Thầy giáo bán vàng cưới để dạy học miễn phí suốt 15 năm, bao lần bật khóc vì chứng kiến quá nhiều chuyện "khó nói"

Không chỉ dạy chữ, thầy Khải còn dạy trò cách làm người.

Nếu có dịp đi qua con đường HT23 nằm sâu trong một xóm nhỏ ở phường Hiệp Thành, Quận 12 (TP.HCM), bạn sẽ nhận ra ở đây có một lớp học "đặc biệt" - lớp phổ cập Ngọc Việt (trước đó là lớp học tình thương Ngọc Việt). Ở đó, những đứa trẻ không đến trường vào buổi sáng với chiếc áo trắng học trò mà khoác trên người đủ loại trang phục, vào lớp "ê a" khi phố xá đã lên đèn, khi nhà nhà đang quây quần bên nhau ăn một bữa cơm.

Giảng dạy chính ở lớp học đó là anh Huỳnh Văn Khải (31 tuổi). Xuất phát điểm là một hướng dẫn viên du lịch nhưng 15 năm nay, nhiều người biết đến anh Khải với vai trò là một thầy giáo gieo chữ cho trẻ em nghèo. Anh có biệt danh là "Thầy Khải Doraemon".

Tính tới nay, đã hơn 15 năm "thầy Khải Doraemon" dạy học. Người thầy "tay ngang" này không nhớ rõ mình đã "đưa đò" bao nhiêu học sinh, nhưng ước tính mỗi năm số lượng học sinh "ra vào" tầm 100 em. Như vậy, số học sinh được thầy và cộng sự dạy dỗ lên tới con số hàng nghìn. 

Thầy giáo bán vàng cưới để dạy học miễn phí suốt 15 năm, bao lần bật khóc vì chứng kiến quá nhiều chuyện
  Tính tới tháng 9/2023, tròn 15 năm

Tính tới tháng 9/2023, tròn 15 năm "thầy Khải Doraemon" dạy học.

Từng bán hết vàng cưới để duy trì lớp học

Thời điểm ban đầu, lớp học chỉ bao gồm vài đứa trẻ mồ côi, đi bán vé số loanh quanh xóm. Rồi các em rủ bạn đi học, dần dần hình thành lớp học đông đúc như bây giờ. Có thời điểm lớp học tan rã, cho đến năm 2014, tình cờ gặp lại các em học sinh bán vé số, được ngỏ lời "thầy ơi, thầy dạy tụi con nữa đi", anh Khải suy nghĩ một hồi lâu, rồi quyết định mở lại lớp học. 

Đầu năm 2018, khi lớp học ngày càng đông, thầy Khải quyết định phải xây dựng lại lớp học. Nhưng chi phí đầu tư lại vượt qua khả năng kinh tế, cuối cùng hai vợ chồng anh quyết định bán hết số vàng cưới để đủ tiền xoay xở.

"May mắn thời điểm đó, vợ mình đồng cảm với mấy đứa nhỏ và thương mình, chấp nhận bán hết số vàng cưới. Từ đó, mình đưa ra một quy định chỉ nhận trẻ từ 8 tuổi thôi. Mình muốn trước tuổi đó, phụ huynh đưa con em đến lớp học chính quy học bình thường. Lớp học tình thương là lớp tình thương, lớp phổ cập là lớp phổ cập, không bao giờ bằng được một lớp chính quy", thầy Khải chia sẻ.

Tại Ngọc Việt, có nhiều em 15 tuổi mới học lớp một, học những chữ cái đầu tiên khi đến lớp. Các em học sinh đều là con, cháu của công nhân, người lao động từ quê lên TP.HCM sinh sống. Các em không đủ điều kiện đến trường như hoàn cảnh gia đình khó khăn, quá tuổi độ tuổi được học chính quy, bị chậm phát triển,...

Chẳng hạn như em KPá Hài, năm nay 12 tuổi, là 1 trong gần 40 học sinh hiện tại trong lớp Ngọc Việt. Em là người dân tộc Ê Đê, bố mẹ rời quê nhà vào TP.HCM sinh sống. Bố làm nghề giao hàng, mẹ làm công nhân may để nuôi 3 chị em Hài. 8 tuổi, Hài được học lớp 1, khi chị của em được người trong xóm giới thiệu đưa Hài đến lớp học Ngọc Việt. Em bắt đầu biết được con chữ.

