Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, chủ động phòng ngừa sự cố và giải thích rõ khi có sự cố.
Trong điều kiện khan hiếm vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau. Hiện Việt Nam có khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều (gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triều liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí (cost share).); tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine.
Cơ quan này sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, các tổ chức để có thêm các nguồn vaccine cho Việt Nam.
Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng.
Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.