Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Tạp chí Phụ nữ Mới, Thạc sĩ - Bác sĩ Dương Ánh Kim - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã chia sẻ về những nguy cơ khi mang thai sau 35 tuổi và những câu chuyện xúc động không có trong bất kỳ giáo trình y khoa nào.
![]() |
Thạc sĩ - Bác sĩ Dương Ánh Kim - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM |
Phóng viên (PV): Phụ nữ tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM, ngày càng có xu hướng mang thai muộn. Bác sĩ nhận định gì về tình trạng này?
ThS.BS Dương Ánh Kim: Đây là một xu hướng thực tế và phản ánh rõ những thay đổi trong lựa chọn sống, công việc và lối sống của phụ nữ hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Phụ nữ ngày nay có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn do tập trung phát triển học vấn, sự nghiệp, tài chính hoặc chưa tìm thấy sự ổn định trong cuộc sống cá nhân.
Tuy nhiên, về mặt y khoa, điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều sản phụ rơi vào nhóm "thai phụ lớn tuổi" tức mang thai từ 35 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, cơ thể người phụ nữ bắt đầu giảm khả năng sinh sản tự nhiên, đồng thời nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ cũng cao hơn, từ bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi đến các bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, nhau tiền đạo, sinh non…
Điều tôi muốn nhấn mạnh là, sinh muộn không có nghĩa là không tốt, nhưng càng cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đừng để tuổi tác trở thành rào cản, nếu bạn có kế hoạch khoa học và sự đồng hành từ đội ngũ y tế chuyên sâu.
![]() |
Bác sĩ Dương Ánh Kim cùng ê-kíp trong ca trực chuyên môn. |
PV: Xu hướng sinh con sau 35 tuổi ngày càng phổ biến. Theo bác sĩ, điều này mang lại những nguy cơ gì và cần lưu ý gì về mặt y khoa?
ThS.BS Dương Ánh Kim: Hiện nay, ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn sinh con muộn hơn, do muốn tập trung cho học tập, sự nghiệp, tài chính hoặc đơn giản là chưa tìm được thời điểm phù hợp để làm mẹ. Tuy nhiên, trong y khoa, phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên được xếp vào nhóm thai phụ lớn tuổi, đồng nghĩa với việc nguy cơ xảy ra các biến chứng sản khoa cũng tăng lên rõ rệt.
Một số nguy cơ đáng lưu ý như: Tăng tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể (như hội chứng Down, Edwards, Patau); nguy cơ sảy thai tự nhiên cao hơn, ước tính khoảng 20% ở tuổi 35 và tăng theo độ tuổi; nguy cơ mắc các bệnh lý thai kỳ như tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nhau tiền đạo, nhau bong non. Sau sinh, thai phụ cũng dễ gặp phải các biến chứng như băng huyết sau sinh, rối loạn co hồi tử cung.
Do đó, với nhóm thai phụ lớn tuổi, việc theo dõi sát sao, tầm soát sớm và có kế hoạch chăm sóc toàn diện là điều vô cùng cần thiết.
![]() |
Thạc sĩ – Bác sĩ Dương Ánh Kim, chuyên Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản khoa và điều trị hiếm muộn. |
PV: Vậy để có một thai kỳ an toàn, phụ nữ trên 35 tuổi cần chuẩn bị như thế nào, thưa bác sĩ?
ThS.BS Dương Ánh Kim: Đầu tiên, phụ nữ trong nhóm tuổi này cần thăm khám tiền thai kỹ lưỡng trước khi mang bầu. Việc này bao gồm kiểm tra tổng quát các chỉ số sức khỏe: Tim mạch, huyết áp, chức năng gan thận, nội tiết (đái tháo đường, tuyến giáp) và tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục (STIs).
Tiếp theo là xét nghiệm di truyền sớm. Cụ thể, từ tuần thứ 10, thai phụ nên làm xét nghiệm NIPT, một phương pháp không xâm lấn nhằm sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể. Từ tuần 11 đến 14, cần thực hiện đo độ mờ da gáy kết hợp double test để tăng độ chính xác. Nếu có chỉ định, chọc ối từ tuần 16-18 sẽ giúp chẩn đoán xác định các rối loạn nhiễm sắc thể.
