Tác giả Nguyễn Vân Anh: ‘Chỉ có người yếu đuối mới thích thể hiện mình mạnh mẽ’

"Tôi cảm thấy một cuộc đời bị đóng đinh vào những khuôn khổ an toàn thật là tẻ ngắt." - Tác giả Nguyễn Vân Anh chia sẻ.

"Sự cô độc mà tôi đã mang từ tàn tích của ấu thơ nó khiến tôi chỉ muốn thoát ly khỏi gia đình mình. Sau này, trong quá trình hàn gắn trái tim, tôi học cách thứ tha và cảm thông cho má tôi nhiều hơn.’ - Nguyễn Vân Anh, tác giả của cuốn sách ‘Ngày mai bạn sẽ biết ơn nỗi buồn ngày hôm nay’ chia sẻ.

Tôi cảm thấy mình không đủ sức để chịu khổ thêm nữa

PV: Tốt nghiệp trường Luật, đã từng theo nghề luật, rồi viết văn, viết báo, vậy lý do gì để Vân Anh tìm về Đà Lạt để sống cuộc sống tiêu dao, tự tại, gần gũi với thiên nhiên như bây giờ?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Từ lúc còn nhỏ, tôi đã rất thích cuộc đời của những đạo sĩ. Họ có một vẻ đẹp của sự thanh cao và thoát tục. Không hiểu sao, những từ như "đạo đường", "am thất", "cư sĩ"...luôn gợi cho tôi một cái gì đó quen thuộc. Tôi thích ở một mình và suy tư về nhân tình thế thái.

Tuy nhiên, tính cách tôi có phần nổi loạn nên tôi thích cuộc đời mình phải “drama”. Tôi cảm thấy một cuộc đời bị đóng đinh vào những khuôn khổ an toàn thật là tẻ ngắt. Thế là, tôi lao đầu đi tìm kiếm những trải nghiệm sóng gió để thỏa mãn thú vui thích-thể-hiện-mình-mạnh-mẽ của bản ngã. Nó khiến tôi vừa đau thương vừa khoái trá như một kẻ mắc chứng khổ dâm (haha). Cho đến một ngày, tôi cảm thấy mình không đủ sức để chịu khổ thêm nữa. Lúc đó, tôi mới nhận ra điều mình thật sự muốn tìm kiếm hóa ra chỉ là sự bình yên cho tâm hồn. Tôi quay về với con người thật của mình, bớt những hành vi xốc nổi tự hoại khi đã nếm khá đủ mùi đời. Bởi kịp nhận ra chỉ có người yếu đuối mới thích thể hiện mình mạnh mẽ.

Còn người mạnh mẽ thật sự không cần thể hiện với thế giới mình mạnh mẽ thế nào. Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng giống như tôi, phải trải nghiệm nhiều mới biết mình thật sự muốn gì và phù hợp những gì để điều chỉnh lại bản thân. Nhưng trong thẳm sâu mỗi người chắc chắn là chỉ muốn được bình yên cho dù bề ngoài họ thế nào.

Tác giả Nguyễn Vân Anh
Tác giả Nguyễn Vân Anh

PV: Vì sao là Đà Lạt, mà không phải một nơi nào khác?

Tác giả Nguyễn Vân AnhVào năm 16 tuổi, lần đầu tiên đến Đà Lạt tôi đã quá yêu thành phố này. Tôi vẫn nhớ đó là một buổi tối, tôi ngồi trong quán cafe nhìn ra bên ngoài mưa bay bay. Ánh đèn đường hắt một màu vàng ám mị. Giọng cô ca sĩ nào đó hát tình ca vang lên ấm áp. Giây phút đó tôi chỉ muốn được ở lại thành phố đó nên nằng nặc đòi chuyển trường từ Quảng Ngãi lên Đà Lạt sống nhưng má tôi không cho (cười).

