The Doubt, The Hunt: Khi người ta nhân danh đạo đức để giết chết sự tử tế…

Bất cứ tin tức tiêu cực nào cũng có thể nhấn chìm một con người, thậm chí chẳng cần bằng chứng mà chỉ dựa trên “cảm giác” của đám đông nào đó

Một cô gái, sau khi làm chứng sai cho người hàng xóm của mình, khiến tin đồn xấu về anh ta lan ra khắp nơi. Những linh tính về tội lỗi đưa cô gái đến nhà thờ để xưng tội với cha xứ. “Thưa Cha, con đã làm gì sai?’’ – cô gái hỏi. Cha xứ trả lời: “Trước khi ta trả lời, ta muốn con về nhà rồi lấy một cái gối đặt lên mái nhà, hãy cắt nó ra và quay lại đây với ta”. Cô gái về nhà, mang chiếc gối lên mái nhà và dùng kéo đâm thủng. Sau đó cô quay lại chỗ người cha xứ già như hướng dẫn. ‘’Con đã dùng dao đâm vào gối chứ?” - ông nói. “Vâng thưa cha”, ‘’Kết quả thế nào?’’, ‘’Lông vũ rơi ra’’ -  cô nói: “Lông vũ rơi khắp nơi, thưa Cha”. “Giờ ta muốn con về và gom lại cho đến sợi lông vũ cuối cùng đã bay trong gió”.

“Chuyện này”- cô nói: “con không làm được, con không biết chúng bay đi đâu. Gió đưa chúng đi muôn phương rồi”.

“Và đó,” Cha xứ trả lời: “Đó chính là tin đồn!”.

Poster bộ phim The Doubt
Poster bộ phim The Doubt

Đó là câu chuyện trong bộ phim The Doubt của đạo diễn John Patrick Shanley sản xuất năm 2008. Câu chuyện được linh mục Brendan Flynn (vai diễn của Philip Seymour Hoffman) tại nhà thờ Công giáo quận Bronx kể lại cho các giáo sinh của mình trong buổi thuyết giảng cuối cùng. Sau khi ông bị sơ Aloysius Beauvier (Meryl Streep) hạ bệ bằng cách liên tục đưa những tin đồn về việc ông có quan hệ “không đúng đắn” với cậu bé da màu Donald Miller.

Sơ Aloysius, với sự hằn học trước đó với cha Flynn, sau khi nghe một tin đồn từ một ma sơ trẻ thật thà, rằng cha Flynn đã kéo cậu bé Miller vào phòng riêng, và sau khi ra khỏi phòng, cậu bé đã vô cùng sợ hãi cùng với hơi thở có mùi rượu. Những tin đồn về việc “lạm dụng tình dục” cậu bé da màu lan nhanh như những cơn gió, ngay cả khi sơ Aloysius thừa nhận bà không hề có bất cứ bằng chứng nào: “Tất cả chỉ là linh cảm của tôi. Và tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ sự an toàn của bọn trẻ”. Và ngay cả khi ma sơ trẻ kia và mẹ của Donald đều đảm bảo về sự trong sạch của cha Flynn, thì Aloysius vẫn khẳng định bà đang làm điều đúng đắn.

Sơ Aloysius do Meryl Streep thủ vai.
Sơ Aloysius do Meryl Streep thủ vai.

Bà sục sạo toàn bộ quá khứ của cha Flynn, bà đẩy những tin đồn đi nhanh nhất, xa nhất có thể, chỉ với sự nghi ngờ của riêng mình. Để bảo vệ Miller khỏi sự tấn công (vì cậu bé da màu là người đồng tính), cha Flynn từ chức.

Câu chuyện của The Doubt diễn ra vào năm 1964, khi trong lòng nước Mỹ còn tồn tại đầy những định kiến, đặc biệt tại nhà thờ Công giáo, nơi mà đức tin tồn tại như một thành trì vững chãi. Thì đằng sau đó, sự sụp đổ cũng chực chờ một cách lớn lao và mạnh mẽ không hề thua kém, khi mà những nghi ngờ bắt đầu dấy lên. Như cha Flynn đã nói: Sự nghi ngờ có mối quan hệ rất chặt chẽ với lòng tin!

The Doubt, The Hunt: Khi người ta nhân danh đạo đức để giết chết sự tử tế…

Đó là khi sơ Aloysius, người đại diện cho đức tin và sự độc đoán, người điên cuồng tin vào điều mình muốn tin. Và với những nhân danh của lòng tốt, của đạo đức, bà bỏ qua mọi sự kiểm chứng, phớt lờ tất cả những bằng chứng chứng minh cha Flynn vô tội. Đức tin sắt đá đã làm lu mờ cả sự cảm thông và lòng trắc ẩn, khiến bà bỏ qua cả sự cầu xin cho tương lai của cậu bé Donald khốn khổ. Bà chỉ nhìn thấy một mục tiêu duy nhất: Hạ bệ và đẩy cha Flynn ra khỏi trường!

