Các dự án bị lùi lịch ra hàng, các sàn giao dịch im ắng, nằm yên. Một thống kê cho thấy, có đến hàng ngàn sàn giao dịch tạm dừng giao dịch hoặc đóng cửa. Con số này đã cho thấy rõ nhất toàn cảnh thị trường giữa đại dịch.
Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đánh một đòn mạnh vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều phân khúc rơi vào cảnh “đóng băng” vì không có giao dịch.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quý I/2020 so với thời điểm cuối năm 2019, tổng dư nợ toàn ngành tăng 160,1 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên dư nợ tín dụng về bất động sản chỉ tăng 4,596 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng của dư nợ tín dụng là 0,88% giảm 3,48% so với cuối năm 2019.
Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, quý III/2020, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với quý II/2020 (trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,07%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%).
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý II/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,16%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,85%).
Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 0,26% so với quý II/2020. Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô, tạo ra sự tăng giá mạnh đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…
Giá nhà cao nguyên nhân chính xuất phát từ nguồn cung còn hạn chế. Không chỉ riêng năm 2020 mà vài năm trở lại đây, nguồn cung cũng đang có xu hướng chững lại ở một số phân khúc, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2020 chuyển động như đồ thị hình sin. Trong đó, giai đoạn đầu năm rơi vào cảnh ngủ đông, cho tới cuối năm đang bứt phá.
Nhiều nhà đầu tư nhận định đây là thời cơ và đã kiếm được không ít lợi nhuận nhờ tận dụng tốt cơ hội. Song, cũng có nhiều nhà đầu tư phải khóc ròng trước cơn sốt giá, khi đoán sai đỉnh của cơn sốt, bán ra rồi không mua lại được, hoặc mua lại chính khu đất mình bán trước đó với giá cao hơn.
Những năm gần đây, thị trường thiếu sản phẩm giá vừa túi tiền 1-2 tỷ đồng/căn, với tình hình này thì phân khúc bình dân sẽ tiếp tục khan hiếm. Điều đó có nghĩa, người mua ở thực sẽ ngày càng khó sở hữu nhà đất. Đó là bất ổn cho thị trường vì mục tiêu cuối cùng của bất động sản là giải quyết được bài toán an cư cho người dân.
Nhiều số liệu thống kê cho thấy sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, các hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ. Doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường chững lại, nhiều nhà đầu tư cũng đứng yên, thận trọng nghe ngóng, chờ thời.