Sau này khi rảnh, tôi lại lang thang Đà Lạt một mình. Nhưng chính xác thì hiện tại tôi sống ở một ngọn núi cách Đà Lạt 35 km thuộc huyện Đơn Dương. Về tổng thể, Lâm Đồng là một vùng đất có năng lượng an lành, con người hiền hòa, lãng đãng, chậm rãi chứ không vội vàng bon chen như Sài Gòn. Nó rất hợp với những dự án mà tôi muốn triển khai như xây dựng một nơi trị liệu tâm lý chẳng hạn.

PV: Hiện tại cuộc sống hàng ngày của bạn diễn ra như thế nào?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Lúc còn trẻ, tôi nghĩ tự do là mình thích làm gì thì làm. Không ai được quyền đánh giá, phán xét mình. Tôi chán ghét mọi môi trường gò bó nhưng tôi không nghĩ khi mình lên núi sống, mình lại kỉ luật không tưởng tượng nổi.

Mỗi ngày tôi đều thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, nghe nhạc, đọc sách. Sau đó lại một mình đi dạo trong rừng thiền hành. Nghe tiếng chim hót, ngắm ánh nắng của một ngày mới với một lòng biết ơn sâu sắc, nhảy múa nếu tôi có hứng. Và sau đó trở về nhà, gọi mọi người thức dậy. Chuẩn bị bữa sáng, cùng nhau ra vườn nơi đang trồng một số loại rau, củ, quả theo phương pháp thuận tự nhiên. Thời gian rảnh trong ngày, tôi có thể dành cho việc tập đàn, luyện võ, thêu thùa hoặc lên mạng chém gió (cười).

Ai có vấn đề tâm lý, cần thổ lộ thì tôi sẽ lắng nghe. Buổi tối tôi lại ngủ trước 11 giờ theo nhịp sinh học của hệ thống kinh lạc trong cơ thể. Mỗi ngày đều trôi qua như vậy nhưng tôi chẳng bao giờ thấy tẻ nhạt vì mình tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong những điều rất giản đơn. Mình được làm những gì mình yêu thích và cảm thấy nó có ích cho cuộc đời.

Nguyễn Vân Anh của hiện tại, đầu trọc, sống tối giản trên một ngọn đồi tại Lâm Đồng
Nguyễn Vân Anh của hiện tại, đầu trọc, sống tối giản trên một ngọn đồi tại Lâm Đồng


PV:
 Bạn có thể kể một vài những kỉ niệm khi bắt đầu cuộc sống một mình, có gì khó khăn không?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Có nhiều người nói muốn sống như tôi. Sao mà thần tiên, tiêu dao quá nhưng trên đời này làm gì mà có thiên đường sẵn cho mình đến ở. Chỉ có mình tự tìm thấy Niết Bàn trong tâm mình cho dù ở hoàn cảnh như thế nào thôi. Mọi sự bắt đầu nào cũng đầy những khó khăn, thử thách. Khi tôi lên đây, nhiều đêm ở một mình giữa núi rừng, lạ nước lạ cái, không người thân thích, tôi cũng sợ chứ. Nhưng lại tự trấn an mình có sợ thì mình chỉ tự làm mệt mình thêm thôi. Thế là, tôi phải đóng hết tất cả cửa nẻo lại, mở nhạc thiền trấn an mình và chấp nhận chuyện gì đến sẽ đến. Nếu là một điều xấu thì cũng là việc cần phải đến vì đó là duyên nghiệp của mình. Tôi tin hai chữ duyên nghiệp nên cuộc sống dễ thở hơn.

Thêm nữa, vì tôi làm một dự án trồng vườn rừng đa dạng sinh thái nên mất rất nhiều thời gian để cải tạo và phục hồi đất. Vì đất có khỏe thì cây mới có môi trường tốt để phát triển mà không cần can thiệp hóa chất độc hại. Nó đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn khi thời gian đầu mình trồng cây nào lên bị chết hầu như gần hết vì sâu bọ, vì dế cắn...Có khi trồng 300 cây thì sống chỉ còn 20 cây thôi. Rồi lại có những bạn lén kéo vào đây chặt cây, ăn nhậu, bẫy chim, xả rác tứ lung tung. Mình cũng chỉ có thể nhẹ nhàng nhắc nhở chứ cũng không thể làm căng lên. Có hôm, tôi còn gặp tình huống thật buồn cười là vào buổi trưa có một người gõ cửa hỏi xin tôi nước uống. Tôi hỏi anh ta vào đây làm gì. Anh ta rất hồn nhiên trả lời "Bẫy chim". Nước tôi vẫn lấy cho anh ta uống rồi bắt đầu nói để anh ấy hiểu mình ở đây giữ rừng nên đừng vào đây bắt chim nữa.

