Quảng Ninh dừng vận tải khách liên tỉnh từ 6h ngày 8/2, kêu gọi lao động ở lại ăn Tết

Tối 7/2, UBND tỉnh Quảng Ninh ra công văn hỏa tốc số 788/UBND-GT1 về việc điều chỉnh phương án tổ chức hoạt động vận tải phục vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, từ 6h ngày 8/2, Quảng Ninh sẽ dừng hoạt động kinh doanh vận tải khách công cộng liên tỉnh (cả đường bộ, đường thủy nội địa) ra, vào tỉnh (trừ các trường hợp đặc biệt).

Như vậy, chỉ sau chưa 36 giờ đồng hồ cho phép “mở cửa” lại các hoạt động vận tải hành khách khách ra, vào tỉnh, Quảng Ninh đã lại tiếp tục “đóng cửa” trở lại.

Một điểm đáng chú ý nữa trong văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, các trường hợp (cán bộ công chức, viên chức, công nhân, người lao động) muốn rời khỏi Quảng Ninh phải được phép của thủ trưởng đơn vị, thực hiện kê khai y tế và có phiếu xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 của cơ sở y tế có thẩm quyền công bố trước khi ra khỏi địa bàn tỉnh Quảng Ninh và khi quay trở lại Quảng Ninh phải được các cơ sở y tế của Quảng Ninh kiểm tra, xác nhận cụ thể thì mới được gia nhập cộng đồng và đi làm tại đơn vị trong tỉnh Quảng Ninh.

img-bgt-2021-z2302233177495-5d6b704cb8b2dcc3b1b56ff976e1de03-1612708164-width1280height720.jpg
Trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid - 19 được huyện Vân Đồn thiết lập tại trạm thu phí cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Báo Giao thông

Theo TTXVN, UBND tỉnh viện dẫn lý do điều chỉnh “tạm dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh” là khó kiểm soát trong phòng, chống dịch COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao trên các phương tiện vận tải khách sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận phương án tổ chức giao thông vận tải trên địa bàn ngày 5/2 nhằm đảm bảo chống dịch COVID-19 và phục vụ đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đặc biệt, việc điều chỉnh lần này diễn ra ngay sau Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 Nguyễn Thanh Long vừa có nhận định đến nay tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 tại cuộc họp vào sáng cùng ngày với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khiến dư luận càng quan tâm.

Hơn nữa, ngày 5/2, trước sự việc báo chí phản ánh việc “ngăn sông cấm chợ” và cách ly y tế không phù hợp tại một số địa phương, tại công văn 931/VPCP-KGVX Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố Trung ương: quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn, đảm bảo khoanh vung, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất.

img-bgt-2021-z2320439809585-478638ef8b58ecc762685e05292c765d-1612708448-width1280height720(1).jpg
Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Văn bản của Văn phỏng chính phủ nhấn mạnh, hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán; Có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng phong tỏa.

Mặc dù, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương vận động công nhân lao động ở lại Quảng Ninh ăn Tết nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Song, thực tế nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán là có.

Tuy nhiên, với điều chỉnh lần này, bất kỳ người dân nào muốn ra khỏi Quảng Ninh phải có phiếu xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 của cơ sở y tế có thẩm quyền. 

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) Ninh Văn Chủ cho hay, trung tâm hiện nay không triển khai xét nghiệm dịch vụ, chỉ tập trung xét nghiệm phòng chống dịch của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế cho hay biết, hiện Quảng Ninh chỉ có Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (thành phố Uông Bí) làm xét nghiệm dịch vụ. Với mức giá nhà nước quy định là 736.000 đồng/lần xét nghiệm.

Rõ ràng, với quy định trên của Quảng Ninh thì gần như người dân Quảng Ninh cũng như những người ngoài tỉnh đang lao động tại Quảng Ninh không thể rời Quảng Ninh về quê ăn Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này, bởi Tết đã kề cận.

Mặc dù các hoạt động vận tải nội tỉnh vẫn được hoạt động nhưng các lái xe, phụ xe và các nhân viên làm việc tại bến xe, cảng bến… phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. 

Theo đánh giá của phía CDC Quảng Ninh, quy định việc xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 đối với các lái xe chỉ có giá trị tham khảo, bởi hôm nay mẫu xét nghiệm âm tính, nhưng mai có thể lại dương tính ngay được.

Trong khi đó, mới đây nhất, thành phố Hải Phòng đã nới lỏng những quy định ra, vào thành phố hơn so với trước, người ra, vào thành phố không phải xuất trình xin giấy xác nhận của UBND xã, phường nơi đi.

Chỉ phải thực hiện khai báo y tế tại các chốt kiểm soát ra, vào thành phố (trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào thành phố); khai báo y tế tại các Tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ở thôn, tổ dân phố; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nôi dung khai báo và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Một lần nữa, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán được áp dụng ở mỗi địa phương một cách khác nhau, khiến gây không ít khó khăn cho người dân