Quy định mới nhất về thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế

Theo Quyết định 62/QĐ-BYT, thẻ BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi theo quy định của luật BHYT. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 62/QĐ-BYT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực bảo hiểm y tế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Cụ thể, Quyết định 62/QĐ-BYT sửa đổi 3 thủ tục hành chính cấp Trung ương gồm: Cấp thẻ bảo hiểm y tế lần đầu; Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế; Đổi thẻ bảo hiểm y tế.

Quy định mới nhất về thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế áp dụng từ 12/1/2023 - Ảnh 1.

Theo Quyết định 62/QĐ-BYT, thẻ BHYT được cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi theo quy định của luật BHYT. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.

Thành phần hồ sơ cấp thẻ BHYT

Thành phần hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế gồm các giấy tờ sau đây:

Đối với tổ chức, cá nhân

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (của tổ chức, cá nhân đối với người tham gia BHYT) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành (Mẫu TK1-TS);

- Danh sách đối tượng tham gia BHYT của tổ chức, cá nhân lập theo Mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình;

- Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT lập theo Mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP.

Trình tự thực hiện thủ tục cấp thẻ BHYT

Bước 1: người tham gia BHYT lần đầu ghi tờ khai tham gia; hoặc điều chỉnh thông tin và danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT (đối với người tham gia theo hộ gia đình).

Người sử dụng lao động lập danh sách tham gia BHYT cho người lao động quy định tại Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 15 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 1 Điều 1; khoản 13 Điều 3 và Điều 6 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH căn cứ giấy ra viện do cơ sở khám chữa bệnh nơi người hiến bộ phận cơ thể cấp cho đối tượng này để cấp thẻ BHYT.

UBND xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng quy định tại Điều 2 (các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 16, 17); Điều 3 (các khoản 1, 2, 4); Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, là các nhóm do cơ quan BHXH và do ngân sách nhà nước đóng phí BHYT...

Bước 2: Người tham gia nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội và chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.

Bước 3: Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế; ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Cơ quan BHXH tỉnh, huyện giải quyết thủ tục hành chính cấp thẻ BHYT. Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức bảo hiểm y tế phải chuyển thẻ bảo hiểm y tế cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Hình thức gửi hồ sơ đăng ký tham gia BHYT

Người đăng ký tham gia bảo hiểm y tế gửi 1 bộ hồ sơ bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện.

(Tổng hợp)

AN LY