  Nguyện vọng và mục đích của thầy Khải là học trò biết đọc chữ, làm Toán và biết một số kiến thức cơ bản để tự giữ an toàn cho mình khi phải bươn chải ngoài xã hội.

Nguyện vọng và mục đích của thầy Khải là học trò biết đọc chữ, làm Toán và biết một số kiến thức cơ bản để tự giữ an toàn cho mình khi phải bươn chải ngoài xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ em Ngọc Trân cho rằng, học ở đây học phí không cần lo vì thầy miễn phí hết, thỉnh thoảng thầy còn cho gạo mang về. Tết thầy còn cho bánh trái, nhờ vậy cuộc sống cũng đỡ nhọc nhằn. 

Ở lớp học đặc biệt này, các em nhỏ được dạy miễn phí 2 môn Toán và tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài ra, các em còn được học về cách ứng xử, các kiến thức, kỹ năng sống... Trước khi vào học, khoảng 18h mỗi ngày, các em sẽ được ăn những bữa tối thơm ngon do những nhà hảo tâm gửi tặng. 19h lớp học bắt đầu. Một tuần 6 ngày như thế.

Hiện lớp học có các em trình độ từ lớp 1 đến lớp 4 nên trong một buổi học luôn phải chia từng khung giờ để dạy từng nhóm lớp. Từ ăn uống đến sách vở, dụng cụ học tập, đều miễn phí. Lớp học có quy định rõ ràng về rèn luyện, vệ sinh, trực nhật. Ngoài anh Huỳnh Quang Khải, cũng có các thầy cô ở các trường tiểu học trong quận tình nguyện dạy cho các em.

Nguyện vọng và mục đích của thầy Khải là học trò biết đọc chữ, làm Toán và biết một số kiến thức cơ bản để tự giữ an toàn cho mình khi phải bươn chải ngoài xã hội. Anh cho biết, thời gian dài theo đuổi ước nguyện này, có lúc anh cũng buồn và cảm thấy bất lực, khi một số em vì hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học giữa chừng. Thương các em nên người thầy thường xuyên đến tận nhà vận động gia đình cho con em tiếp tục theo học.

"Thầy cô dạy mình lúc trước như thế nào thì mình cứ dạy các em như thế"

"Mình chỉ nghĩ một điều đơn giản là thầy cô mình giảng mình sao thì bây giờ mình giảng lại cho các em y như vậy", anh Khải nói. Thầy giáo này cho rằng, mình may mắn được làm hướng dẫn viên du lịch trước đó nên được gặp nhiều nhất là các anh chị làm bên ngành giáo dục. Anh thường xuyên hỏi thăm kinh nghiệm giảng dạy, truyền tải sao cho dễ hiểu, từ đó học theo và áp dụng cho lớp học của mình. 

Để khuyến khích tinh thần học tập của các em, thầy Khải có hoạt động tặng xu khi giơ tay phát biểu nhiều, đạt điểm 10. Từ 2 xu sẽ được 1 chai nước, 5 xu các em sẽ đổi được 1 món đồ chơi. 10 xu sẽ được 5kg gạo mang về.

Thầy giáo bán vàng cưới để dạy học miễn phí suốt 15 năm, bao lần bật khóc vì chứng kiến quá nhiều chuyện
  Từ lớp học với 5, 7 em học sinh trên gác xép, nay Ngọc Việt đã có không gian khang trang hơn.

Từ lớp học với 5, 7 em học sinh trên gác xép, nay Ngọc Việt đã có không gian khang trang hơn.

Các em cũng được tham gia các hoạt động thể thao, ngoại khóa để cân bằng việc vui chơi và học tập. Học sinh được tổ chức sinh nhật, trung thu, đi bơi, kiểm tra cân nặng định kì… Hiện tại, dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng các em rất có ý thức, học hành chăm chỉ, đa số các em cả ngày lo mưu sinh vất vả nhưng đến tối vẫn đi học đầy đủ và biết vâng lời.

