Thấy gì sau phiên đấu giá đất ở Thủ Thiêm

Với mặt bằng giá kỷ lục vừa được thiết lập, việc định giá lại tài sản thường diễn ra theo hướng giá trị tăng lên khi cập nhật theo giá thị trường.

Ngày 10/12, có tổng cộng 4 lô đất đã đấu giá thành công. Trong đó, cá biệt lô 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (đại diện cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng. Đây cũng là mức giá đất cao nhất thị trường tại TP HCM hiện nay, đồng thời là kỷ lục giá đất Việt Nam.

Lô đất Thủ Thiêm Công ty trúng Giá khởi điểm Giá đấu thành công Giá mỗi m2 Đã đặt cọc
Lô 3-5 Công ty cổ phần Dream Republic 578 3.820 0,59 115,6
Lô 3-8 Công ty cổ phần Sheen Mega 1.018 4.000 0,47 203,6
Lô 3-9 Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh 728 5.026 1 145,6
Lô 3-12 Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt 2.942 24.500 2,4 588,4

Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có thể xét đến 3 trường hợp hưởng lợi từ việc giá đất Thủ Thiêm xác lập kỷ lục 2,4 tỷ đồng một m2.

Trường hợp thứ nhất, nếu các doanh nghiệp trúng đấu giá thực hiện đúng các bước thủ tục ký hợp đồng mua bán tài sản, nộp tiền vào ngân sách, thành phố sẽ thu về hơn 37.000 tỷ đồng. Nguồn thu chênh lệch địa tô này góp phần phục vụ lợi ích cộng đồng. 

Trong 5 ngày, người trúng đấu giá phải ký hợp đồng mua bán tài sản với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM. Sau thời hạn này, nếu bên trúng đấu giá không ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị mất tiền đã đặt cọc, theo quy định là 20% giá khởi điểm lô đất.

Thấy gì sau phiên đấu giá đất ở Thủ Thiêm

Trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải trả 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế.

Quá 180 ngày từ khi ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Cơ quan chức năng sẽ báo cáo và trình UBND TP HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. 

Trường hợp thứ hai, giá đất mới xác lập sẽ có lợi cho các chủ đầu tư xung quanh khu Thủ Thiêm đã nộp tiền sử dụng đất vì không phải lo lắng khoản chi phí này bị đội lên trong tương lai. Với các chủ đầu tư dự án chưa nộp tiền sẽ lo lắng nếu xác định tiền sử dụng đất theo giá thị trường, tức có căn cứ các mức giá khủng mới xác lập, tiền sử dụng đất sẽ tăng lên rất cao.

Trường hợp thứ ba, với mức giá mới cao gấp 8 lần vừa xác lập tại Thủ Thiêm, các chủ đầu tư có bất động sản tọa lạc tại bán đảo này đang thế chấp ở ngân hàng có thể định giá lại tài sản để vay thêm vốn. 

Chủ tịch HoREA cho biết, trường hợp giá đất tăng, chủ dự án thực hiện bước định giá tài sản để tăng khoản vay xảy ra khá phổ biến trong giới kinh doanh bất động sản do nhu cầu tiếp cận vốn của ngành địa ốc luôn ở mức rất cao. 

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), cho rằng các dự án đã bàn giao hoặc đang trong quá trình triển khai trên bán đảo Thủ Thiêm đều hưởng lợi nhờ chênh lệch địa tô lớn sau phiên đấu giá tỷ USD vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, bất lợi sẽ nghiêng về các nhà đầu tư mới đang có ý định muốn cập bến Thủ Thiêm, để kiến thiết đô thị giai đoạn sau này.

"Nếu nhìn xa hơn, giá đất tăng thẳng đứng gấp 8 lần sẽ triệt tiêu sức hấp dẫn của Thủ Thiêm, trì hoãn quá trình phát triển của đô thị mới và khiến nơi này bị lũng đoạn giá", ông Nghĩa quan ngại.

Thanh Mai