Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh mới

Chiều 27/5, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới", quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp thúc đẩy phân khúc nhà ở quan trọng này.
Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).
Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Phát biểu tại hội thảo, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), khẳng định việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người lao động thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

Bà Hạnh cho biết, nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển NƠXH, tập trung vào các dự án có vị trí, quy mô phù hợp, gắn với hạ tầng đồng bộ và được hưởng các cơ chế ưu đãi về đầu tư, đất đai, tài chính, thuế.

Tiến độ còn chậm, nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”, đến nay cả nước đã có 679 dự án được triển khai với tổng quy mô 623.051 căn hộ. Cụ thể, 108 dự án đã hoàn thành (73.075 căn), 155 dự án đang được thi công (132.791 căn), và 416 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (417.185 căn).

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2025, đã có thêm 15.614 căn hoàn thành và 20 dự án mới được khởi công với tổng quy mô gần 19.500 căn hộ. Tuy nhiên, bà Hạnh thẳng thắn thừa nhận, “kết quả triển khai Đề án vẫn còn thấp, chưa đáp ứng tiến độ đề ra.”

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Đại diện Bộ Xây dựng chỉ rõ một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ như: quy định pháp luật còn bất cập; chưa hình thành được quỹ nhà ở quốc gia hoặc định chế tài chính hỗ trợ nguồn lực dài hạn; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư còn phức tạp; quy trình lập, thẩm định dự án và xác định giá bán/giá thuê kéo dài.

Bên cạnh đó, chính sách thụ hưởng nhà ở xã hội còn thiếu linh hoạt, chưa bắt kịp với thực tiễn thay đổi trong tổ chức hành chính. Đặc biệt, hiện chưa có quy định cho phép đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, viên chức đối tượng có nhu cầu thực tế cao.

Đề xuất giải pháp từ chuyên gia

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định rõ nhu cầu thực tế NƠXH tại các địa phương, xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể hàng năm và 5 năm, coi đây là nội dung trọng yếu trong chính sách an sinh xã hội.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Khôi đề xuất: Ưu tiên quy hoạch đất và tạo mặt bằng sạch cho NƠXH trong kế hoạch phát triển hằng năm; Ban hành cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận NƠXH, bao gồm:

Hỗ trợ lãi suất vay dưới 4%/năm trong 20 - 25 năm; Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 0 - 3% cho doanh nghiệp đầu tư; Cho vay từ quỹ phát triển của địa phương với lãi suất 2 - 3%/năm; Tăng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát tình trạng "cò mồi", "thổi giá", đấu giá bất thường; Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc pháp lý về định giá đất, quy hoạch, chuyển đổi một số quỹ nhà ở thương mại và tái định cư sang NƠXH; Rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư xuống dưới 12 tháng, cho phép đồng thời thực hiện nhiều bước; Nghiên cứu mô hình PPP, "đổi đất lấy hạ tầng" để tăng quỹ đất phát triển NƠXH.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc thiết kế và vận hành Quỹ phát triển nhà ở. Nhà nước cần giữ vai trò dẫn dắt, kiến tạo trong toàn bộ hoạt động của Quỹ, bao gồm tạo lập nguồn vốn, định hướng hoạt động, cơ chế vận hành và giám sát.

Ông đề xuất giữ nguyên phạm vi hoạt động của Quỹ như dự thảo hiện nay, bao gồm cả NƠXH và nhà ở giá rẻ, bởi nhu cầu về nhà ở giá phù hợp đang gia tăng. Về cơ quan quản lý, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần xem xét giao cho một bộ chủ trì (có thể là Bộ Tài chính hoặc Bộ Xây dựng), với vai trò giám sát, kiểm tra của Chính phủ hoặc cơ quan độc lập để đảm bảo hiệu quả và minh bạch.

Hội thảo “Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới” khẳng định, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, nhà ở xã hội không chỉ là một nhiệm vụ an sinh mà còn là cơ hội phát triển nếu có chính sách phù hợp, cách tiếp cận linh hoạt và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng sống cho hàng triệu người dân Việt Nam.

Hoàng Toàn

Đề xuất hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con tại khu vực sinh thấp

Đề xuất hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con tại khu vực sinh thấp

Bộ Y tế đang đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho phụ nữ sinh đủ hai con tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.