Thế giới đã sẵn sàng mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19?

Một số doanh nghiệp vẫn lựa chọn áp dụng hộ chiếu vaccine và đeo khẩu trang là những biện pháp phòng dịch.

Thế giới đã trải qua hơn hai năm hứng chịu các làn sóng của đại dịch COVID-19. Với tỷ lệ bao phủ vaccine được cải thiện, nhiều nước và vùng lãnh thổ đang hướng tới việc sống chung với đại dịch và mở cửa hoàn toàn trở lại.

Tuy nhiên, nhiều nước vẫn chứng kiến số ca nhiễm mới theo ngày gia tăng mạnh và điều này cho thấy đại dịch chưa thể chấm dứt nhanh chóng.

  Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại Mỹ, dường như cuộc sống hối hả trở lại. Hai năm sau khi Mỹ thực hiện lệnh phong tỏa đầu tiên, nước này đang tiến tới nối lại các hoạt động như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bang này đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn bang vào ngày 19/3/2020,  thời điểm mà hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cuộc sống sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

Tuy nhiên, phải 24 tháng sau, người dân California cũng như người dân khác trên lãnh thổ Mỹ mới nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm", với những hạn chế được nới lỏng.

Tại Đại học Georgetown, bang Washington, nhiều hộp khẩu trang N95, loại sản phẩm y tế từng có giá trị, chưa phải dùng đến. Đây là dấu hiệu cho việc điều chỉnh các biện pháp kiểm soát dịch của giới chức địa phương này cũng như tại một số bang nước Mỹ.

Hiện cuộc sống của người dân đã gần trở về như trước đại dịch, tuy rằng một vài địa phương vẫn duy trì một số quy định y tế.

Tại Texas và Florida, hai bang thành trì của đảng Cộng hòa, thường hạn chế đưa ra quy định đeo khẩu trang. Ngay cả các bang thuộc phe Dân chủ, những nơi từng có quy định nghiêm ngặt về khẩu trang, cũng đã bỏ các quy định này. Ví dụ, New York và New Jersey đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín.

Dù đứng đầu thế giới về tổng số ca mắc và tử vong do COVID, số ca lây nhiễm theo ngày tại Mỹ đã giảm xuống còn 36.000 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 800.000 ca/ngày trước đó. Số ca bệnh phải nhập viện cũng giảm 75%.

Về phần mình, Anh hướng tới cách tiếp cận "nhẹ nhàng". Quy định cách ly đối với người mắc COVID-19 -biện pháp phòng dịch cuối cùng tại vùng England của nước Anh - đã hết hiệu lực từ cuối tháng 2.

Trước đó, Chính phủ Anh đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang tại những nơi công cộng như cửa hàng, phương tiện giao thông cộng cộng và khuyến cáo người dân làm việc từ xa. 

Phải nói rằng giới chức vùng England đã có cách tiếp cận "nhẹ nhàng" trong các biện pháp phòng dịch so với nhiều khu vực khác kể từ mùa Hè năm ngoái. Chính phủ Anh đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và khuyến cáo làm việc từ xa vào cuối năm 2021 - thời điểm làn sóng dịch bùng phát do biến thể Omicron.

Chính sách kiểm soát dịch của Chính phủ Anh dựa trên tỷ lệ tiêm vaccine của người dân. Tại vùng England, 95% trong số người trên 60 tuổi đã được tiêm mũi tăng cường. Chính nhờ điều này, dù số ca mắc mới gia tăng mạnh tại Anh do biến thể Omicron, song số ca tử vong giảm xuống mức tương đương với mức trong một mùa Đông bình thường.

Trong khi đó, tại Nam Phi, mọi hoạt động xã hội kinh tế đã gần như quay trở lại bình thường. Chính phủ nước này đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phong tỏa từ cuối tháng 12/2021, chấm dứt lệnh giới nghiêm vào ban đêm được thực hiện trong gần 2 năm qua.

Cuộc sống và hoạt động đã trở lại bình thường và các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ, song còn một quy định có hiệu lực, cho thấy COVID-19  vẫn tồn tại, đó là đeo khẩu trang tại tất cả khu vực công cộng.

Nhiều quốc gia đã dỡ bỏ các biện pháp chống dịch, trở lại cuộc sống bình thường (Nguồn: TTXVN)

New Zealand là một trong số quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, nhờ đó cuộc chiến chống dịch bệnh tại nước này đã ghi nhận kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, tỷ lệ lây nhiễm lại gia tăng, từ mức 1.000 ca/ngày lên mức hơn 20.000 ca/ngày.

Dù số ca mắc mới tăng, song số ca tử vong COVID-19 vẫn ở mức thấp với 120 ca kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, chủ yếu nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine lên tới 95% số dân trong diện tiêm chủng.

Hầu hết các biện pháp phòng dịch tại New Zealand đã được dỡ bỏ. Công dân hoặc thường trú nhân New Zealand đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể trở về nước mà không cần cách ly.

Du khách đến từ 60 quốc gia đáp ứng đủ điều kiện tương tự và chứng nhân âm tính với virus SARS-CoV-2 có thể nhập cảnh vào nước này.

Là một trong số quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất và nhanh nhất thế giới, Peru từng phải chứng kiến các bệnh viện bị quá tải và số ca tử vong tăng vọt. Sau hai năm, số ca lây nhiễm mới đã giảm cùng với việc các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng, giúp người dân trở về cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, Peru vẫn duy trì một số quy định bắt buộc như đeo khẩu trang và chứng nhận tiêm chủng. Điều này như một lời nhắc nhở rằng dịch bệnh vẫn còn.

Tại Canada, trong bối cảnh số ca nhiễm mới trên cả nước giảm mạnh, các địa phương nước này có cách tiếp cận riêng đối với việc đưa cuộc sống trở lại bình thường. Theo đó, kể từ tháng 4, hộ chiếu vaccine, vốn là điều kiện bắt buộc để được đi ăn tại nhà hàng hoặc các khu công cộng trong không gian kín, sẽ được dỡ bỏ tại các tỉnh của Canada.

Tuy nhiên, chứng nhận tiêm chủng vẫn là yêu cầu bắt buộc đối với nhân viên tại các cơ sở chăm sóc y tế. Quy định đeo khẩu trang cũng đang dần được nới lỏng, cả trường học.

Trong hầu hết thời gian đại dịch hoành hành, Canada thực hiện biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, trong đó có việc đóng cửa nhà hàng, phòng tập gym trong nhiều tháng.

Trong một số cuộc thăm dò mới đây, một số doanh nghiệp vẫn lựa chọn áp dụng hộ chiếu vaccine và đeo khẩu trang là những biện pháp phòng dịch bởi theo họ, đại dịch COVID-19 chưa thể sớm chấm dứt./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Giá thực phẩm tăng mạnh sau khi xăng lên gần 30.000 đồng/lít

Giá thực phẩm tăng mạnh sau khi xăng lên gần 30.000 đồng/lít

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1,42%. Nguyên nhân chính là giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới.