"Tôi từng bị bạo lực học đường, nhưng tôi may mắn hơn vì luôn có người sẵn sàng đứng lên bảo vệ công lý"

Sẽ luôn có người đứng về phía bạn, bảo vệ bạn khỏi bạo lực học đường, vậy nên đừng sợ mà hãy lên tiếng.

01. Tôi từng bị bắt nạt học đường

Tôi từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Thật ra, tôi đã bị bắt nạt vào cuối năm lớp 8, bây giờ tôi học lớp 9. Vào đầu năm lớp 8, tôi thích nghe nhạc hiphop và ăn mặc phá cách - một điều được coi là khác biệt so với những bạn nữ khác.

Từ những lời ra tiếng vào, những cái lườm huýt dần dà họ càng… “lưu manh” hơn. Cả hội “nữ sinh sành điệu” này hành hạ tôi bằng cách, cứ đến tiết sinh hoạt cuối tuần là họ lại “vu khống” tôi với cô chủ nhiệm rằng tôi mắc lỗi để tôi bị phạt trực nhật cả tuần. Vì một thành viên trong nhóm bắt nạt đấy là người chuyên phụ trách kiểm tra lỗi, bắt lỗi và tổng hợp lỗi nên khi thấy vậy, cô giáo không hề mảy may nghi ngờ. Và đã có thời điểm, tôi đã phải trực nhật lớp cả tháng dù chẳng mắc lỗi gì. 

Khi không “buộc tội” được tôi thì họ bắt đầu tấn công bằng ngôn từ. Nhiều lần chẳng may lướt qua họ, thì tất cả đám con gái đấy lại che mũi lại như thể tôi là một thứ “không được sạch sẽ”. Rồi họ phá hỏng đồ đạc, vẽ bậy vào sách của tôi mỗi khi tôi không để ý.

Lúc đầu tôi nghĩ mình vẫn may hơn khối người vì không bị… đánh. Nhưng sau khoảng thời gian dài chịu đựng những màn tấn công tâm lý của họ, tôi hiểu rằng thà bị đánh một trận cho xong. Chứ cứ âm ỉ kiểu này, vết thương lòng trong tôi còn đau hơn cả triệu lần vết thương thể xác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

02. Tôi chọn cách không nói với ai chỉ vì tôi… sợ

Không phải ai trong lớp cũng ghét tôi, nói đúng hơn chỉ có nhóm “nữ sinh sành điệu” kia không ưa tôi. Dù trong lớp tôi có một cô bạn thân tên M., nhưng mỗi lần thấy tôi bị đổ oan, M. cũng không dám lên tiếng, vì sợ chăng - giống tôi?

Đỉnh điểm, những bạn nữ kia vu khống cho tôi “thuê” người đứng trước cổng trưởng để “dằn mặt” họ trước mặt cô giáo. Họ có 5-7 cái miệng cùng lúc, một mình tôi làm sao có thể phản ứng lại. Lúc này, tôi uất nghẹn đến mức không thể giải thích một câu nào trước cô giáo. Tất cả cảm xúc dồn nén bao lâu bỗng dưng tôi òa lên khóc.

Tôi đã thua cuộc thật rồi khi phải khóc trước mặt nhóm nữ sinh đó. Tôi nhớ, lúc ra về, cả đám còn nhại lại tiếng khóc của mình, vừa cười cợt, mỉa mai. Một đứa còn nói lớn: “Mày về mách mẹ là chết với bọn tao”.

Với lời cảnh cáo đó, tôi sợ, sợ lắm. Tôi phải làm sao?

03. Tôi phải làm sao để vượt qua?

Tôi đã từng cảm thấy vô cùng cô độc, chỉ dám trốn trong bóng tối khóc một mình rất nhiều lần. Bạn thân thì nhút nhát không dám đứng lên bảo vệ tôi, giáo viên chủ nhiệm thì chỉ nghe ý kiến từ một chiều. Nhưng tôi không trách họ vì cũng chẳng lý do gì mà họ phải can thiệp vào câu chuyện của tôi, tôi trách chính mình!

Cách duy nhất tôi có thể làm vào thời điểm đó là trải lòng vào những trang nhật ký. Đây là nơi tôi có thể tự do lên án về những hành động của họ. 

Dù lúc ở trường bị bắt nạt như thế nào, nhưng về nhà tôi vẫn cố tỏ ra không có chuyện gì xảy ra. Một phần vì tôi không muốn mẹ lo lắng, một phần là vì tôi nhớ đến lời cảnh báo chí mạng của họ: “Mày về mách mẹ là chết với bọn tao”. 