Sống ở đâu cũng có vấn đề của nó cả. Hiểu điều đó thì mình sẽ xem xét cách giải quyết vấn đề thay vì tốn thời gian than phiền, trách móc.

PV: Cuộc sống hiện tại của bạn là do bạn chủ động muốn tìm đến, hay là một sự trị liệu tâm hồn, một sự trốn chạy thực tại?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Đó là lựa chọn của tôi. Nếu sau này không sống ở ngọn núi này, tôi cũng chỉ muốn sống ở một ngọn núi khác. Tôi không muốn bon chen, hối hả, vội vã như nhịp sống dưới xuôi. Chẳng để làm gì cả. Lâu lâu ghé phố thăm vài người bạn hoặc có việc gì đó thì được còn sống ở phố thì không. Lựa chọn như vậy phù hợp với tôi. Đơn giản vậy thôi.

Tuổi trẻ của thời đại nào cũng mang những nỗi buồn riêng

PV: Công việc gì khiến bạn yêu thích nhất?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Xưa tôi nghĩ rằng tôi thích viết nhất. Tôi muốn trở thành một nhà văn. Nhưng trong quá trình chữa lành những tổn thương trong tâm hồn, tôi nhận ra ai cũng có những nỗi khổ không dám thổ lộ cùng ai vì sợ sự phán xét của xã hội. Tôi hi vọng ai cũng có thể tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Vì thế, tôi thích chia sẻ những trải nghiệm của mình, cách mình hàn gắn tổn thương, cách mình đối mặt với những sai lầm trong quá khứ. Tôi cũng thích lắng nghe và dẫn dắt người khác nhìn nhận lại vấn đề của họ đa chiều thay vì luẩn quẩn trong cái tôi trách người trách đời.

Viết cũng chỉ là một cách biểu lộ những quan điểm của mình và nếu nó có thể an ủi tâm hồn người khác thì thật là tuyệt chứ không phải để mình trở thành một "nhà" gì hết. May mắn là quyển sách đầu tay "Ngày mai bạn sẽ biết ơn nỗi buồn ngày hôm nay" đã được nhiều bạn đọc đón nhận. Chúng giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Ngoài ra, tôi cũng thích làm về giáo dục cho trẻ em và các dự án liên quan đến phụ nữ. Hỏi tôi thích cái gì nhất thú thật là tôi không biết. Duyên đến đâu, làm đến đó.

"Ngày mai bạn sẽ biết ơn nỗi buồn ngày hôm nay" - cuốn sách đầu tay của tác giả Nguyễn Vân Anh


PV:
 Bạn sống xa gia đình, người thân đã lâu chưa? Gia đình có ý nghĩa như thế nào với bạn?

Tác giả Nguyễn Vân AnhThú thật là từ nhỏ tôi khá lạc lõng khi mọi người trong gia đình luôn nói tôi khác người. Tôi cũng gặp nhiều tổn thương trong cách nuôi dạy con của má tôi. Nhiều khi cũng không trách được khi ba má tôi chia tay từ lúc tôi chỉ 4 tuổi. Một mình bà phải gánh vác nhiều vai trò, chịu nhiều ẩn ức tâm lý và bản thân bà cũng không hoàn hảo như bao nhiêu con người khác.

Nhưng sự cô độc mà tôi đã mang từ tàn tích của ấu thơ nó khiến tôi chỉ muốn thoát ly khỏi gia đình mình. Sau này, trong quá trình hàn gắn trái tim, tôi học cách thứ tha và cảm thông cho má tôi nhiều hơn. Và cũng vì trải qua những ngày tháng đó, nên tôi thích làm những công việc liên quan đến phụ nữ. Mỗi người phụ nữ hạnh phúc mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Bây giờ khi rảnh tôi về thăm gia đình. Đôi khi tôi nằm dài cho hai cháu trai trèo lên lưng của mình cũng là một điều hạnh phúc. Nhưng với tôi, mọi người trong nhà đều là những cá thể khác biệt.

Ai cũng có cuộc đời và duyên nghiệp riêng của họ dù là người một nhà. Mình nên học cách thương yêu và tử tế với nhau nhiều hơn. Bởi có đôi khi ta tử tế với người ngoài nhiều hơn là với người trong gia đình vì nó cho ta một hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt người khác. Còn đối với các thành viên trong gia đình, có khi ta đòi hỏi và khắt khe hơn khi gắn liền họ với "của ta". Ta cũng dễ dàng bộc lộ những cái xấu của ta nhiều hơn vì họ dễ chấp nhận ta hơn là ai khác. Càng sống ở đời, tôi càng nhận ra không có ai là "của mình" mà mình nên tập cách nhìn mọi con người giống như nhau có ưu, có khuyết. Ai cũng cần được tôn trọng. 

"Mình nên học cách thương yêu và tử tế với nhau nhiều hơn" - Nguyễn Vân Anh chia sẻ

 PV: Nổi tiếng là một cây viết nữ với những quan điểm sống rất mới mẻ, văn minh, điều gì làm nên một Vân Anh như bây giờ với những tư duy rất minh triết, tỉnh táo khi mà tuổi còn rất trẻ?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Tôi rất thích câu chuyện về một cuộc hội thoại giữa một ký giả và một doanh nhân thành công. Ký giả hỏi "Thưa ông, ông có thể cho biết đâu là thành công của ngày hôm nay?". Doanh nhân trả lời "3 từ thôi :Quyết định đúng". Ký giả lại thắc mắc "Nhưng làm sao để có quyết định đúng?". Doanh nhân bảo "2 từ thôi: Kinh nghiệm". Vị ký giả lại gặng hỏi "Nhưng làm sao để có kinh nghiệm?". Doanh nhân thản nhiên đáp "Cũng 3 từ thôi :Quyết định sai".

Tôi tin rằng bất kỳ con người nào cũng từng trải qua những sai lầm, vấp ngã. Nhưng sau sai lầm là gì? Là đứng dậy bước tiếp xem đó là cơ hội tôi luyện bản thân hay vùi mình trong mặc cảm tự ti và luôn miệng trách đời trách người là tùy nhận thức của từng người.

Tôi cũng từng trải qua những ngày mang tâm lý nạn nhân nhưng bây giờ tôi chọn cách học những bài học từ những trải nghiệm của mình. Nó giúp tôi bớt tự gây rắc rối cho chính mình và người khác hơn xưa. Còn tôi không dám nhận mình minh triết vì mỗi ngày sống là mỗi ngày tôi sẽ học thêm những bài học mới. Chẳng ai dám nhận mình sẽ chẳng mắc một sai lầm nào thêm cả.

PV: Là một người tư vấn, chăm sóc tinh thần cho nhiều bệnh nhân có vấn đề về tâm lý, đối diện với những vấn đề về rối loạn tinh thần hàng ngày của con người, đặc biệt là giới trẻ, bạn có nhận xét thế nào về giới trẻ hiện nay nói chung, vì sao mà những căn bênh tâm lý ở giới trẻ ngày một nhiều hơn?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Người ta nói khi Lão Tử vừa chào đời tóc đã bạc để biểu hiện cho sự khôn ngoan của một người già. Nhưng đó cũng chỉ là một huyền thoại. Vì không ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần. Bất kỳ một con người nào cũng phải trải qua lộ trình sinh ra, được giáo dục, bị ảnh hưởng bởi môi trường gia đình, xã hội tùy theo nhận thức của bản thân. Họ lớn lên, xung đột cái tôi với thế giới xung quanh, tổn thương, đổ vỡ, hoang mang, mất mát niềm tin. Trong đời ai mà chẳng phải trải qua.

