Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ

Thị trường nông sản hôm nay ghi nhận giá cà phê, cao su, hồ tiêu suy giảm mạnh cả thị trường trong nước và quốc tế do ảnh hưởng của đồng USD.

Giá cà phê hôm nay

Giá cà phê hôm nay dao động trong khoảng 40.900 - 41.400 đồng/kg. Tại Lâm Đồng: 40.900 đồng/kg, Đắk Lắk: 41.500 đồng/kg, Đắk Nông: 41.400 đồng/kg, Gia Lai: 41.400 đồng/kg, Kon Tum: 41.500 đồng/kg. Thị trường cà phê trong nước hôm nay giảm sâu tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10, giá cà phê robusta tiếp tục kéo dài xu hướng giảm. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm mạnh 73 USD (3,75%), giao dịch tại 1.875 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 69 USD (3,57%), giao dịch tại 1.864 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình khá.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York giảm mạnh. Kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm mạnh 6,05 Cent (3,26%), giao dịch tại 179,75 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 5,20 Cent/lb (2,85%), giao dịch tại 177,3 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ - Ảnh 1.

Giá cà phê arabica kỳ hạn trên sàn ICE mở rộng mức lỗ lên 1,92 USD/pound.

Giá cà phê giảm mạnh hiếm thấy trong bối cảnh thị trường hàng hóa đa phần bị nhấn chìm trong sắc đỏ, trong đó có các mặt hàng nông sản do lo ngại suy thoái kinh tế và lãi suất cho vay tăng cao tác động tiêu cực tới cả nhu cầu mở rộng sản xuất của người bán và nhu cầu tiêu thụ của người mua.

Áp lực giảm của giá cà phê robusta còn được củng cố khi đồng VND xuống gia mạnh so với USD sẽ kích thích nguồn cung robusta từ Việt Nam ra thị trường thế giới tăng mạnh, bất chấp số liệu tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn London vẫn ghi nhận giảm. 

Theo phân tích kỹ thuật, giá cà phê arabica đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 tháng và các chỉ số kỹ thuật cho tín hiệu động lượng giảm vẫn còn nếu vẫn không có thông tin tích cực nào hỗ trợ. Tuy nhiên không loại trừ khả năng sớm xuất hiện nhịp điều chỉnh tăng phục hồi kỹ thuật do giá đã vào vùng quá bán khá sâu.

Đối với thị trường arabica, đồng Real của Brazil tiếp tục đà giảm so với USD, góp phần làm giá cà phê arabica bị bán tháo, giảm mạnh hơn cà phê sàn London. Tồn kho cà phê đạt chuẩn sàn New York tính tới ngày 24/10 giảm, đạt 23.341 tấn. Trong khi, thông tin ước đoán về vụ mùa bội thu sắp tới của Brazil nhờ thời tiết mưa gió thuận lợi tiếp tục là yếu tô kìm hãm đà phục hồi của giá cà phê arabica. Nhưng cũng không loại trừ đây chỉ là cái cớ của giới đầu cơ nhằm ép giá xuống.

Thời điểm này, vùng Tây Nguyên sẽ bước vào vụ thu hoạch cà phê. Trong những tháng cuối năm, giá cà phê được dự báo tiếp tục đi lên. 

Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu 4 tỷ USD đặt ra trong năm nay.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê nửa đầu tháng 10 đạt 36.156 tấn, lũy kế 9,5 tháng đầu niên vụ tăng 11,05% lên 23,01 triệu bao. Về giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh 35,45% tương đương 3,16 tỷ USD. 

Thông tin này phản ánh nguồn cung dồi dào của cà phê robusta nên giá robusta lại có 1 pha trượt dài. Theo phân tích kỹ thuật, lần thứ 2 giá xuyên thủng thành công mốc 2.000 USD, trong khi các chỉ số kỹ thuật hiện tại vẫn đưa tín hiệu động lượng giảm vẫn còn.

Giá tiêu hôm nay

Giá tiêu liên tục giảm do đồng USD duy trì cở mức cao ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Giá tiêu cao nhất ở ngưỡng 59.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 56.500 đồng/kg tại Gia Lai.

Giá tiêu tại Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H'leo): 57.500 đồng/kg, Bình Phước: 58.500 đồng/kg, Đồng Nai: 57.0000đồng/kg.

Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ - Ảnh 2.

Hôm qua, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã niêm yết giảm giá tiêu xuất khẩu của Indonesia, và giữ nguyên ở những thị trường khác. Như vậy liên tiếp các tuần qua giá tiêu thế giới cùng giảm. Nguyên nhân chính vẫn do đồng USD duy trì cở mức cao ảnh hưởng đến xuất khẩu. Trong khi nhu cầu thế giới chưa có sự cải thiện, và vụ thu hoạch mới đang đến gần ở Việt Nam.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thông tin thêm, thị trường Mỹ cho thấy lượng giao dịch ít và khó tăng do tình hình lạm phát toàn cầu tiếp tục bất ổn. Đầu tháng 10/2022, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có tăng nhưng chưa được như kỳ vọng.

16 ngày đầu tháng 10 năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 7.158 tấn hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,2 triệu USD. Olam, Pearl, XNK Logistics, Phúc Sinh là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong tháng. Trung Quốc, Singapore, Mỹ, HongKong là các thị trường nhập khẩu chủ yếu trong 16 ngày đầu tháng 10/2022.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50-60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường.

Theo các chuyên gia, áp lực của lãi suất vốn vay sẽ khiến nhiều nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái, đã buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và nhà đầu tư cắt giảm danh mục đầu cơ, làm giá tiêu không ngừng sụt giảm, có thể kéo dài đến vụ mùa năm 2023.

Giá cao su hôm nay

Giá cao su kỳ hạn hôm nay đảo chiều giảm toàn thị trường tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 2/2023 ghi nhận mức 220 yen/kg, giảm 1,26%, giảm 2,8 yen/kg. Kỳ hạn cao su tháng 11, 1/2023 vẫn giữ nhịp tăng nhẹ, kỳ hạn 12/2022 đi ngang, kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 1,71%.

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2022 đứng ở mức 11.275 nhân dân tệ/tấn, giảm 1,01%, giảm 115 nhân dân tệ/tấn.

Giá cao su Thượng Hải hôm nay giảm trở lại ở các kỳ hạn tháng 1/2023, tháng 3/2023, tháng 4/2023, tháng 5/2023 ở mức trên dưới 1%.

Thị trường nông sản chìm trong sắc đỏ - Ảnh 3.

Cao su giảm 56 US Cents/kg hay 31,41% kể từ đầu năm 2022.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 9 cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm 4,1% trong tổng lượng nhập khẩu của nước này.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 7 tháng đầu năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 518,37 nghìn tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng và tăng 46% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Thái Lan, Nga, Indonesia, Hà Lan và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, nhập khẩu cao su của Thổ Nhĩ Kỳ từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 9 cho Thổ Nhĩ Kỳ với 20,79 nghìn tấn, trị giá 46,24 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 4,01%, thấp hơn mức 4,3% của 7 tháng đầu năm 2021.

Về chủng loại nhập khẩu: Trong 7 tháng đầu năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, nhập khẩu các mặt hàng này đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 184,76 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 399,4 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thái Lan, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Việt Nam và Malaysia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý, nhập khẩu cao su tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ từ các thị trường này đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Thổ Nhĩ Kỳ, với 20,77 nghìn tấn, trị giá 46,2 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 21,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 11,2%, thấp hơn mức 11,5% của 7 tháng đầu năm 2021.

HÀ MY