Trong sự tuyệt vọng, cha Flynn đã phải thốt lên rằng:“Có những lúc tôi thấy mình lạc lối trong đời... Đó là khi người ta nhân danh đạo đức để giết chết sự tử tế... Hãy nhìn qua ô cửa sổ. Bên kia là những người hạnh phúc. Bên này là chúng ta…”.

Một câu chuyện khác diễn ra vào năm 2012 tại Đan Mạch, câu chuyện xảy ra ở trường mẫu giáo, trong bộ phim The Hunt của đạo diễn Thomas Vinterberg.

Bộ phim The Hunt.
Bộ phim The Hunt.

Đó là khi Klara, cô bé gái 5 tuổi ở trường mẫu giáo, trong cơn giận dỗi đã nghĩ ra một câu chuyện tưởng tượng về thầy Lucas đã có những hành động giống như “quấy rối tình dục” với em. Thì tất cả mọi người trong trường học, gia đình, trong thị trấn đều tin đó là sự thật.

Hàng loạt phụ huynh khác bỗng thấy những đứa con của mình cũng có biểu hiện của việc bị quấy rối. Và họ thấy Lucas ngày càng giống kẻ tâm thần bệnh hoạn hơn. Tâm lý “đứng về phe kẻ yếu” khiến cho tất cả những người nghe câu chuyện đều phớt lờ mọi chứng cứ có thể minh oan cho Lucas. Họ muốn tin vào câu chuyện “Klara là nạn nhân của hiếp dâm”, họ tin nó là thật, và họ chỉ nhìn thấy điều họ muốn tin.“Tôi tin những đứa trẻ, chúng không biết nói dối” – Grether, cô hiệu trưởng trường mẫu giáo kết luận.

Những tin tức xấu cứ lan đi như một loại virus, được cộng hưởng bởi “hiệu ứng đám đông” và lòng trắc ẩn mơ hồ, tất cả như một cơn lốc xoáy, kéo tuột cuộc đời của Lucas xuống đáy vực sâu, anh bị đuổi việc, bị xa lánh, bị chửi rủa đánh đập, bị ném đá vào cửa sổ, bị giết mất chú chó thân thiết… Cảm giác hối lỗi và những cơn xúc động lan tỏa khiến cho cả thị trấn tấn công Lucas bằng đủ mọi cách. Thậm chí cho đến nhiều năm sau, Lucas vẫn không thoát được “bản án vô hình” mà những người xung quanh đã mặc định khoác lên số phận của anh. Vết nhơ ấy sẽ theo anh suốt phần đời còn lại.

The Doubt, The Hunt: Khi người ta nhân danh đạo đức để giết chết sự tử tế…

Vài thập kỷ đã trôi qua, nhưng dường như những câu chuyện như trong The Hunt, hay The Doubt ngày càng trở nên không còn xa lạ. Mọi việc trở nên bùng nổ hơn với sự xuất hiện của internet và mạng xã hội, khi những tin đồn lan nhanh hơn cả tốc độ của cơn gió cuốn những chiếc lông vũ. Mọi thứ đang lan nhanh với tốc độ của ánh sáng và công nghệ số.

Đó là khi bất cứ một tin tức tiêu cực nào cũng có thể nhấn chìm một con người, thậm chí chẳng cần bất cứ một bằng chứng nào, mà chỉ cần dựa trên “cảm giác” của một đám đông nào đó. Như một “bản án vô hình” có thể kéo cuộc đời của bất kỳ ai xuống đáy vực sâu mà chẳng cần bằng chứng hay sự kết luận của một tòa án nào.

Và khi mà thuật ngữ “Victim blaming” (thuật ngữ chỉ hành vi đổ lỗi cho nạn nhân - PV) đang ngày càng trở nên đáng “kinh tởm” và bị bài xích kịch liệt để chứng minh cho một tư duy xã hội văn minh và nhân ái, thì nguy cơ “sập bẫy” cảm xúc là điều hoàn toàn rất dễ xảy ra.

Những cảm xúc mù quáng khiến đám đông trở nên dễ bị rơi vào “cái bẫy của lòng trắc ẩn”. Như cha Flynn đã nói: “Ánh sáng trong tim con là một điểm yếu. Đừng tin vào nó. Đó là một chiến thuật cũ mà kẻ ác dùng để nhân danh đạo đức giết chết sự tử tế. Đừng quên thông điệp mà đấng cứu thế gửi cho chúng ta. Đó là tình người”.

Lòng tốt, sự thương cảm, lòng trắc ẩn hay khả năng đồng cảm… vốn là những món quà, những đức tính tuyệt vời của con người. Tuy nhiên, nếu nhân danh những điều tốt đẹp ấy để bỏ quên sự thật, để tấn công và đẩy một người vô tội vào bi kịch, thì đó là tội ác.

Lan Anh

“Nhẫn thạch” - bản nhạc buồn về số phận người phụ nữ

“Nhẫn thạch” - bản nhạc buồn về số phận người phụ nữ

“Nhẫn thạch” là nhan đề tiếng Việt của tiểu thuyết “Syngué Sabour” - tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Afghanistan Atiq Rahimi đã giành giải Goncourt vào năm 2008