Những chuyện "khó nói"

Có học sinh đủ lứa tuổi, trong đó nhiều em là nữ, thầy Khải cũng gặp nhiều chuyện "khó nói". Chẳng hạn, trong một lần đứng lớp, thầy Khải phát hiện có một nữ sinh cứ ra vào nhà vệ sinh liên tục. Thầy thắc mắc nên hỏi riêng thì em trả lời mình "mắc đi vệ sinh". 

"Xong mình đi kiểm bài, nhìn xuống ghế bé mới phát hiện có máu. Mình mới hỏi con có "băng" chưa, con bị tràn "băng" hả? Cô bé trả lời: "Băng là gì hả thầy?". Mình mới hỏi: Ủa vậy nãy giờ con làm gì trong nhà vệ sinh? Bé nói là: Con vắt. Nghĩa là nó lấy một cái khăn rồi vắt. Mình đứng mà không cầm được nước mắt. Mình hỏi ba mẹ không nói với con hả. Nó nói ba mẹ con đi cả ngày. Mình tức quá la bé: Sao con không hỏi các bạn, không hỏi thầy. Bé chỉ biết đứng khóc", thầy Khải kể.

Sau đó, thầy Khải mua "băng" về nhờ vợ chỉ cho bé cách dùng. Áo quần, thậm chí kể cả đồ lót, vợ chồng thầy Khải cũng mua cho các em. 

Thầy Khải tự nhận bản thân mình chỉ như một chiếc xe đò để giúp các em đi nhanh hơn một chút. Điều anh mong mỏi là phụ huynh quan tâm hơn đến con em mình, hiểu con mình cần gì và sự cảm thông, chia sẻ của phụ huynh dành cho con. Chỉ cần suy nghĩ phụ huynh thay đổi thì tương lai con của họ sẽ tốt hơn.

"Dạy chữ ai cũng dạy được, nhưng dạy cách làm người thì khó"

Đó là lý do mà thầy Khải cho biết, ngoài dạy học, thầy rất chăm chút đến việc hướng các em vào hoạt động thiện nguyện. Hàng tuần, các em học sinh của lớp Ngọc Việt được tận tay phát những hộp bún xào, bánh mì cho các bà con khó khăn hơn. Anh cũng tổ chức các chuyến đi thiện nguyện xa như ở Đắk Lắk để cho các em biết mình còn may mắn hơn bao nhiêu hoàn cảnh. 

Vừa dạy cả kiến thức lẫn đạo đức, nhiều học trò sau khi rời khỏi lớp học Ngọc Việt có cuộc sống ổn định. Có người về quê trở thành chủ một gara ô tô, chủ tiệm sửa điện thoại di động... 

Học trò thường xuyên trở về thăm lớp, ngày 20/11 hàng năm, anh cũng được đón nhận niềm vui như những nhà giáo khác.

  Thầy Khải cho biết, ngoài dạy học, thầy rất chăm chút đến việc hướng các em vào hoạt động thiện nguyện.

Thầy Khải cho biết, ngoài dạy học, thầy rất chăm chút đến việc hướng các em vào hoạt động thiện nguyện.

Người thầy đặc biệt cho biết, anh chỉ mong học sinh của mình khi lớn lên, nếu có thể cũng hãy cho đi với một người khác khó khăn hơn mình. 

"Trong tương lai, mình không mong là sẽ dạy lớp này nữa. Vì mình còn phải dạy, tức là vẫn còn người nghèo. Mình cũng không biết sẽ dạy đến khi nào. Nhưng có một điều chắc chắn là, lớp còn một học trò, mình vẫn dạy, đến đời con mà còn học trò nghèo, mình cũng sẽ kêu con dạy", người thầy nói chắc nịch, ánh mắt lấp lánh niềm yêu thương. 

Hiểu Đan

'Đau Nam chữa Bắc' - Nguyên tắc học tiếng Anh được thầy giáo gợi ý giúp trình độ của bạn lên 'vèo vèo'

"Đau Nam chữa Bắc" - Nguyên tắc học tiếng Anh được thầy giáo gợi ý giúp trình độ của bạn lên "vèo vèo"

Tại sao học tiếng Anh lại nói chuyện chữa bệnh và bấm huyệt? Theo thầy Đỗ Cao Sang thì chúng thực ra có sự liên quan với nhau.