TP.HCM thêm 23 ca nghi COVID-19, liên quan ổ dịch Hội thánh Phục Hưng đã có hon 240 bệnh nhân

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), đến trưa nay thành phố ghi nhận thêm 23 ca nghi mắc COVID-19 cộng đồng, trong đó 18 ca liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.

Trong 23 trường hợp mới ghi nhận, 7 người ngụ quận Gò Vấp, 6 trường hợp thuộc quận Bình Thạnh, có 2 ca tại Tân Bình, 3 ca tại quận 12.  TP Thủ Đức, Bình Tân, quận 8, Bình Chánh mỗi nơi ghi nhận 1 ca. Ngoài ra còn 1 trường hợp khác mới nhận kết quả từ phòng xét nghiệm, đang xác minh thông tin.

Theo HCDC, 20 trong số 22 quận, huyện của thành phố đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19, chỉ còn lại quận 11 và huyện Cần Giờ. Nhiều tỉnh khác cũng đã ghi nhận các ca nhiễm, liên quan các ca cộng đồng TP.HCM như Long An, Bình Dương, Trà Vinh, Đăk Lăk, Bạc Liêu, Tây Ninh...

6(2).jpg

Ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng lớn nhất từ trước đến nay. Tổng ca nhiễm, nghi nhiễm cộng đồng tại TP.HCM trong 7 ngày qua là 242 (Bộ Y tế đã công bố 219 trường hợp, 23 trường hợp mới ghi nhận, đang chờ Bộ công bố).

Để ứng phó đợt dịch này, thành phố đã huy động lực lượng toàn ngành y tế thành phố tham gia lấy mẫu xét nghiệm, với công suất trung bình 100.000 người mỗi ngày (khoảng 20.000 mẫu gộp). Xét nghiệm được triển khai tầm soát diện rộng để đánh giá nguy cơ hiện nay tại cộng đồng.

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đêm 1/6, thành phố đã lấy mẫu trên 25.000 trường hợp tại khu Công nghệ cao - TP Thủ Đức. Dự kiến ngày 3 - 4/6, ngành y tế tiếp tục lấy mẫu khoảng 10.000 công nhân, để đảm bảo 100% công nhân làm việc tại khu Công nghệ cao được tầm soát COVID-19.

Đây là một trong các hoạt động quan trọng để rà soát, đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các Khu công nghiệp/Khu chế xuất, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất của thành phố

Tách đôi bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để điều trị COVID-19

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lên kế hoạch tách đôi, một phần tách biệt hẳn với  nửa còn lại để điều trị bệnh nhân COVID-19, quy mô đến 700 giường bệnh.

Theo đó, một nửa bệnh viện (tính theo chiều dọc) tách biệt hẳn với một nửa còn lại, với cổng vào riêng, những khối nhà riêng (đã được bố trí những buồng áp lực âm, giường hồi sức, các buồng bệnh thông thoáng không dùng điều hòa trung tâm…) và cả khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán COVID-19.

Ngoài ra, 2 bệnh viện chuyên tiếp nhận trẻ em là Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng dành các khối nhà độc lập (khoa nhiễm) chỉ chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ bố trí một khoa hồi sức chuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc tách đôi bệnh viện là một mô hình khá thành công của Hàn Quốc trong ứng phó với đại dịch COVID-19: Chuyển đổi chức năng một số bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 và tách đôi một số bệnh viện để một nửa trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng hô hấp.

HẢI MY