Đầu năm 2020, khi Covid-19 lan khắp toàn cầu, các nhà nghiên cứu trong quá trình tìm hiểu về cơ chế miễn dịch trước nCoV đã tìm lại một thí nghiệm với virus corona thập niên 1980, Thí nghiệm này cho thấy nCoV có thể không biến mất hoàn toàn và thế giới phải học cách sống chung với Covid-19.
229E là chủng virus phổ biến trên thế giới, nhiều người từng nhiễm nó một lần trong đời, đặc biệt là trẻ em, nhưng triệu chứng cảm lạnh nhẹ. Trước khi nCoV xuất hiện, chỉ có 229E và ba chủng virus corona khác từng lây từ người sang người, tất cả 4 chủng đều gây triệu chứng như cảm lạnh.
Theo các nhà khoa học, có thể nCoV rồi cũng sẽ có những đặc điểm giống 4 họ hàng trước nó đó là dễ nhiễm và tái nhiễm, nhưng gây bệnh không đáng kể.
Hiện nay khi biến chủng Delta đang hoành hành ở cả nước giàu và các mô hình chống dịch từng thành công. Tuy nhiên, Sarah Zhang, bình luận viên của The Atlantic, nhận định rằng đại dịch cuối cùng sẽ chấm dứt, bằng cách này hay cách khác.
Khi thế giới đạt đủ khả năng miễn dịch, dù qua tiêm chủng hay bình phục sau nhiễm, đại dịch sẽ chuyển thành bệnh đặc hữu - căn bệnh mà khoa học chưa thể xóa sổ, nhưng sẽ không khiến cuộc sống chúng ta đảo lộn. Số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 rồi sẽ giảm nhờ tiêm chủng.
Tiêm vaccine thường kỳ có thể tăng cường hệ miễn dịch và giảm đáng kể rủi ro. Số ca nhiễm có thể lúc tăng lúc giảm, biến động theo mùa, nhưng những kịch bản xấu nhất sẽ không tái diễn, theo Zhang.
Với một đại dịch còn nhiều mới mẻ, bình luận viên này cho rằng con đường đến đích thực tế còn nhiều mơ hồ.
Trong giai đoạn này, các nước vẫn cần giữ cho hệ thống y tế không quá tải trong thời gian càng dài, xã hội có thêm càng có nhiều cơ hội thúc đẩy tiêm chủng. Zhang cũng chỉ ra rằng con người không thể tự định đoạt hoàn toàn tương lai thoát đại dịch và Covid-19 bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu, bởi điều này còn phụ thuộc vào những đột biến của nCoV.
Theo các nhà khoa học, điều đáng mừng là nCoV khó đột biến nhiều đến mức đẩy thành quả miễn dịch của thế giới về vạch xuất phát. Khả năng kháng lây nhiễm của cơ thể có thể giảm theo thời gian, nhưng các tế bào miễn dịch ngăn bệnh trở nặng sẽ tồn tại trong thời gian dài.
Theo các nhà khoa học, vaccine ngừa virus gây bệnh ở đường hô hấp hiếm khi ngăn chặn lây nhiễm triệt để, thường kích thích miễn dịch ở phổi nhiều hơn ở mũi. Những biến chủng mới đang khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm đi làm mục tiêu miễn dịch cộng đồng, hay xóa sổ nCoV, trở nên xa hơn trước.
Dù vậy, trong viễn cảnh Covid-19 là bệnh đặc hữu, số lượng vật chủ lây nhiễm sẽ không nhiều như hiện nay và phần lớn có miễn dịch cao, khiến khả năng đột biến của virus chậm lại.
Theo giới chuyên gia, con người rồi cũng phải học cách thay đổi suy nghĩ về Covid-19, không thể mãi trốn tránh virus và cần chuẩn bị tinh thần có thể chịu rủi ro lây nhiễm. Khi mọi người trong cộng đồng đều có miễn dịch, việc một người dương tính với nCoV sẽ trở thành điều bình thường.
Vấn đề là loài người hiện vẫn chưa đạt đến ngưỡng miễn dịch này để chấm dứt những tranh cãi. Sự thay đổi tâm lý sẽ cần thời gian và nỗ lực để xã hội thống nhất về mức độ rủi ro có thể chấp nhận được của Covid-19.
Các loại vaccine và thuốc điều trị tốt hơn có thể giúp kéo giảm nguy cơ từ Covid-19 hơn nữa, trong khi con người cũng nghiêm túc hơn với các biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang và thông khí.
"Chúng ta sẽ cần sống chung với thực tế đó. Chỉ cần virus không tác động lên toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được", Richard Webby, nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nghiên cứu Nhi đồng St. Jude, nhận định.
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (29-30/8): Cả nước mưa rào và dông
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 29-30/8, cả nước trời mát, mưa rào và dông chiều tối, có nơi mưa rất to, khu vực các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắc và Lâm Đồng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.