sự kiện, buổi dã ngoại… Trong đó nhựa, túi nilon dùng một lần đã và đang là mối lo ngại, nỗi ám ảnh toàn cầu bởi sự to lớn về số lượng thải ra, sử dụng và hậu quả của nó. Xuất phát từ những tiện ích như: Rẻ, nhẹ, tính dẻo dai đàn hồi, dễ sử dụng, di chuyển và không thấm nước…Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu về tổng lượng rác thải nhựa ra biển. Mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 3,27 triệu tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm dao động từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Chỉ có 11-12% rác thải nhựa được tái chế, số còn lại chủ yếu chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường. Trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần (chỉ cần 5 giây để sản xuất 1 chiếc túi nilon, thời gian sử dụng khoảng 5 phút rồi vứt bỏ, nhưng phải cần đến 500 năm để những bịch nilon này phân hủy hoàn toàn. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần. Sau quá trình sử dụng, hàng năm thế giới thải bỏ khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong khi chỉ có 10% lượng rác thải nhựa được tái chế (tương đương với 30 triệu tấn), còn lại 270 triệu tấn đang được xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp hoặc nằm rải rác khắp nơi trên đất liền và ở các đại dương. Rác thải nhựa được phân hủy thành các hạt vi nhựa và đi vào nguồn nước, thực phẩm, không khí (Ước tính, mỗi người trên hành tinh phải tiếp nhận hơn 50 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm) (Phạm Hương Giang (2023), Giảm rác thải nhựa ở Viêt Nam: Nghiên cứu đặc điểm sản phẩm thay thế túi nilon dùng một lần, Tạp chí kinh tế quản lý, 63 (11-2023), tr 45-52).

Rác thải nhựa gây ô nhiễm các vùng biển
Rác thải nhựa gây ô nhiễm các vùng biển

Đồng Nai là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, giữ vị trí quan trọng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội. Có diện tích tự nhiên 5.903,94 km2, dân số trên 3.2 triệu người; hiện có 33 Khu công nghiệp, với tổng diện tích 10.514,69 ha, (31 KCN đã đi vào hoạt động). Với tiềm năng phát triển kinh tế, dân số đông cũng tạo nên áp lực đối với môi trường, trong đó có rác thải nhựa.Tại Đồng Nai là: mỗi ngày thải ra 3,6 ngàn tấn rác thải các loại (rác thải rắn công nghiệp, chất thải độc hại, rác thải sinh hoạt…), trong đó rác thải nhựa chiếm 6-8%. Trên địa bàn tỉnh có 09 khu xử lý rác thải (KXLRT) được quy hoạch, có 07/9 KXL đang hoạt động thu hút được 17 dự án đầu tư, trong đó 09 dự án đã tiếp nhận và xử lý chất thải, tiêu biểu như (1) KXL Quang Trung, huyện Thống Nhất công suất 1.200 tấn/ngày, (2) KXL Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu với công suất 450 tấn/ngày, (3) KXL Túc Trưng, huyện Định Quán công suất 110 tấn/ngày, (4) KXL Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, công suất 120 tấn/ngày. Tính riêng chất thải sinh hoạt, có 1.895 tấn/ngày kết quả xử lý là: Khu xử lý 1.742 tấn (Làm phân compost 1.446 tấn (83%), đốt 52 tấn (3%), chôn lấp 244 tấn (14%); còn lại 153 tấn/ngày (12%) là tự xử lý theo hướng dẫn, bán phế liệu, làm phân bón/thức ăn gia súc (Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Tài liệu bồi dưỡng chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã tỉnh Đồng Nai, năm 2024).

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong thời gian qua các cấp bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền giảm rác thải nhựa, tiêu biểu là mô hình “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn”, tính riêng năm 2024 đã tổ chức được 291 cuộc và 20.874 người dự, vận động 7.653 hộ gia đình đăng ký thực hiện Mô hình; các cấp Hội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện mô hình cho chi, tổ, hội là 74 cuộc với 3.561 người dự; thu gom, tái sử sử dụng và bán chất chất thải rắn là 21.466 kg và số tiền bán được là 131.584.000 đồng, sử dụng cho các hoạt động công tác xã hội của phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai 2024) (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai (2024), Báo cáo số 296-BC/BTV ngày 19/6/2024 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về BC sơ kết Kết quả thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh).