Nhưng “giấu đầu thì hở đuôi”, mẹ tôi bắt đầu phát hiện ra những bất thường trong tôi vì một người bình thường và một người cố tỏ ra bình thường quả thực rất khác nhau.

Lúc đầu tôi vẫn chối bay chối biến trước những lời gặng hỏi của mẹ. Tôi chưa sẵn sàng mở lòng mình ra. Nhưng một câu nói của mẹ khi ấy đã làm cảm xúc bị dồn nén trong tôi tuôn chào, mẹ nói: “Con là tài sản quý giá nhất của mẹ, nếu con gặp vấn đề gì hãy nói với mẹ, mẹ sẽ bảo vệ con bằng mọi giá”.

Sau câu nói đó của mẹ, tôi đã khóc. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, như đứa trẻ con bị giật mất món đồ chơi mà nó yêu thích bởi một đứa trẻ khác. 

Câu nói duy nhất mà tôi có thể thốt lên khi ấy: “Con sợ, mẹ ạ”. Rồi sau đó, tôi mang quyển nhật ký mà tôi đã dùng để viết tội trạng của những kẻ đã bắt nạt mình ra cho mẹ đọc. Quyển nhật ký này như bằng chứng không thể chối cãi về những hành động man rợ của họ. Tôi đã thu thập đủ rồi, tôi sẽ mang cho mẹ đọc - vị “luật sư” của tôi.

Đọc xong, mẹ đã khóc rất nhiều. Rồi mẹ ôm tôi và nói: “Mẹ xin lỗi con. Mẹ hứa sẽ không bao giờ để ai có thể làm tổn thương con gái của mẹ nữa đâu”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

04. Mẹ đã bảo vệ tôi

Hôm sau, mẹ dậy từ rất sớm để đưa tôi đến trường. Chưa bao giờ tôi thấy tự tin như vậy bởi tôi biết rằng dù có chuyện gì xảy ra, mẹ sẽ luôn bảo vệ tôi.

Đầu tiên, mẹ gặp giáo viên chủ nhiệm để kể toàn bộ sự tình. Cô giáo lúc đầu tỏ ra vô cùng bất ngờ, từ trạng thái bất ngờ cô tỏ ra bất bình khi đọc những lời tôi viết trong nhật ký.

Vào giờ ra chơi, cô có gọi những kẻ từng bắt nạt tôi lên phòng để nói chuyện riêng. Lúc đầu, họ chối bay chối biến nhưng cuối cùng thì cũng nhận tội bởi không chỉ có những dòng nhật ký của tôi, mà ngay lúc này tôi còn có cả người bạn thân nhất của mình là M. cũng đứng lên để “vạch tội” họ. Dù M. không dám đứng lên bảo vệ tôi vào những lúc bị đổ oan, nhưng M. nhắn tin động viên tôi nhiều lắm. Tôi không hề trách M. vì bạn cũng sợ giống tôi mà!

Cô giáo bắt họ viết cam kết sẽ không được “động” đến tôi và đưa ra những hình phạt với họ. 

05. Tôi đã vượt qua mọi chuyện!

Đúng thật là kể từ sau thời điểm đó, họ không còn bắt nạt tôi nữa. Họ đã để tôi yên để sống một cuộc quãng đời học sinh vô lo, vô nghĩ đúng nghĩa.

Tôi tự hỏi, sẽ ra sao nếu mẹ không phát hiện ra tôi bị bắt nạt? 

Từ câu chuyện của mình, tôi muốn nói rằng khi bị ai đó bắt nạt, bạn không bao giờ cô đơn. Trong trường hợp của mình, tôi có M., có mẹ luôn sẵn sàng dang tay giúp đỡ. Vậy nên, đừng im lặng khi bị bắt nạt, cũng đừng phản kháng một cách mù quáng, mà hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, gia đình và nhà trường. Hãy tin rằng bạn không bao giờ phải chịu đựng một mình đâu, hãy nói ra nhé!

Đông - Design: Huyền Trang

Ranh giới giữa bạo lực học đường và bạn bè “đùa cho vui” nằm ở đâu? Đáp án cảnh tỉnh tất cả mọi người

Ranh giới giữa bạo lực học đường và bạn bè “đùa cho vui” nằm ở đâu? Đáp án cảnh tỉnh tất cả mọi người

Với kẻ bắt nạt, đó là trò đùa vui. Còn với nạn nhân, đó là cơn ác mộng.