Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới

Biến chủng lai Deltacron đã được xác định tại một số vùng ở Pháp và dường như chúng bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay.

Ngày 15/3, Bộ Y tế Brazil báo cáo về hai trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron hay Deltacron. Đây là quốc gia mới nhất phát hiện ca nhiễm biến chủng lai Deltacron. Israel cũng ghi nhận ca nhiễm Deltacron đầu tiên. 

Deltacron là biến chủng chứa các yếu tố di truyền của Delta và Omicron. Ngày 11/3, Reuters dẫn một bài báo được đăng tải trên medRxiv và chờ phản biện của GS Philippe Colson, Viện Nghiên cứu IHU Mediterranee Infection, ở Pháp, mô tả 3 bệnh nhân ở Pháp bị nhiễm một phiên bản nCoV kết hợp protein gai từ Omicron và “xương sống” Delta. 

Sự nguy hiểm của biến chủng Covid-19 mới

Quá trình tái tổ hợp di truyền của nCoV ở người xảy ra khi hai biến chủng cùng vào một vật chủ. GS Colson cho biết: “Trong đại dịch Covid-19, 2 hoặc nhiều biến chủng có thể cùng lây lan trong một khoảng thời gian và ở cùng khu vực địa lý. Điều này tạo cơ hội cho hai biến chủng kết hợp lại”.

Theo GS Lawrence Young, Đại học Warwick, Anh: “Những tái tổ hợp này phát sinh khi nhiều hơn một biến chủng cùng lây nhiễm và tái tạo trong cơ thể một người. Deltacron là sản phẩm của hai biến chủng Omicron, Delta cùng lưu hành trong một quần thể”.

Những nơi đã phát hiện DeltacronTheo GISAID, biến chủng lai Deltacron đã được xác định tại một số vùng ở Pháp và dường như chúng bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay. Ngoài ra, các bộ gene với cấu hình tương tự cũng đã được xác định ở Đan Mạch, Hà Lan.

Tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các chuyên gia tìm thấy 2 ca nhiễm các phiên bản khác nhau của Deltacron. Ngoài ra, 20 trường hợp khác nhiễm cả Delta và Omicron cùng lúc. Đặc biệt, một F0 nhiễm cùng lúc 3 chủng Delta, Omicron và Deltacon. 

Trong khi đó, Cơ quan An ninh Y tế Anh cũng báo cáo khoảng 30 ca nhiễm chủng này. 

Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere thuộc Viện Pasteur, Anh, cảnh báo có thể có Delta và Omicron sẽ hình thành nhiều hơn một biến chủng lai. “Loài chúng tôi tìm thấy ở Pháp, Hà Lan, Đan Mạch rất giống nhau. Song, tại Mỹ và Anh, dường như chúng là sự kết hợp các mảnh khác nhau của virus cha mẹ. Do đó, nó khá khác biệt với Deltacron tại Pháp”, ông giải thích.

Thế giới lần đầu tiên được cảnh báo về Deltacron vào đầu tháng 1. Theo Bloomberg, người phát hiện ra biến chủng này là Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis, Đại học Cyprus, Cộng hòa Cyprus. Theo nghiên cứu từ GS Kostrikis, họ đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus.

Vị chuyên gia cho biết tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, họ đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh biến chủng tái tổ hợp không phải hiếm. Deltacron không phải trường hợp đầu tiên và cũng không phải chủng lai cuối cùng chúng ta sẽ thấy ở Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, số lượng ca nhiễm Deltacron vẫn rất nhỏ nêncác chuyên gia cho rằng vẫn chưa đủ dữ liệu để xác định mức độ nghiêm trọng hay hiệu quả của vaccine.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter, Đại học East Anglia, nhận định Deltacron không gây ra quá nhiều nguy cơ. Bởi đa số người dân đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm nCoV.

Ngày 11/3, WHO xác nhận sự xuất hiện của Deltacron và cảnh báo tình trạng lây lan ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm virus này mới dừng lại ở con số vài chục.

Thanh Mai

Động đất mạnh 7,3 độ Richter ở Fukushima, Nhật Bản phát cảnh báo sóng thần

Động đất mạnh 7,3 độ Richter ở Fukushima, Nhật Bản phát cảnh báo sóng thần

Trận động đất mạnh 7,4 độ richter xảy ra tại bờ biển phía đông bắc của Nhật Bản ngoài khơi Fukushima vào đêm 16/3 đã gợi nhắc những ký ức đau buồn về thảm họa kép động đất, sóng thần cũng xảy ra tại khu vực này hơn một thập kỷ trước đó.