Khi mình còn trẻ, tâm hồn mình hãy còn non nớt, mong manh, bồng bột thì mình sẽ khó chấp nhận những điều đó khi cái tôi của mình quá to tướng. Mình có thể xem cả thế giới đang xoay quanh mình. Cả thế giới phải xảy ra đúng theo ý mình.

Tuổi trẻ của thời đại nào cũng mang những nổi buồn riêng và những vỡ vụn của thanh xuân. Thời ba má chúng ta có những nỗi buồn riêng. Thời chúng ta và những thời sau đó cũng mang đầy những nỗi buồn tùy bối cảnh xã hội. Tôi rất thích một tác phẩm có tên "Quán cafe của tuổi trẻ lạc lối" dường như miêu tả chính xác giai đoạn tâm lý này. Vô minh mới có giác ngộ. Đó là điều bình thường. Hai thái cực tưởng chừng như đối lập nhưng lại mang ý nghĩa tương hỗ nhau. Nếu không có một tuổi trẻ với rất nhiều vấn đề tâm lý cũng sẽ không có tuổi già với nhiều kinh nghiệm sống

Với Vân Anh,
Với Vân Anh, "Vô minh mới có giác ngộ. Đó là điều bình thường"

 PV: Nếu cần có một giải pháp, theo bạn nên là gì? Vì không phải ai cũng có đủ điều kiện để buông bỏ những trách nhiệm cuộc sống, để sống tối giản và tìm về với tự nhiên?

Tác giả Nguyễn Vân Anh: Tôi không nghĩ buông bỏ cần đến điều kiện theo ý nghĩa tiền bạc. Mà sự buông bỏ cần thực tập hàng ngày trong đời sống. Đó chính là sự buông bỏ tham, sân, si trong chính ta cho dù bạn ở bất kỳ nơi đâu. Giả như khi còn trẻ, tôi hay hỏi tại sao người này người kia ghét mình dù mình chẳng làm điều gì có lỗi với họ cả. Thẳm sâu trong tâm lý đó chính là mong ước được người khác yêu quý. Nhưng trải nghiệm hơn chút, tôi nhận ra việc người khác yêu hay ghét mình là một điều rất bình thường. Phật Thích Ca giác ngộ viên mãn còn có người ghét huống hồ chi tôi là một người còn nhiều khiếm khuyết.

Tôi không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người được mà chỉ cố gắng hoàn thiện bản thân trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình thay vì đi sân si với người khác. Càng sớm chấp nhận và học những kinh nghiệm của đời sống càng giúp chúng ta thoát ra khỏi những khúc mắc trong lòng do cái tôi đòi hỏi.

Trải nghiệm nào cũng là một cơ hội cho ta trưởng thành hơn. Bạn không chịu học thì sẽ còn vấp ngã cho đến khi học thuộc lòng và thực hành một cách đúng đắn. Đời sống thật sự không quá phức tạp như chúng ta tưởng bởi mọi câu trả lời cho mọi vấn đề bạn đều có thể tìm thấy ở bên trong bạn.

[Tác giả nguyễn Vân Anh sinh năm 1989 tại Quảng Ngãi, là cử nhân luật, từng làm trong ngành tòa án, hiện viết báo tự do, và là tác giả của cuốn sách “Ngày mai tôi sẽ biết ơn nỗi buồn của ngày hôm nay”. Vân Anh hiện được biết đến nhiều là một nhà tư vấn tâm lý, cô theo đuổi công việc tư vấn và điều trị tâm lý cho giới trẻ với những tư duy, quan điểm rất văn minh, mới mẻ. Vân Anh hiện sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng.]

Lan Anh

Từ sách đến phim ảnh, 'Mắt Biếc' dường như chưa bao giờ hết hot

Từ sách đến phim ảnh, 'Mắt Biếc' dường như chưa bao giờ hết hot

'Mắt Biếc' vừa tung teaser đầu tiên cho bộ phim tình cảm lãng mạn do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.