Thủ tướng Trung Quốc: "Chúng tôi xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài"

Trong một bài phát biểu ngày 2/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết sẽ tạo một sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài tại đây.

Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường nhằm mục đích để giải quyết các khiếu nại của Mỹ về việc Trung Quốc đối xử không công bằng với các công ty nước ngoài nằm ở trung tâm của cuộc xung đột thương mại. Tuy nhiên mức độ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hành động theo những lời hứa về quyền tự do kinh tế vẫn là một câu hỏi rất lớn.

Trước khi cuộc gặp ở Osaka giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ mở cừa nền kinh tế, hoặc cải cách tính công bằng với công ty nước ngoài. Nhưng tất cả chỉ là nói suông, vì vậy Mỹ đã áp dụng nhiều lệnh áp thuế để cảnh cáo Trung Quốc.

"Bây giờ chúng ta cần để cho các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, miễn là họ được đăng ký tại Trung Quốc, đều được công nhận là công ty Trung Quốc, tất cả đều được đối xử bình đẳng", ông Lý Khắc Cường phát biểu trong Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Ông Lý Khắc Cường đã đưa ra ví dụ về cách Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm thuế, phí trị giá gần 2.000 tỷ Nhân dân tệ (300 tỷ USD) trong năm nay cho cả ba loại doanh nghiệp, theo bản dịch của CNBC.

Trước đó, Mỹ và các công ty nước ngoài khác từ lâu đã phàn nàn rằng chính phủ Trung Quốc dành sự ưu ái cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn thuộc sở hữu của Nhà nước. Bất chấp những tuyên bố về cải cách và mở cửa kinh tế trong bốn thập kỷ qua, Bắc Kinh thường yêu cầu các công ty nước ngoài thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc - và buộc họ phải chia sẻ công nghệ có giá trị - để hoạt động tại nước này.

Những doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, đóng góp vào phần lớn tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, cũng phàn nàn về khả năng tiếp cận tài chính không công bằng so với các doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu của ông Lý Khắc Cường được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thỏa thuận vào cuối tuần qua để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại. Các cuộc đàm phán đã trở nên tồi tệ hơn vào đầu tháng 5, nhưng tại cuộc họp bên lề cuộc họp G-20 ở Osaka, Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ tiếp tục tìm cách tiến về phía trước.

"Cộng đồng doanh nghiệp muốn có mối quan hệ hữu ích với Trung Quốc", ông Charles Freeman, Phó chủ tịch cấp cao châu Á tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNBC hôm 1/7. "Chúng tôi nghĩ rằng mối quan hệ thương mại tốt là nền tảng cho sức khỏe của mối quan hệ. Nhìn chung, thoả thuận vào ngày 29/6 vừa rồi mang lại cảm giác khá tốt".

Căng thẳng thương mại giữa thế giới 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài hơn một năm. Cả hai quốc gia đã đánh thuế đối với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD lẫn nhau. Mỹ cũng đã đưa công ty công nghệ Huawei vào danh sách đen cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Nhưng vào ngày 29/6 vừa rồi, Trump cho biết ông sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei.

Trong bài phát biểu hôm 2/7, Lý Khắc Cường đã đưa ra danh sách những cách mà ông cam kết Trung Quốc sẽ mở cừa nền kinh tế cho các công ty nước ngoài. Bao gồm:

  • Dỡ bỏ các hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài đối với chứng khoán và các công ty bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó.
  • Mở cửa trong lĩnh vực sản xuất cho đầu tư nước ngoài, giảm bớt các hạn chế vốn chủ sở hữu nước ngoài trong ngành công nghiệp ô tô.
  • Dần dần giảm các ngành công nghiệp ngoài giới hạn đầu tư nước ngoài.

MINH TUẤN

theo Tin 24h

Mỹ-Trung thỏa thuận đình chiến trước thềm hội nghị G-20

Mỹ-Trung thỏa thuận đình chiến trước thềm hội nghị G-20

Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý với một thỏa thuận đình chiến trong cuộc chiến thương mại giữa hai bên để nối lại các cuộc đàm phán ở Hội nghị G-20.