Phụ nữ ở Đồng Nai chung tay bảo vệ môi trường
Phụ nữ ở Đồng Nai chung tay bảo vệ môi trường

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là: Hiện nay việc xử lý rác thải nhựa nói chung còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, các khu xử lý rác thải còn ít về số lượng, hạn chế về công suất, vẫn còn tình trạng chôn lấp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa; việc triển khai và áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn (để giảm thiểu phát thải khí metan và thu hồi các-bon, việc xử chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, chất thải hữu cơ cần được tiến hành theo quy trình công nghệ tiên tiến. Song các khu xử lý chất thải cũ hầu hết đều đã được đầu tư và đi vào hoạt động, chưa có công nghệ, công đoạn thu hồi các bon nên việc cải tiến, thay đổi công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn và chi phí cao); lượng chất thải hữu cơ nhiều và rải rác, khó kiểm soát; thói quen tiêu dùng của người dân chưa phù hợp với yêu cầu xử lý chất thải; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp, chưa có nhận thức nhiều về vấn đề phát thải khí nhà kính. (Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Tài liệu bồi dưỡng chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp xã tỉnh Đồng Nai, năm 2024).Để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5°C như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net - Zero vào năm 2050. Việt Nam là một những quốc gia chịu tổn thất và ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khi hậu, là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, nên Việt Nam đã chủ động, đi tiên phong trong việc cam kết thực hiện các mục tiêu Net Zero. Tại COP 28 (tháng 12/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai đã triển khai cam kết của Chính phủ và hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững, tỉnh Đồng Nai tiên phong xây dựng và thực hiện Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 - “Net Zero” vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này cần có sự chung tay và quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Phụ nữ Đồng Nai.

Đề xuất giải pháp phát huy vai trò của Phụ nữ trong giảm thải rác thải nhựa, góp phần thực hiện hiện mục tiêu Net Zezo.

Tính đến quý 3 năm 2024, số hội viên Phụ nữ của tỉnh Đồng Nai là: 414.989/644.975 người (đạt tỷ lệ 64,34%) trong đó hội viên xã phường, thị trấn 252.675 người, hội viên sinh hoạt thường xuyên đạt tỷ lệ 82% (339.895/414.9890). (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai (2024), Báo cáo số 296-BC/BTV ngày 19/6/2024 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về BC sơ kết Kết quả thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh). Đây là lực lượng tham gia trực triếp vào công tác mua bán - sử dụng - sản xuất - tiêu thụ - thu gom - tái chế và cả xử lý rác thải nhựa, họ còn đóng vai trò là tác nhân thay đổi, nâng cao nhận thức cho các thành viên khác trong gia đình về tiêu thụ và quản lý rác thải. Xuất phát từ vị trí, vai trò đó cũng như góp phần đạt mục tiêu Net - Zezo và tiêu chí cụ thể là giảm thải rác thải nhựa, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của Phụ nữ tỉnh Đồng Nai, như sau:

Trước tiên, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về tác hại của rác thải nhựa, vai trò quan trọng của việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng trên cả hai mặt: nội dung và cách làm. Nội dung phải cập nhật mới, sát với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền và phong phú về nội dung như: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của các cấp Hội, báo chí, mạng xã hội; tài liệu hỏi đáp, tờ rơi, tờ gấp; thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn; nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc thi, sân khấu hóa, các kênh truyền thông hiện đại, nhất là các cuộc thi có quy mô lớn và hiệu quả sâu sắc từ nhận thức đến hành động bảo vệ môi trường của hội viên và phụ nữ, như: Hội thi Phụ nữ bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa “Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế”, Cuộc thi thiết kế video clip truyền thông về bảo vệ môi trường chủ đề “Phụ nữ Đồng Nai sống xanh”, Tìm hiểu kiến thức xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

Nội dung gắn với tuyên truyền về pháp luật, chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trọng tâm là: Luật Bảo vệ môi trường năm, Điều 25, Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định một số hành vi về phân loại chất thải sinh hoạt; Chỉ thị số 54-CT/TU  năm 2020 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Kế hoạch số 5973/KH-UBND năm 2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025; Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai...

Tiến hành các chiến dịch truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ từ góc độ gia đình, như: sử dụng tiết kiệm nguồn thực phẩm, an toàn thực phẩm, thực hành tái chế rác thải nhựa và phân loại chất thải rắn sinh hoạt; tham gia cùng dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường nông thôn, khu dân cư; ký cam kết và thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn đối với những hộ kinh doanh gia đình...

Thứ hai, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tái chế rác thải nhựa.Tái chế rác thải nhựa là việc thu hồi nguyên liệu, sản phẩm nhựa đã qua sử dụng để tạo thành những vật dụng hữu ích, tạo ra vật liệu mới, ứng dụng trong sinh hoạt và sản xuất; giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu chất thải rắn, chất ô nhiễm, giúp môi trường sống của trở nên sạch - đẹp hơn và giảm thiểu việc phát thải khí thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuyên truyền để phụ nữ hiểu và tham gia trực tiếp vào công việc tái chế rác thải nhựa, thành việc làm thường xuyên, thói quen trong nhận thức và hành động.

