Sau bão của trời, bão đời mới thực sự khủng khiếp

Khi muốn thực hiện thiện nguyện, chúng ta nên liên hệ với các cấp chính quyền địa phương. Bởi, họ là người hiểu rõ đồng bào đang cần hỗ trợ những gì.

Mỗi khi giông bão nổi lên, tinh thần dân tộc, tình đoàn kết, đùm bọc nhau lại trỗi dậy như một làn sóng mạnh mẽ. “Cơn bão từ thiện” vô cùng tuyệt vời, giúp ta thêm yêu cuộc sống, thấy được những giá trị nhân bản tốt đẹp của người Việt Nam. Tinh thần và giá trị ấy là bất diệt và luôn đáng được biểu dương mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi lại muốn đề cập đến một góc nhìn khác, đúng hơn là một góc khuất khác của công tác từ thiện.

Từ thiện theo phong trào gây lãng phí

Đến UBND xã những ngày sau bão, không khó để thấy những đống quần áo, chất đầy trong hội trường hoặc hành lang của trụ sở. Đoàn thiện nguyện mang lên, vứt đi thì không tiện mà để đó thì quả thực không biết làm gì. Váy, áo đủ loại nhưng không hợp với bà con vùng sơn cước nên đành chất đống chờ… xử lý. Nhưng xử lý thế nào để không làm mất lòng người cho quả thực cũng chẳng đơn giản chút nào.

Làm từ thiện theo phong trào, không có sự tính toán có thể gây lãng phí lớn.
Làm từ thiện theo phong trào, không có sự tính toán có thể gây lãng phí lớn.

Không chỉ có quần áo, khoảng chục ngày sau bão, các đoàn xe tải hỗ trợ vẫn ùn ùn kéo lên Tây Bắc. Khi nước rút, mọi sinh hoạt trở lại bình thường thì những nhu yếu phẩm như bánh trưng, cơm nắm hay mì tôm không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, người ta mang lên cho chẳng lẽ lại không nhận. Thế là, mì tôm, gạo… chất đống ở nhà. Ông Loan (Y Can, Trấn Yên) tâm sự: Gạo được hỗ trợ thì ăn cả năm nữa cũng không hết nhưng tiền làm nhà thì ông cũng không có. Hoa màu vừa rồi bị mất trắng nên giờ cũng chẳng biết trông cậy vào đâu…

Đặc biệt, có những đoàn xe vượt hàng ngàn cây số chở nước đóng chai, mì tôm… từ trong miền Nam ra Bắc hỗ trợ bà con. Tinh thần và tấm lòng quá tuyệt vời ấy khiến chúng ta thực sự xúc động. Tuy nhiên, nếu dùng lý trí để nhìn nhận, chúng ta sẽ thấy việc này hao phí rất nhiều nguồn lực và đẩy giá thành của những quà tặng ấy lên gấp hàng chục lần. Chi phí xăng dầu, nhân lực theo xe, chi phí ăn ở… làm cho một chai nước được tặng có giá trị lên tới vài chục thậm chí hàng trăm ngàn. Không những thế, các nhà hảo tâm phải bỏ dở công việc của mình để theo đoàn hàng chục ngày cũng gây thất thoát không nhỏ cho nền kinh tế nói chung.

Từ thiện thông minh

Hơn một tháng kể từ ngày cơn bão lịch sử Yagi đi qua, những mất mát vẫn hiện hữu trên mảnh đất Tây Bắc kiên cường. Phải đến tận nơi, chúng ta mới thấy được những mất mát mà bà con đã phải trải qua trong thời gian vừa qua. Một người phụ nữ ở xã Trúc Lâu (Lục Yên, Yên Bái) nghẹn ngào chia sẻ: Cả nhà tích góp, vay mượn làm được căn nhà hơn năm trăm triệu thì vẫn nợ gần ba trăm triệu. Ở chưa được một năm thì bão số 3 ập tới, núi lở dẫn đến nhà thuộc diện di dời khẩn cấp. Thế là cả nhà dắt díu nhau đi ở nhờ cùng với khoản nợ 300 triệu làm nhà chưa biết lấy gì mà trả. Chồng ốm đau, bản thân bà bị u gan nhưng cũng không có điều kiện đi điều trị…

Trên những khuôn mặt khắc khổ, vẫn in hằn những âu lo về ngôi nhà nằm trong vùng sạt lở phải di dời khẩn cấp. Hơn ai hết, họ hiểu được nỗi bấp bênh của cảnh có nhà mà chỉ dám đứng nhìn từ xa trong tiếc nuối. Sau cơn bão của trời, cơn bão của đời mới thực sự ập tới. Đó mới thực sự là thời điểm bà con rất cần sự chung tay, giúp đỡ của tất cả chúng ta.

Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ trên tinh thần trên hết trước hết, tất cả vì nhân dân (Ảnh: báo Chính phủ)
Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ đồng bào vùng lũ trên tinh thần trên hết trước hết, tất cả vì nhân dân (Ảnh: báo Chính phủ)

Điều làm chúng tôi xúc động chính là sự xả thân của cán bộ địa phương với bà con. Ông Hoàng Minh Thảo - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Lục Yên đưa chúng tôi đến từng nhà để trao tận tay bà con bị thiệt hại về nhà và người trên địa bàn huyện. Một cán bộ đoàn ở xã Tân Hương (huyện Yên Bình, Yên Bái) chia sẻ: Từ ngày bão đến giờ, chúng em không biết ngày chủ nhật là gì. Ngày nào cũng túc trực từ sáng đến tối để hỗ trợ các đoàn thiện nguyện từ khắp mọi miền Tổ quốc đến tặng quà cho bà con. Đó thực sự là những hy sinh đáng trân trọng.

Rõ ràng, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương đang phát huy rất tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong hoàn cảnh thiên tai lũ lụt. Chính vì vậy, khi muốn thực hiện các hoạt động thiện nguyện, chúng ta nên liên hệ với các cấp chính quyền địa phương. Bởi, họ là người hiểu rõ đồng bào đang cần hỗ trợ những gì. Sự điều tiết công tâm và nhanh chóng của chính quyền địa phương sẽ giúp các hoạt động từ thiện thiết thực và hiệu quả nhất.

Mong muốn giúp người là vô cùng đáng quý, vô cùng tuyệt vời nhưng cũng cần sự bình tĩnh và lý trí. Đừng mang những thứ mình cho là cần thiết với bà con. Hãy tìm hiểu để biết những thứ bà con thực sự cần. Chỉ khi đó, hoạt động thiện nguyện mới thực sự đem đến những giá trị cho những người cần giúp đỡ.

Quốc Khánh

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

Nhật ký hành trình “gieo hơi ấm” trong tâm lũ dữ

AloBacsi nguyện làm người truyền lửa, gieo duyên cùng các mạnh thường quân, các đơn vị tài trợ viết nên hành trình trao gửi những viên thuốc yêu thương.