Mới đây, SaigonBank đã áp dụng biểu lãi suất mới với việc điều chỉnh giảm 0,4 -0,7 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn gửi. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng giảm từ 4,3% xuống 3,6%; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,4% xuống 4%; kỳ hạn 6 tháng giảm từ 6,4% xuống 6%; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,6% xuống 6,2%; kỳ hạn 13 tháng giảm từ 7,1% xuống 6,6%; kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,6% xuống 6,2%.
Với việc điều chỉnh này, Saigonbank là ngân hàng tiếp theo đưa lãi suất huy động xuống dưới mức 7 %/năm. Trước đó, Saigonbank cũng đã có một đợt giảm lãi suất vào đầu tuần trước.
Từ ngày 28/8, Oceanbank cũng giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này đã giảm từ 7,3% về còn 6,8%, dành cho các kỳ hạn 18 – 36 tháng, theo hình thức gửi tiền online.
Ngân hàng Bản Việt vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 28/8 với việc giảm 0,3 điểm phần trăm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn này đã giảm từ 6,55 – 6,95 %/năm về còn 6,25 - 6,65 %/năm.
Ngoài ba ngân hàng trên, GPBank cũng thông báo giảm lãi suất huy động từ đầu tuần này với mức điều chỉnh 0,2 điểm phần trăm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Qua đó, đưa mức lãi suất cao nhất về còn 6,25%, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 13 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online.
Tuần qua đã có 22 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Trong đó, 4 ngân hàng gốc quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Các ngân hàng khác có mức giảm phổ biến trong khoảng 0,1 – 0,3 điểm phần trăm.
Sau các đợt giảm liên tiếp, hiện chỉ còn 3/34 ngân hàng trong nước được khảo sát còn niêm yết lãi suất huy động ở mức trên 7% là Dong A Bank, Nam A Bank và PvcomBank. Đồng thời chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng không còn quá rộng, theo Markettimes.
Ở các ngân hàng tư nhân nhỏ, mức lãi suất huy động cao nhất chủ yếu nằm 6,5 – 7%. Trong khi nhóm ngân hàng tư nhân lớn có mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 5,8 – 6,8 %/năm như: SHB (6,8%), Sacombank (6,5%), MB (6,6%), Techombank (6,3%), ACB (5,8%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,8 %/năm.
Sau 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn 6385/NHNN-CSTT đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu giảm lãi suất cho vay. Yêu cầu này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại văn bản này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2 %/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, theo NDO.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trước ngày 25/8 phải gửi báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới giải ngân.
Trước ngày 8/1/2024 các tổ chức tín dụng phải gửi báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.
(Tổng hợp)