Trung Quốc từng kết hợp dùng đông y để điều trị Covid-19 ở Vũ Hán

Các chuyên gia đông y cho rằng độ ẩm và khí lạnh có thể giúp virus lây lan, nên việc giữ ấm là chìa khóa kiểm soát dịch bệnh.

Những ngày đầu dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, chính phủ nước này đã chú trọng việc dùng đông y và tây y để điều trị. Ngày 21/1/2020, nhóm chuyên gia đông y đầu tiên đặt chân đến tâm dịch Vũ Hán. Giám đốc Bệnh viện Đông y Bắc Kinh sau khi thăm khám cho gần 100 bệnh nhân đã kết luận nguyên nhân gây ra Covid-19 là “thấp tà” (nghĩa đen: sự ẩm thấp xấu), tức sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể, theo China Daily.

Ngày 22/1/2020, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố kế hoạch điều trị và chẩn đoán Covid-19 phiên bản thứ 3, trong đó bao gồm gợi ý kê đơn thuốc đông y. Sau đó 5 ngày là công bố phiên bản thứ 4 để bổ sung công thức đông y cụ thể cùng liều lượng.

Trung Quốc từng kết hợp dùng đông y để điều trị Covid-19 ở Vũ Hán

Nhóm 8 bệnh nhân đầu tiên được điều trị kết hợp đông y và tây y đã rời bệnh viện Jinyintan tại Vũ Hán vào ngày 3/2/2020. Sau đó 10 ngày, Trung Quốc kêu gọi tăng cường kết hợp đông - tây y, để đưa đông y vào sâu hơn. 

Ông Liu cho biết các bác sĩ Trung Quốc đã ứng dụng một số phương pháp điều trị phương Tây, bao gồm thở oxy, để kéo dài thời gian cho bệnh nhân tự xây dựng lại hệ miễn dịch. Theo ông, nguyên tắc chữa trị của đông y không phải là tiêu diệt virus, mà là tăng cường hệ miễn dịch và sức kháng cự. 

Đầu tháng 6/2020, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc công bố sách trắng với tựa đề “Cuộc chiến chống Covid-19: Trung Quốc hành động”. Trong đó nêu thuốc và các bài thuốc thảo dược Trung Quốc đã được dùng để điều trị cho 92% bệnh nhân Covid-19 toàn quốc.

Cục Quản lý Thuốc đông y quốc gia Trung Quốc (NATCM) cũng công bố 3 bài thuốc và 3 loại thuốc được chứng minh có hiệu quả trong chữa trị virus corona được NATCM khuyến cáo sử dụng cho mỗi tình trạng bệnh khác nhau.

Tong Xiaolin, nhà nghiên cứu chính tại Viện Khoa học Trung y Trung Quốc, cho biết trong số 1.261 bệnh nhân Covid-19 tại 10 tỉnh sử dụng các chỉ dẫn nói trên, 1.102 người hồi phục, 71 người có cải thiện, và không trường hợp nào trở nặng.

Dù vậy, đông y chưa thuyết phục được phương Tây về hiệu quả điều trị Covid-19. Đông y có hiệu quả chữa cúm và SARS, nhưng hiện chưa có đủ chứng cứ thử nghiệm có hiệu quả điều trị Covid-19, chuyên gia nhận định.

“Có tiềm năng, nhưng chứng cứ lâm sàng còn khá yếu do thiếu dữ liệu lâm sàng”, Lu Weidong, giảng viên y khoa thuộc Đại học Y Harvard, nhận định. “Cần thêm nhiều cuộc thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để xác định công hiệu của thảo dược Trung Quốc (trong điều trị Covid-19)”, theo South China Morning Post.

Ông Lu cho rằng chỉ thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên mới có thể thiết lập quan hệ nhân quả giữa liệu pháp điều trị và kết quả.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng 1/2020, ít nhất 170 thử nghiệm lâm sàng đã được đăng ký tại Trung Quốc để khám phá độ hiệu quả của đông y trong điều trị Covid-19, trong đó có cả nghiên cứu của Chung Nam Sơn, chuyên gia y tế hàng đầu tại Trung Quốc. Nghiên cứu này xem xét tác động của một loại viên hoàn được điều chế từ 12 thành phần thảo dược như hoa kim ngân, bạc hà, cam thảo... có tác dụng cải thiện tốc độ hồi phục tế bào lympho và bạch cầu.

Dù vậy, ông Lu chỉ ra rằng trong nghiên cứu này, mọi người tham gia là bệnh nhân thể nhẹ. Chỉ số tác động của Phytomedicine - con số thể hiện mức độ quan trọng của tạp chí này đối với ngành y - cũng chỉ là 4,3, mức tương đối thấp. Còn theo The Lancet, tạp chí y khoa lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới, có chỉ số tác động là 60,4.

Ngoài ra nghiên cứu của ông Chung không xem xét hiệu ứng giả dược. Nguyên nhân của hiện tượng này được cho là yếu tố tâm lý, như kỳ vọng hoặc niềm tin của người bệnh vào thuốc.

“Hiệu ứng giả dược có thể rất mãnh liệt”, Cheng Yung-chi, giáo sư dược lý học thuộc Trường Dược, Đại học Yale, nói với South China Morning Post.

Thanh Mai

Sức mua tại các siêu thị giảm sau khi TP.HCM thực hiện việc phát phiếu mua hàng cho người dân

Sức mua tại các siêu thị giảm sau khi TP.HCM thực hiện việc phát phiếu mua hàng cho người dân

Thị trường thực phẩm hôm nay 27/7 sức mua tại các hệ thống siêu thị giảm do TP.HCM áp dụng biện pháp hạn chế ra đường sau 18h hàng ngày và phát phiếu mua hàng cho người dân.