Ngoài ra, tầm soát đái tháo đường thai kỳ sớm là vô cùng quan trọng. Thay vì chờ đến tuần 24-28 như thông thường, thai phụ có yếu tố nguy cơ (như lớn tuổi, béo phì, tiền sử gia đình) nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose từ tuần 12-16.
Từ tuần 28 trở đi, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ nguy cơ thai chậm tăng trưởng (IUGR), siêu âm Doppler động mạch rốn và động mạch não giữa nếu cần thiết. Cùng với đó, việc kiểm tra huyết áp, xét nghiệm protein niệu định kỳ để phát hiện sớm tiền sản giật cũng không thể bỏ qua.
Tôi luôn nhấn mạnh rằng: Tuổi không phải là rào cản tuyệt đối để làm mẹ, nhưng cần sự chuẩn bị kỹ càng, theo dõi sát và đồng hành chặt chẽ từ đội ngũ y tế chuyên sâu.
PV: Trong quá trình làm nghề, bác sĩ từng đồng hành với rất nhiều ca sinh đặc biệt. Có câu chuyện nào khiến bác sĩ không thể nào quên?
ThS.BS Dương Ánh Kim: Có rất nhiều câu chuyện mà đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Một trong số đó là trường hợp của một sản phụ trẻ, từng mất đứa con đầu lòng vì bệnh tim bẩm sinh. Khi mang thai lần thứ hai, ở tuần thứ 8, chị phát hiện bị ung thư vú. Giữa ranh giới sống, còn của chính mình và đứa con, chị quyết định giữ lại thai. Trong suốt thai kỳ, chị vừa hóa trị, vừa phẫu thuật, vừa chịu đựng đủ nỗi đau thể xác và tinh thần.
Đến tuần 37, bé chào đời khỏe mạnh trong tiếng khóc đầu tiên. Khoảnh khắc da kề da giữa mẹ và con khiến tôi nghẹn ngào. Lần đầu tiên trong đời làm nghề, tôi tự tay cầm máy ảnh chụp trọn vẹn ca sinh ấy như một lời tri ân thầm lặng với tình mẫu tử thiêng liêng và nghị lực phi thường của người mẹ.
PV: Điều gì giữ ngọn lửa nghề y trong bác sĩ vẫn cháy sáng sau bao thử thách, mất mát?
ThS.BS Dương Ánh Kim: Chính là từ những bệnh nhân, những người mẹ, người phụ nữ tôi gặp mỗi ngày. Mỗi người trong họ là một cuốn sách sống, dạy tôi về lòng kiên cường, tình yêu, sự hy sinh, và cả niềm tin vào sự sống.
Tôi từng đồng hành ba năm với một cô giáo nhỏ bé, điều trị hiếm muộn với hồ sơ bệnh án dày cộm, từ nạo dính buồng tử cung đến chuyển phôi nhiều lần không thành. Em luôn giữ nụ cười lạc quan dù cơ thể yếu, áp lực tài chính, gia đình đè nặng. Nhưng rồi tai nạn bất ngờ đã cướp em đi khi ước mơ làm mẹ chưa kịp thành hiện thực. Đọc lại những tin nhắn em từng gửi, tôi không cầm được nước mắt. Em đã dạy tôi rằng: Làm nghề này không chỉ để chữa bệnh, mà để yêu thương và trân trọng từng sinh mệnh nhỏ bé.
Tôi luôn tâm niệm rằng: Làm bác sĩ giỏi là chưa đủ, cần một trái tim biết đồng hành và sẻ chia. Vì mỗi người mẹ tôi gặp là một người thầy, dạy tôi sống nhân ái và yêu nghề hơn mỗi ngày.
ThS - BS Nguyễn Thị Minh Hiền và hành trình lan tỏa nụ cười yêu thương
Hành trình gieo mầm yêu thương từ nụ cười của ThS - BS Nguyễn Thị Minh Hiền đã lan tỏa giá trị nhân văn, giúp thương hiệu Nha khoa Adora ngày càng tạo được niềm tin với khách hàng.