Chị Minh Hạnh, cư ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, không chỉ trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng, mà ngay cả mạng lưới chợ truyền thống cũng đã bắt đầu kinh doanh phổ biến mặt hàng trái vải. Hàng năm, gia đình cứ háo hức chờ đợi đến mùa này để được thưởng thức trái vải của miền Bắc.
Còn anh Hoàng Huy, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, đánh giá mặt hàng trái vải năm nay khá ngon và giá cả không tăng đáng kể so với năm ngoái. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố còn thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá nên người tiêu dùng được hưởng lợi.
Khảo sát thực tế ở mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM như chợ Tân Định, Thị Nghè, Hòa Hưng, Phạm Văn Hai, Xóm Chiếu, An Đông... mặt hàng trái vải được bán buôn dao động ở mức giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Riêng trong trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng, mặt hàng trái vải được bán với giá ưu đãi là 19.000 - 28.000 đồng/kg.
Ở góc độ nhà bán lẻ, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, dự báo trong mùa vải năm 2020, hệ thống Big C & GO! trên toàn quốc sẽ tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải Lục Ngạn - Bắc Giang, gấp 3 lần sản lượng tiêu thụ vải năm ngoái. Big C & GO! còn dành vị trí đẹp nhất để quảng bá trái vải; đồng thời, áp dụng hàng loạt chương kích cầu mua sắm đặc biệt.
Chiều 10/6/2020, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM ( Saigon Co.op ) công bố, chỉ sau 8 giờ ra mắt trên ví điện tử MoMo, chương trình “ Ủng hộ nông sản Việt ” đã có hàng trăm giao dịch đặt mua thành công hơn 8 tấn trái vải. Ảnh: TTXVN. |
Tại Big C & GO! cũng đang áp dụng chương trình mua 1 tặng 1 (bó trái vải) thay vì khuyến mãi, giảm giá cho mặt hàng trái vải. Song song đó, Big C & GO! giới thiệu đến khách hàng một số món ăn và thức uống như chè vải rau câu, chè vải hạt sen, thạch rau câu vị vải, kem mút vải, nước trái vải, vải chiên xù… góp phần mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn.
Không chỉ mặt hàng trái vải, mà hiện tại thị trường TP.HCM còn bán buôn sôi động những mặt hàng trái cây được nhập về từ Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Tây Nguyên... Trong đó có thể kể đến một số sản phẩm đặc sản như nhãn xuồng có giá bán phổ biến là 40.000 đồng/kg, măng cụt 50.000 đồng/kg, thăng long 15.000 đồng/kg, bơ 35.000 đồng/kg, đào 25.000 đồng/kg...
Theo chị Nguyễn Hằng, thương nhân chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây đặc sản miền Tây, vào thời điểm này thì những sản phẩm được thị trường ưa chuộng và sức mua tăng gấp 2, 3 lần so với thời điểm bình thường là sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm... Bởi những sản phẩm này, không chỉ có giá thành cạnh tranh do đang vào mùa thu hoạch, mà thói quen người Việt trước giờ vẫn quan niệm trái cây đúng mùa mới ngon và an toàn.
Một số thương nhân khác chỉ ra rằng, hiện nay xu hướng tiêu dùng tại thị trường TP.HCM đã thay đổi khá nhiều so với thời điểm năm 2019. Cụ thể, người dân ưu tiên lựa chọn kênh mua sắm online và giao hàng tận nhà. Đây cũng chính là nguyên nhân hầu hết nhà bán lẻ hay đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ đều phải tham gia cuộc đua bán hàng giao tận nơi.
Điển hình, các cửa hàng, tiểu thương kinh doanh trái cây đặc sản đã và đang nỗ lực len lõi vào những khu dân cư, nhóm cộng đồng dân cư trên mạng xã hội như zalo, facebook... để tiếp thị hàng hóa và nhận đơn hàng online. Thông qua đó, nhiều đơn vị duy trì được hoạt động bán buôn và tăng doanh số so với với việc chỉ bán buôn theo phương thức truyền thống.
Liên quan đến bán hàng online, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho hay, đơn vị này đã phối hợp ví điện tử MoMo tổ chức chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” diễn ra từ nay đến ngày 30/6. Đây là lần đầu tiên Saigon Co.op triển khai hoạt động này, nhằm ủng hộ nông sản thực phẩm gặp khó sau dịch bệnh.
Chính vì vậy, bất kỳ người dân nào có sử dụng ví điện tử MoMo đều có thể đặt mua hai mặt hàng, gồm: trái vải và gạo ST Xuân Hồng với giá ưu đãi, sau đó hàng sẽ được giao tận nhà của khách hàng. Trong giai đoạn đầu, vải thiều Lục Ngạn và gạo ST Xuân Hồng áp dụng giao tại khu vực TP.HCM.
(Nguồn: TTXVN)