Ví điện tử đang bị lợi dụng để đánh bạc, lừa đảo
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, đã có hàng loạt đường dây đánh bạc ngàn tỷ bị triệt phá. Mới đây, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp Công an huyện Gia Lâm (Công an TP. Hà Nội) triệt phá đường dây đánh bạc “siêu khủng” 14.000 tỷ đồng do Phạm Công Anh (42 tuổi), Hoàng Mạnh Lâm (34 tuổi), Đinh Văn Hoàng (36 tuổi) cầm đầu. Theo đó, người chơi muốn tham gia đánh bạc (pocker, quay hũ slot, tài xỉu, xóc đĩa, bắn cá…) phải đăng ký tài khoản trên website đánh bạc bxx, nạp tiền bằng thẻ cào điện thoại, tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc liên hệ với đại lý để mua tiền ảo.
Trước đó, ngày 4/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng triệt đường dây đánh bạc trên trang B29.win. Đường dây này được xác định là "chi nhánh" của một đường dây đánh bạc quy mô quốc tế, có số tiền giao dịch lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Lừa đảo công nghệ cao đang ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, trong đó có việc lợi dụng ví điện tử |
Chỉ một ngày trước đó (3/11), Bộ Công an cũng triệt phá đường dây đánh bạc quy mô lên tới 30.000 tỷ đồng do Đỗ Ngọc Hà cầm đầu.
Điểm chung để tham gia các đường dây đánh bạc trên là người chơi phải nạp tiền mua tiền ảo bằng các phương thức như nạp thẻ viễn thông, thanh toán ví điện tử (Viettel Pay, Momo). Số tiền thu được từ các con bạc sẽ được các đối tượng trên chuyển thành tiền mặt thông qua thẻ sim điện thoại, ví điện tử…
Trước đó, trong đơn thư gửi tới Báo Đầu tư tố cáo một số sàn forex, tiền ảo lừa đảo, nhiều nhà đầu tư cũng khẳng định, các ví điện tử đã tiếp tay cho nạn lừa đảo này, vì hầu hết các sàn đều yêu cầu nhà đầu tư nạp tiền thông qua các ví điện tử.
Hiện cả nước có trên 100 fintech hoạt động, trong đó có 43 trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép. Ví điện tử đang ngày càng trở thành hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Trong 6 tháng đầu năm nay, dịch vụ ví điện tử tăng 85,38% về số lượng, tăng 91,57% về giá trị.
NHNN tỏ ra lo ngại khi liên tiếp phát hiện các vụ đánh bạc liên quan đến ví điện tử. Theo đánh giá của NHNN, mặc dù mang lại rất nhiều tiện ích, song ví điện tử cũng đang có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…). Chính vì vậy, NHNN đang nghiên cứu sửa Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 theo hướng bổ sung 4 nhóm đối tượng rủi ro cao vào diện bắt buộc báo cáo, trong đó có trung gian thanh toán.
Được biết, dù Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 chưa đưa các trung gian thanh toán vào đối tượng báo cáo, song do đánh giá rủi ro cao của ví điện tử, NHNN từ lâu đã yêu cầu các trung gian thanh toán phải thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền. Tuy vậy, việc chính thức đưa vào đối tượng phải báo cáo theo luật sẽ giúp các trung gian thanh toán nâng cao hơn trách nhiệm giám sát của mình.
Chiếc áo quá rộng hay ví điện tử làm ngơ rủi ro?
Theo đại diện Smartnet (sở hữu ví điện tử Smartpay), giao dịch qua ví điện tử chủ yếu là các giao dịch có giá trị nhỏ, nên việc bắt buộc các ví điện tử phải thực hiện các yêu cầu của Luật Phòng chống rửa tiền như ngân hàng thương mại là bắt các ví điện tử “mặc chiếc áo quá rộng”. Do đó, đại diện ví điện tử này đề xuất nên có chính sách riêng về phòng chống rửa tiền phù hợp với ví điện tử.
"Các quy định về phòng chống rửa tiền của Việt Nam hầu hết là tuân thủ khuyến nghị của quốc tế. Hiện nay, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) giám sát và thường xuyên đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Nếu không muốn rơi vào “danh sách đen” về rửa tiền, tài trợ khủng bố, Việt Nam phải nghiêm túc tuân thủ các khuyến nghị của quốc tế", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ).
Tuy vậy, theo đại diện NHNN, ví điện tử đang có dấu hiệu bị lợi dụng trong nhiều hoạt động bất hợp pháp. Minh chứng là liên tiếp các đường dây đánh bạc bị triệt phá gần đây đều sử dụng ví điện tử. Chính vì vậy, thay vì đề xuất chính sách quản lý thông thoáng hơn, các ví điện tử cần nghiêm túc nhìn lại chính mình xem việc tuân thủ pháp luật đã tốt hay chưa, đã nhận rõ hết các rủi ro hay chưa.
Trong khi đó, ví điện tử từ lâu đã được Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) nhận định có tính rủi ro rất cao, đồng thời khuyến nghị các quốc gia cần đưa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) vào danh sách đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Thực tế, hiện nay, các quy định về ví điện tử của NHNN đã tương đối thông thoáng, nên ví điện tử mới có tốc độ phát triển như vũ bão thời gian qua. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện cả nước có gần 90 triệu tài khoản ví.
Như vậy, quy mô tài khoản ví đã lớn gấp đôi quy mô khách hàng của một ngân hàng cỡ lớn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của ví điện tử những năm qua thường lên tới 3 con số, cao hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng của thẻ ngân hàng, giao dịch Internet banking. Đáng nói là, trên 90% ví điện tử đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Vấn đề đặt ra là, nếu không siết chặt quản lý ví điện tử, nguy cơ sẽ phải đối mặt rất nhiều hệ lụy, không chỉ là lợi dụng để đánh bạc, lừa đảo.
Ngày Độc thân tại Trung Quốc, Alibaba bị ảnh hưởng bởi nguồn cung toàn cầu
Tình trạng mất điện, thiếu chip và hoạt động sản xuất trở nên khó khăn khiến các thương gia luôn căng thẳng và khách hàng phải chờ đợi trong 'Ngày lễ độc thân'