'Tự kỷ' hay 'những người quá nhạy cảm': sự xung đột giữa bản ngã và xã hội

Một mình chưa hẳn là “cô độc” mà một mình có khi còn là “mạnh mẽ” khi ta có thể tìm được niềm vui với chính mình.

Anh bảo “Em như Xmen, quá nhạy cảm”. Tôi hỏi “Điều đó có phải là thứ đem lại hạnh phúc không?”. Anh nói “Tuỳ theo cách em nhìn”.

Có rất nhiều năm tháng, tôi đã mang đau khổ vì điều đó.

Sáu tháng tuổi biết nói.

Thêm vài tuổi đã biết nói từ 1-100 bằng tiếng Anh chỉ việc nghe lỏm hàng xóm nói và ghép từ.

Bảy tuổi đọc tiểu thuyết.

10 tuổi làm thơ.

Nhưng, tám tuổi tôi đã tự tử lần đầu. Tôi là một đứa trẻ bị tự kỷ. Một đứa trẻ mà đến giờ ăn lại chui tọt xuống gầm bàn, mỗi một muỗng cơm mà mút đến hàng giờ liền. Chẳng ai hiểu điều gì đang xảy ra với tôi. Những người thân thường xuyên la mắng tôi làm “mạt nhà”. Những người hàng xóm trêu chọc con không cha. Họ không biết là những điều đó khiến tôi vô cùng tự ti, vô cùng tổn thương.

'Tự kỷ' hay 'những người quá nhạy cảm': sự xung đột giữa bản ngã và xã hội

Có một buổi tối khi mọi người đã ngủ say, tôi ngồi một mình trước cửa phòng ngủ và bắt đầu nhét cát vào miệng, vì tôi cho rằng như vậy sẽ chết. Những giọt nước mắt liên tục tuôn rơi vì sự cô độc, sự lạc loài, chẳng ai thấu hiểu.

Những năm tháng về sau, tâm lý tôi lại chuyển biến đầy đủ đặc tính mà y học cho là ADHD với sự bốc đồng và “mất tập trung” hoặc “tập trung cao độ”. Tôi luôn gặp rắc rối trong các mối quan hệ và nó khiến tôi sống trong những năm tháng trầm cảm nặng nề với ý muốn được giải thoát khỏi thế giới hiện tại, nơi mà tôi không thuộc về.

Cho đến một ngày tôi phát hiện ra những biểu hiện “tự kỷ” hay “ADHD” đều có mối quan hệ mật thiết với đặc tính “nhạy cảm cao”. Trên thế giới hiện nay có một nhóm người gọi là người nhạy cảm cao. Theo TS Tâm lý học người Mỹ Elaine Aron thì nhóm người này chiếm 15-20% dân số thế giới.

Cái gọi là “mất tập trung” thực ra vì họ có ADN khác biệt, khiến não bộ nhận quá nhiều thông tin cùng lúc gây nên tình trạng quá tải và không biết nên xử lý cái nào trước, cái nào sau. Họ đều là những người có đời sống tinh thần đẹp đẽ. Yêu thiên nhiên, yêu động vật và thấu hiểu cảm xúc của chúng, yêu nghệ thuật. Họ có thể “đọc vị” con người và biết ai nói dối, vì thế mà dễ bị tổn thương, vì thế mà dễ mắc các vấn đề mà y học hiện tại cho rằng “rối loạn tâm thần” khi coi trọng cảm xúc của bản thân.

Cách trị liệu luôn là để họ được sống gần thiên nhiên và nghệ thuật, kèm một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho một cơ thể quá mẫn cảm với mọi thứ xung quanh từ thức ăn, mùi vị, tiếng động, thời tiết... Và dĩ nhiên một liệu pháp vô cùng quan trọng là Thiền.

Tôi viết điều này cho bản thân mình và những người như tôi, những người mà mang tư duy “out of the box” vì những cảm nhận về cuộc sống khác biệt.

Có những năm tháng tôi đã bị ghét bỏ vì điều đó, trong khi thật hài hước, tôi lại không hiểu sao những người kia không sâu sắc và lãng đãng như tôi.

Mọi vấn đề tâm lý đều là sự xung đột giữa “bản ngã” và “xã hội”.

Mọi con người sinh ra đều khác biệt và ai cũng mong muốn có thể sống hạnh phúc với sự khác biệt của mình.

Một mình chưa hẳn là “cô độc” mà một mình có khi còn là “mạnh mẽ” khi ta có thể tìm được niềm vui với chính mình.

Để những người như tôi có thể bước ra thế giới ngoài kia, hãy nắm lấy tay họ và cho họ tin rằng trên đời này có những người như họ thuộc về số ít nhưng hạnh phúc. Như là tôi, một cô bé từng có những năm tháng sợ hãi cuộc đời, không giao tiếp cùng ai, đã chiến thắng chính mình mà yêu cảm giác được nói trước đám đông bằng tất cả trái tim.

Vân Anh

Hãy biết ơn những khổ đau để trân trọng hơn những yêu thương trong đời

Hãy biết ơn những khổ đau để trân trọng hơn những yêu thương trong đời

Hạnh phúc sẽ đến khi trong tim ta vẫn không ngừng nuôi hi vọng bằng những mơ mộng thẳm sâu những bất cần ngoài kia…