Trong vòng hai tuần, ba trong bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kêu gọi các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc . Yêu cầu đưa doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc của các nền kinh tế hàng đầu thế giới càng bị thôi thúc, sau cú sốc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do nước này đóng cửa vì dịch COVID-19.
Hôm thứ ba, ủy viên thương mại Liên minh châu Âu Phil Hogan cho biết, EU sẽ có những bước đi thích hợp nhằm giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau đại dịch.
Nhật Bản đã đưa ra gói 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quay về sản xuất trong nước hoặc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á. |
Nhật Bản tuần trước đã không ngần ngại công bố một quỹ trị giá 2,2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp quay về sản xuất trong nước hoặc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á. Kế hoạch này của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhằm tránh để lập lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong các tình huống xấu như đại dịch COVID-19 hiện nay.
Những toan tính của EU và Nhật Bản đã tác động tới Mỹ. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow đã kêu gọi chính phủ nên hỗ trợ chi phí cho các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc. Theo ông, đại dịch COVID-19, xét về khía cạnh tích cực, sẽ đem lại lợi ích về việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có kế hoạch chính thức khuyến khích doanh nghiệp trở về nước.
Trước khi đại dịch bùng phát, nhiều công ty của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, do chi phí tăng và tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện nay, khi đại dịch hoành hành đã làm lộ rõ sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Trong đó đặc biệt quan trọng là các sản phẩm y tế. Điều đó khiến áp lực đối với chính phủ các nền kinh tế lớn trong vấn đề đưa doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc càng gia tăng.
Đối với Trung Quốc, cuộc tháo chạy của các doanh nghiệp nước ngoài đặt ra thách thức to lớn. Trong khi cuộc đối đầu của Trung Quốc với Mỹ không phải là vấn đề mới, thì xung đột trong quan hệ với Nhật Bản vừa tan băng. Do đó, gói hõ trợ doanh nghiệp rút sản xuất về nước của Tokyo đã khiến Bắc Kinh lo lắng.
Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities và cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cho rằng, việc các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rút đi sẽ đặt ra một thách thức nghiêm trọng và lâu dài đối với Trung Quốc.