Tiki và Sendo sẽ về chung một nhà?

Trang tin Dealstreetasia mới đây dẫn nguồn tin cho hay, hai trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Sendo.vn và Tiki.vn đang tính chuyện sáp nhập. Trong khi đó lãnh đạo hai trang từ chối bình luận về thông tin trên.

Trước thông tin sáp nhập trên truyền thông trong và ngoài nước, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Tiki phản hồi: "Tiki xin khẳng định chính sách của Tiki là không bình luận với các tin đồn trên thị trường". 

Phía Sendo cũng chưa đưa ra bình luận chính thức nhưng thông thường, các nền tảng thương mại điện tử hiếm khi phát ngôn trước các thông tin rò rỉ.

Cả hai bên đều chưa đưa ra phản hồi về việc xác nhập về chung một nhà
Cả hai bên đều chưa đưa ra phản hồi về việc xác nhập về chung một nhà

Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Tiki.vn vẫn đang cần vốn để phát triển. Tháng 3/2019 Tiki đã gọi vốn được 75 triệu USD dẫn dắt bởi Northstar Group. Tuy nhiên, công ty này vẫn tiếp tục các vòng gọi vốn khác, được cho là lên đến 100 triệu USD.

Trong khi đó, Sendo vừa nhận khoản đầu tư 61 triệu USD từ năm ngoái. Đây cũng là sàn thương mại điện tử Việt Nam duy nhất có giấp phép thanh toán trung gian tính đến thời điểm hiện tại.

Cuối năm 2019, thị trường vốn dành cho các công ty khởi nghiệp toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề sau các thương vụ đầu tư tăng trưởng nóng của quỹ Vision, mà chống lưng là SoftBank (Nhật Bản).

Ông Joshua Agusta, một giám đốc tại Mandiri Capital Indonesia cho rằng, rất khó để gọi vốn trong thời gian này, đặc biệt đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á sau sự sụp đổ của WeWork, nền tảng văn phòng dùng chung.

Trước đó ông Jeffrey Paine thuộc quỹ Golden Gate Ventures dự đoán rằng, các công ty công nghệ có thể huy động vốn trước quý ba năm 2020, sau đó thì sẽ khó khăn hơn. Ông Paine dự đoán các khoản đầu tư của Mỹ sẽ đổ vào các doanh nghiệp một cách có chọn lọc và chủ yếu vào giai đoạn phát triển cuối của vòng đời các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Các quỹ sẽ không mặn mà với các công ty khởi nghiệp hướng đến người tiêu dùng, điển hình như thương mại điện tử”, vị này nói.

Giờ đây, sau tác động kinh tế của dịch bệnh do vi rus corona, theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có thể làm thiệt hại lên đến 3.000 tỷ USD, việc gọi vốn cho các doanh nghiệp công nghệ càng khó hơn. Tiki nhiều khả năng không là ngoại lệ. 

Đối với Tiki, tính đến cuối năm 2018, tổng số lỗ lũy kế là gần 1.400 tỉ đồng, còn Sendo lỗ gần 1.300 tỉ đồng. Cả 2 đều liên tục phải tìm kiếm các vòng gọi vốn để có nguồn tiền duy trì hoạt động khi mà mức độ "đốt" tiền vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Việc xác nhập thành một sẽ tạo ra nhiều thành công cũng như là thách thức trong việc cạnh tranh với các dối thủ còn lại 
Việc xác nhập thành một sẽ tạo ra nhiều thành công cũng như là thách thức trong việc cạnh tranh với các dối thủ còn lại 

Việc hợp tác là hoàn toàn có thể, do thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị áp đảo bởi Shopee (Singapore) và Lazada (Trung Quốc). Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Online cho hay, Shopee năm ngoái xử lý 1 triệu đơn hàng giao mỗi ngày, Lazada là 700.000 đơn. Sendo.vn, Tiki.vn dao động ở mức 500.000 - 600.000 đơn/ngày.

Bên cạnh đó, các đơn vị này liên tục được tăng vốn từ công ty mẹ. Năm 2017, Aliababa đã rót thêm 2 tỷ USD cho Lazada Group, nâng tổng đầu tư lên 4 tỷ USD. Còn Sea cũng rót vốn vào Shopee ở Đông Nam Á, con số này trong năm 2018 là hơn 800 triệu USD.

Theo báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á  2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. 

Theo đó, dư luận rất hi vọng cú "bắt tay" sẽ tạo ra một công ty mới có tiềm lực mạnh mẽ, đủ sức đấu với hai đối thủ ngoại trên cơ là Lazada và Shopee. Đồng thời, cả Tiki và Sendo đều bớt đi được một đối thủ mạnh.

Tuy nhiên, quá trình sáp nhập sẽ tương đối rắc rối và mất nhiều thời gian vì hai mô hình hoàn toàn khác biệt. Tiki, hoạt động theo mô hình Marketplace, tức mở sàn cho các cửa hàng và chính Tiki đứng ra kinh doanh, công ty cũng đang tự quản lý hệ thống kho bãi, giao nhận. Trong khi đó, Sendo là nền tảng kết nối người bán, người mua, đơn vị giao nhận, thanh toán.

PHƯỢNG LÊ (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương