Trách nhiệm của kiểm lâm Thanh Hóa khi để rừng Hàm Rồng bị tàn phá?

Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa chỉ cách khu vực rừng đặc dụng Hàm Rồng chưa đầy 10km, nhưng rừng vẫn bị tàn phá tới 13 lần chỉ trong hơn 2 năm.

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, nạn tàn phá rừng, ô nhiễm môi trường....là nguyên nhân dẫn tới vấn nạn thiên tai. Trong đó, thiên tai lũ lụt gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản đối với nước ta. Đặc biệt là các tỉnh dọc miền trung. 

Một trong những giải pháp quan trọng phòng ngừa thiên tai, đang được Đảng, nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm đó là công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Thế nhưng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hiện nay vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Trong đó, thời gian qua theo các phương tiện truyền thông, báo chí đưa tin thì tại Thanh Hóa vẫn để xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng.

Thanh Hóa từ năm 2017 – 2020, tại khu vực rừng tự nhiên nằm trên địa bàn xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân liên tiếp xảy các vụ phá rừng nghiêm trọng được rất nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm lại tỏ ra thụ động trong việc nắm bắt, phát hiện thông tin về các hành vi phá rừng tại địa bàn trên.

Hình ảnh khu vực rừng tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân bị lâm tặc tàn phá thời điểm tháng 4/2020
Hình ảnh khu vực rừng tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân bị lâm tặc tàn phá thời điểm tháng 4/2020

Nhiều trường hợp người dân địa phương khi chứng kiến cảnh tượng rừng bị tàn phá, thay vì trực tiếp thông báo lực lượng kiểm lâm, lại chọn cách cung cấp thông tin cho báo chí vào cuộc. Khi các cơ quan báo chí điều tra, phản ánh những sai phạm về nạn phá rừng, đại diện cho lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa thường đưa ra lý do như: “Do nhân sự ít, địa phận quản lý rừng rộng, khó khăn cho việc kiểm tra. Trong khi, các đối tượng lâm tặc lợi dụng thời điểm vào ban đêm, mưa gió để hoạt động.....”. 

Thế nhưng, tại khu vực rừng đặc dụng Hàm Rồng, nằm ngay tại TP. Thanh Hóa chỉ cách Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa chưa đầy 10km vẫn xảy ra 13 vụ phá rừng.

Mới đây, phóng viên phụ nữ mới được tiếp cận văn bản báo cáo của Sở NNNT tỉnh Thanh Hóa, gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về vụ việc phá rừng đặc dụng Hàm Rồng. Nội dung văn bản trên, thống kê rất rõ ràng về hành vi 12 lần phá rừng đặc dụng Hàm Rồng của ông Lê Văn Đông. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 11/2020.

Ông Lê Văn Đông đã có 12 lần vi phạm. Trong đó, 01 lần (01 vụ ngày 01/6/2018) đã được Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định xử phạt VPHC số 4860/QĐ - XPHC ngày 18/6/2018; số tiền phạt 40 triệu đồng, tịch thu 3,312 m3 gỗ keo, nhưng đến nay ông Lê Văn Đông vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt.

Hình ảnh rừng đặc dụng Hàm Rồng bị tàn phá do phóng viên chụp lại mới đây
Hình ảnh rừng đặc dụng Hàm Rồng bị tàn phá do phóng viên chụp lại mới đây

Tất cả các vụ vi phạm của Lê Văn Đông, đều đã được kiểm tra, lập biên bản vi phạm; UBND tỉnh Thanh Hóa, các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn còn có tồn tại.

Tiếp đến, ngày 10/11/2020, ông Lê Văn Đông tiếp tục phá rừng và cản trở người thi hành công vụ, ông Trịnh Huy Triều, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hoá phải trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo, lập biên bản đồng thời cho tháo dở rào chắn mà đối tượng chủ động dựng lên.

Bức xúc trước tình trạng phá rừng trên, một số người dân sống ở làng cổ Đông Sơn, cho biết: “Hành vi phá rừng của ông Đông ngày càng nghiêm trọng, thế mà lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương lại tỏ ra bất lực. Điều đó, khiến chúng tôi hoài nghi về thông tin có người đứng sau “chống lưng” giúp ông Đông, nên ông này mới ngang nhiên vậy. Việc đốn hạ cây nhằm dọn chỗ để tới đây một khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp sẽ được “mọc” lên?”.

Rừng đặc dụng Hàm Rồng là lá phổi xanh giữa lòng TP Thanh Hoá. Đây còn là khu vực thuộc sự quản lý nhà nước của Ban Quản Lý (BQL) Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng có giá trị văn hoá, tâm linh đặc biệt. Chính vì vậy, rừng đặc dụng Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa đã được Chính Phủ đưa vào diện quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Những sự việc nêu trên, để thấy được trách nhiệm của kiểm lâm Thanh Hóa đối với công tác bảo vệ rừng. Bởi kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước có chức năng bảo vệ rừng, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên đã đến liên hệ làm việc với Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa. Thế nhưng, sau gần 1 tháng gửi giấy giới thiệu của tạp chí phụ nữ mới tại đây. Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa vẫn “bặt vô, âm tín”.

Về phía UBND phường Hàm Rồng và BQL khu di tích lịch sử Hàm Rồng thì lãnh đạo các cơ quan cho biết, sự việc trên thuộc thẩm quyền xử lý của lực lượng kiểm lâm. Các đơn vị này chỉ phối hợp kiểm tra nên không thể trả lời cụ thể.

 

NGUYỄN THUẤN

 Thanh Hóa: Bắt quả tang nhiều “hot girl” đang sử dụng ma túy tại quán karaoke

Thanh Hóa: Bắt quả tang nhiều “hot girl” đang sử dụng ma túy tại quán karaoke

Công an thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) vừa bắt quả tang nhóm nam nữ đang sử dụng ma túy bên trong một quán karaoke trên địa bàn.