Thứ ba, tổ chức các hoạt động đặc thù của Phụ nữ, xây dựng nhân rộng mô hình

Tích cực tổ chức các hoạt động gắn liền với vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình, xã hội như: Ra quân dọn dẹp, thu gom chất thải sinh hoạt và chất thải nguy hại, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương; trồng cây xanh; phối hợp trong thực hiện và quản lý, duy trì các tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”… Phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa như: Các cấp Hội hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường; thành lập các mô hình thiết thực như: hạn chế sử dụng túi nilon, xách làn đi chợ, biến rác thải nhựa thành tiền, thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình...

Một số mô hình tiêu tiểu, hiệu quả và có tính áp dụng, nhân rộng phải kể đến như:

Mô hình: 5 không, 3 sạch. Tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) được nhiều địa phương lựa chọn ưu tiên thực hiện gắn với tiêu chí nông thôn mới về môi trường, an toàn thực phẩm và giao thông. Mô hình Dân vận khéo “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn” và chống rác thải nhựa: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tạo men vi sinh IMO từ phế phẩm làm phân bón, thuốc trừ sâu tốt cho môi trường; “Tiết kiệm bán rác thải tái chế hỗ trợ phụ nữ bảo vệ môi trường”; “Phân loại rác thải tại nguồn vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng”; “Ngôi nhà xanh thu gom rác thải nhựa”; “Tủ phế liệu”, “Đổi chất thải nhựa lấy quà tặng”, “Điểm thu gom chất thải thực phẩm dùng làm phân bón bằng phương pháp vi sinh IMO” (Cẩm Mỹ), “Tổ hợp tác trồng bưởi IMO” (Vĩnh Cửu). Mô hình Khu dân cư hạn chế rác thải nhựa, Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa, Tái chế chai nhựa thành bóng điện năng lượng mặt trời, Sân chơi “Hành trình thứ hai của lốp xe”, “Vườn cây sinh kế”. Mô hình “Ngôi nhà phân loại chất thải tái chế tại nguồn” với tên gọi “Ngôi nhà 3T” (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế); tủ quần áo (áo dài), dày dép, cặp xách, đồ chơi trẻ em… 0 đồng (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai 2024).

Thứ tư, khuyến nghị về cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm thay thế nhựa và cơ chế cần thiết cho tỉnh Đồng Nai.

Cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng sản phẩm sinh học thay thế nhựa trong sinh hoạt, tiêu dùng, kinh doanh, buôn bán… bằng nguyên liệu bắp, mía, tre, trúc, lau, gỗ, khoai tây... lá chuối, bèo, sen, dong...

Thúc đẩy các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Nghiên cứu các cơ hội tiềm năng chuyển đổi theo mô hình xanh/sinh thái tại các khu công nghiệp có nhóm ngành nghề sạch, ít chất thải và đánh giá tiềm năng lưu trữ, sử dụng nguồn nước mưa tại các khu công nghiệp để tái sử dụng. Nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra như nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh; xây dựng khu công nghiệp sinh thái.

Thống nhất, đồng bộ từ nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng và quản lý, thu gom, xử lý rác thải nhựa để tạo quy trình kép kín, xử lý rác thải tại nguồn đến nhà máy, xí nghiệp hiệu quả.

Quan tâm, đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trang bị phương tiện, công nghệ cho đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm đảm bảo sự chính xác trong hoạt động thống kê, kiểm kê phát thải khí nhà kính vàgiám sát giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tăng cường triển khai quyết liệt các giải pháp, cụ thể hóa Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý; Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật; triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý rác thải sinh hoạt đồng bộ; Áp dụng chuyển đổi, bổ sung công nghệ trong hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt, tiến tới không chôn lấp chất thải; nghiên cứu theo hướng sẽ tập trung xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại 04 Khu xử lý: Quang Trung, Vĩnh Tân, Túc Trưng và Bàu Cạn và đến năm 2050 thực hiện mục tiêu sử dụng 100% túi nilon thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% chất thải nhựa phát sinh; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilong khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

KẾT LUẬN

Phụ nữ Đồng Nai - là lực lượng tiên phong, sáng tạo, năng động, giỏi việc nước, đảm việc nhà, đồng thời rất nhiều phụ nữ đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị; là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện net zero là cam kết, nguyện vọng và mục tiêu của Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện lộ trình này, chúng ta cần phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự chung tay, góp sức của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân, trong đó có vai trò quan trọng đó Phụ nữ. Với sự quyết tâm cao, định hướng phát triển bền vững cho nền kinh tế xã hội tỉnh nhà, tỉnh Đồng Nai đã và đang có sự cam kết mạnh mẽ, mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể để góp phần cùng cả nước và thế giới tiến tới phát thải ròng các bon bằng “0” vào năm 2050.

Trịnh Thị Tình

Các nhà khoa học nữ thảo luận về hạn chế rác thải nhựa

Các nhà khoa học nữ thảo luận về hạn chế rác thải nhựa

Vừa qua, các nhà khoa học nữ đã chia sẻ, đề xuất các sáng kiến hạn chế rác thải nhựa. Hội thảo do Hội Nữ trí thức Việt Nam thực hiện.