Ra mắt Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam: Định hình sức mạnh mềm quốc gia trong kỷ nguyên mới

Chiều ngày 11/7/2025, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đã chính thức tổ chức Đại hội lần thứ nhất, đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước trong thời đại số và hội nhập quốc tế.

Hiệp hội được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 của Bộ Nội vụ, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc, tập hợp các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp và đầu tư.

Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất.
Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất.

Cầu nối chiến lược trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa

Với tôn chỉ kết nối nguồn lực - xúc tiến chính sách – phát triển thị trường – thúc đẩy sáng tạo, Hiệp hội hướng đến mục tiêu trở thành đầu mối quốc gia trong phát triển công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp, sáng tạo, hội nhập và bền vững.

Tại Đại hội, Hiệp hội đã thông qua Điều lệ hoạt động và bầu ra Ban chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2025–2030. Đại hội vinh dự đón tiếp lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ cùng đại diện các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nghệ sĩ và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, truyền thông, công nghệ.

Phát biểu tại Đại hội, ông Vương Duy Biên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh:  “Cốt lõi của công nghiệp văn hóa là sáng tạo. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, nếu không có sáng tạo – không có những bộ óc đột phá, không có những tác phẩm chất lượng – thì chúng ta không thể xây dựng được một nền công nghiệp văn hóa đích thực.”

Ông Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại đại hội.
Ông Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại đại hội.

Góc nhìn từ người trong cuộc: Đưa sân khấu Việt ra thế giới

Phát biểu tại Đại hội, Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc – đơn vị sân khấu xã hội hóa duy nhất tại miền Bắc cũng đã chia sẻ góc nhìn thực tiễn từ một người làm nghề. Bà nhấn mạnh:“Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Sân khấu Lệ Ngọc đã đưa nghệ sĩ biểu diễn Việt ra thế giới và ngược lại, đón các đoàn nghệ thuật quốc tế đến Việt Nam. Nhưng rào cản lớn nhất vẫn là các thủ tục pháp lý, hành chính rườm rà khiến cơ hội giao lưu nhiều khi bị lỡ.”

Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc tại Đại hội.
Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc tại Đại hội.

NSND Lệ Ngọc kỳ vọng sự ra đời của Hiệp hội sẽ giúp tháo gỡ những rào cản này, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập cho văn hóa – nghệ thuật Việt. Bà mong muốn Hiệp hội sẽ phát triển thành tổ chức liên ngành – liên lĩnh vực, có vai trò kết nối nghệ thuật, công nghệ và kinh doanh – đúng như tinh thần mà nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hiệu quả.

Hướng đến một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp

Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam cam kết tập trung triển khai các nhiệm vụ chiến lược, gồm: Kết nối các thành phần trong hệ sinh thái công nghiệp văn hóa; Đề xuất chính sách và cơ chế hỗ trợ phù hợp; Xúc tiến thương mại và phát triển thị trường văn hóa; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; Góp phần định vị hình ảnh văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Trao quyết định thành lập Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam.
Trao quyết định thành lập Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam.

Với các giá trị cốt lõi: Sáng tạo – Bản sắc – Kết nối – Khởi tạo thị trường – Phát triển bền vững, Hiệp hội được kỳ vọng sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong chuyển hóa văn hóa thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam ra đời không chỉ là tín hiệu đáng mừng đối với cộng đồng làm văn hóa nghệ thuật, mà còn là bước đi chiến lược trong việc khẳng định văn hóa như một sức mạnh mềm của quốc gia – nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế tri thức.

Hồng Thu

Giao lưu nghệ thuật Việt - Trung tại TP.HCM: Sắc màu văn hóa thắt chặt tình hữu nghị

Giao lưu nghệ thuật Việt - Trung tại TP.HCM: Sắc màu văn hóa thắt chặt tình hữu nghị

Vừa qua tại nhà hát Trần Hữu Trang, chương trình giao lưu nghệ thuật Việt – Trung vừa diễn ra, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, lan tỏa giá trị văn hóa giữa hai quốc gia láng giềng