Tại sao chuyên gia đề xuất bỏ đo huyết áp trước khi tiêm vaccine COVID-19?

Theo bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, việc đo huyết áp để sàng lọc trước tiêm không hiệu quả, thậm chí làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Theo các chuyên gia, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine hiện nay, Bộ Y tế cần thay đổi một số quy định không cần thiết, nhất là khâu sàng lọc trước tiêm.

Thầy thuốc nhân dân - bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, cho rằng để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngành y tế cần bỏ qua những quy tắc không hợp lý, trong đó có việc đo huyết áp sàng lọc trước tiêm.

Theo bác sĩ Tuấn, đi tiêm vaccine mà đo huyết áp trong tình hình cần phải tiêm thần tốc là không hợp lý. Ai đi tiêm vaccine thường sẽ lo lắng, căng thẳng, huyết áp tăng là tất yếu. Việc đo đi đo lại chỉ số huyết áp đến khi đạt yêu cầu rất mất thời gian. Quan trọng hơn, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ máy đo huyết áp là có thật.

Bên cạnh đó, ông cho rằng khi sàng lọc trước tiêm, huyết áp không đạt yêu cầu, nhiều người tạm hoãn tiêm chờ đo lại, sau đó lại càng căng thẳng hơn, huyết áp lại càng tăng.

9990-.jpg

Trong các nghiên cứu khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không có thông tin về việc vaccine làm huyết áp tăng. Trong giai đoạn các địa phương phải thần tốc tiêm vaccine, ông đề xuất Bộ Y tế bỏ yêu cầu này, bởi khám sàng lọc tiêm vaccine khác với khám sức khỏe tổng quát.

Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn dẫn lại câu chuyện của đồng nghiệp về những mặt khó khăn khi đo huyết áp sàng lọc sức khỏe cho người tiêm vaccine.

Theo Zing.vn, bác sĩ Tuấn dẫn lại đề xuất của đồng nghiệp: Chuyện đo huyết áp trước chủng ngừa là vô ích, tốn thời gian, nguy cơ lây bệnh từ brassard đo huyết áp vì phải qua bắp tay nhiều người. Khi vệ sinh không kỹ, việc gác đầu lên bắp tay có thể dính virus. Bỏ đi thao tác này, chắc chắn tiến độ tiêm vaccine sẽ nhanh hơn.

Đồng ý với đề xuất trên của bác sĩ Tuấn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine nên bỏ vì vệc này không giá trị và mất thời gian.

Chuyên gia này cho biết nhiều người vì lo lắng, hồi hộp mà huyết áp không đủ tiêu chuẩn lại bị hoãn tiêm vaccine. Sau khi về nhà, họ đo lại huyết áp thì ghi nhận chỉ số trở về bình thường.

Ngoài việc đo huyếp áp, chuyên gia này cho rằng nhân viên y tế khám sàng lọc cho người tiêm vaccine không cần quá khắt khe với người bị dị ứng thông thường hay các loại thuốc huyết áp đang dùng. Theo ông, người có bệnh nền đã kiểm soát và dị ứng thông thường vẫn có thể được tiêm vaccine bình thường.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết mình có bệnh huyết áp và đã uống thuốc kéo dài 15 năm nay. Ngoài ra, ông còn có cơ địa dị ứng. Tuy nhiên, ông là người tiêm mũi vaccine đầu tiên tại bệnh viện đang công tác và đã hoàn thành 2 mũi vaccine AstraZeneca.

Là người có bệnh huyết áp nên sau tiêm vaccine, bác sĩ Khanh thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp và theo dõi sát diễn biến sức khỏe. Mọi triệu chứng xuất hiện trong 24 giờ. Sau 36 giờ, tất cả trở về trạng thái bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Ông khuyến cáo với người có bị cao huyết áp hay khi đi khám sàng lọc mới biết huyết áp cao, sau khi tiêm vaccine cần đo huyết áp mỗi 4-6 giờ trong 24 giờ đầu sau tiêm.

HẢI MY