Từng nhường lại thị trường khổng lồ, châu Âu giờ 'lên cơn sốt tìm vàng', chạy đua hòng bắt kịp Trung Quốc

Việc tinh chế lithium – thứ cần thiết cho pin ô tô điện – ở châu Âu sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc.

Theo tờ The Guardian, nó được gọi là “cơn sốt vàng mới” – cuộc chạy đua bắt kịp Trung Quốc trong việc sản xuất và tinh chế những vật liệu cần thiết trong mọi thứ từ máy tính đến ô tô.

  Thị trấn Bitterfeld-Wolfen, phía tây nam Berlin, Đức, là nơi đặt nhà máy do AMG Lithium xây dựng. Ảnh: The Observer

Thị trấn Bitterfeld-Wolfen, phía tây nam Berlin, Đức, là nơi đặt nhà máy do AMG Lithium xây dựng. Ảnh: The Observer

'Mọi người đều muốn tiếp cận với lithium'

Nằm sâu bên trong một thị trấn Đông Đức cũ là những thành quả đầu tiên trong kế hoạch lớn của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm “giảm thiểu rủi ro” và thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu cho cuộc cách mạng xanh. Tại Bitterfeld-Wolfen, cách Berlin 140km về phía tây nam, công ty AMG Lithium đang nỗ lực hoàn thành việc xây dựng một nhà máy rộng lớn và sẽ là nhà máy đầu tiên ở châu Âu cung cấp lithium loại pin.

Theo The Guardian, hiện đang có một cuộc chạy đua trên khắp châu Âu để vừa khai thác kim loại mềm màu trắng bạc này, vừa sản xuất dạng tinh chế của nó: lithium hydroxit - thành phần chính trong pin cung cấp năng lượng cho ô tô điện, robot hút bụi và điện thoại di động.

Stefan Scherer - Giám đốc điều hành AMG Lithium - cho biết: “Mọi người đều muốn tiếp cận với lithium. Đây có thể là lý do tại sao người ta gọi nó là vàng trắng, vì nó giống như một cơn sốt tìm vàng... Hầu như không có công ty kinh doanh nguyên liệu thô nào mà không quan tâm đến lithium. Nó quá hấp dẫn.”

  Stefan Scherer - Giám đốc điều hành của AMG Lithium tại nhà máy mới ở Bitterfeld-Wolfen, nơi dự kiến sản xuất loại pin lithium đầu tiên ở EU vào cuối năm nay. Ảnh: The Observer

Stefan Scherer - Giám đốc điều hành của AMG Lithium tại nhà máy mới ở Bitterfeld-Wolfen, nơi dự kiến sản xuất loại pin lithium đầu tiên ở EU vào cuối năm nay. Ảnh: The Observer

Theo The Guardian, EU nhận ra rằng họ đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc về nhiều nguyên liệu thô quan trọng, 16 trong số đó hiện được Brussels liệt kê là ưu tiên trong chiến lược công nghiệp mới được đưa ra nhằm bảo vệ nền kinh tế của khối và đạt được mục tiêu đầy tham vọng là giảm lượng phát thải khí nhà kính ròng ít nhất 55% vào năm 2030.

Sự phụ thuộc này cũng khiến các nhà sản xuất ô tô Đức và châu Âu khác lo ngại. Thị trường nội địa của họ hiện đang bị đe dọa bởi ô tô chất lượng tốt của Trung Quốc và sự kiểm soát của Trung Quốc trong việc xử lý lithium.

Mối lo ngại lớn đến mức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng các nhà sản xuất lớn bao gồm Volkswagen và BMW sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc.

Vị thế dẫn đầu của Trung Quốc

Theo The Guardian, nguồn cung cấp lithium hiện bị chi phối bởi 5 quốc gia, với phần lớn khoáng sản được khai thác ở Australia và Chile, nhưng chính Trung Quốc mới là quốc gia giành được nguyên liệu thô và trở thành nhà cung cấp lithium tinh chế có vị thế thống trị.

“Bây giờ họ là trung tâm toàn cầu. Điều này mang lại cho họ đòn bẩy kinh tế - hay nói một cách thẳng thắn hơn là phương tiện ép buộc kinh tế”, một nguồn tin giấu tên của EU cho biết.

Sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1980 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình nhận xét: “Trung Đông có dầu mỏ. Chúng tôi có đất hiếm.”

Nguyên liệu đất hiếm từng được tìm thấy rất nhiều ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhưng các nhà đầu tư ở những khu vực này đã rút lui khỏi hoạt động khai thác, vốn bị coi là ngành công nghiệp bẩn thỉu và tốn kém, nhường lại thị trường khổng lồ cho Trung Quốc, để nước này trở thành trung tâm đất hiếm toàn cầu như ngày nay.

Lithium là một chất màu trắng bạc trông giống như tinh thể đường ở dạng khô. Ảnh: AMG Lithium
Lithium là một chất màu trắng bạc trông giống như tinh thể đường ở dạng khô. Ảnh: AMG Lithium

“Lithium và đất hiếm đã thay thế khí đốt và dầu mỏ trong nền kinh tế của chúng ta [EU]. Đến năm 2030, nhu cầu của chúng ta đối với những kim loại đất hiếm đó sẽ tăng gấp 5 lần. Chúng ta phải tránh rơi vào tình trạng phụ thuộc như dầu khí”, bà Von der Leyen cảnh báo vào năm ngoái.

Vì vậy, theo Peter Handley - Trưởng phòng Công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng và Nguyên liệu thô của EC, EU đã bắt đầu thúc đẩy các nỗ lực mở rộng quy mô công nghệ xanh bằng “Đạo luật Nguyên liệu thô Quan trọng”, được thông qua vào đầu năm nay “trong thời gian kỷ lục”.

Đạo luật này nới lỏng các quy định viện trợ của khối để cạnh tranh với “Đạo luật giảm lạm phát” của Mỹ và đặt ra các mục tiêu khai thác lithium ở châu Âu cũng như tái chế các sản phẩm, chẳng hạn như điện thoại, có chứa lithium.

Hữu Hiển

Iran tuyên bố phát hiện trữ lượng lithium nhiều thứ 2 thế giới

Iran tuyên bố phát hiện trữ lượng lithium nhiều thứ 2 thế giới

"Lần đầu tiên một trữ lượng lithium đã được phát hiện ở Hamedan - một tỉnh miền núi ở phía Tây Iran", Mohammad Hadi Ahmadi, một quan chức của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Thương mại Iran, cho biết trên truyền hình nhà nước vào hôm thứ Bảy (4/3).