Tưởng được nâng cấp lên sim 4G, nhiều người mất sạch tiền trong tài khoản

Các đối tượng lừa đảo giả danh nhà mạng, gọi điện hỗ trợ các chủ thuê bao nâng cấp sim lên 4G, thực ra là chiếm quyền sử dụng sim điện thoại của các nạn nhân để đánh cắp tài khoản tín dụng và chiếm đoạt tiền.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương vừa ra cảnh báo hiện tượng nhiều người tiêu dùng bất đắc dĩ mang nợ hàng chục triệu đồng bởi các chiêu thức giả mạo nhà mạng viễn thông, nhắn tin hướng dẫn nâng cấp sim 4G để lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người tiêu dùng.

lua-dao-nang-cap-sim.jpg
Nhiều nạn nhân nhận được những những tin nhắn với nội dung này đã mất cảnh giác làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo

Chiêu thức mà các đối tượng lừa đảo sử dụng là mạo danh là nhân viên của các nhà mạng Vinaphone, Mobifone gọi điện, nhắn tin hướng dẫn cú pháp để thực hiện nâng cấp sim 3G thành sim 4G nhằm lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát sim điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán hàng chục triệu đồng cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.

Theo chị P.T.P.T ngụ tại TP. HCM, nạn nhận vụ việc, ngày 20/2, chị đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là nhân viên Mobifone hỗ trợ nâng cấp miễn phí từ 3G lên 4G cho sim điện thoại của chị. Người này giải thích rằng do dịch bệnh COVID-19 nên không thể gặp trực tiếp trao sim cho khách hàng.

Không nghi ngờ gì, chị T đã thực hiện nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn qua tin nhắn. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thao tác trên để đổi sim 4G, chị T nhận thấy sim điện thoai chị đang dùng bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa, không thể sử dụng được nữa.

Cùng lúc đó, chị T nhận được thông báo gửi đến hộp thư điện tử Gmail của chị về việc thay đổi mật khẩu thành công đối với tài khoản của một công ty cho vay tài chính.

Nhận thấy bất thường, chị T lập tức đến cửa hàng Mobifone để khóa và khôi phục sim. Sau khi sim được khôi phục, chị T truy cập ngay ứng dụng ngân hàng để kiểm tra, thì hạn mức sử dụng thẻ tín dụng của chị chỉ còn 70.000 đồng.

Gọi điện lên tổng đài ngân hàng, chị T được thông báo đã phát sinh các giao dịch qua thẻ tín dụng với tổng số tiền 31.190.000 đồng chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi sim điện thoại cũ của chị bị vô hiệu hóa.

Với hình thức tương tự, một nạn nhân khác là chị N.T.H.M cũng ở TP.HCM bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng.

lua-dao-qua-dt.jpg
Cục Canh tranh cảnh báo, người tiêu dùng không nên truy cập vào các đường link lạ

Theo Cục Cạnh tranh, các chiêu thức lừa đảo tinh vi như vậy không chỉ xảy ra ở TP. HCM, mà người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước như Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Tháp… cũng phản ánh gặp tình trạng tương tự.

Các đối tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi sim 4G của các nhà mạng và đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục như thực hiện đổi sim theo cú pháp, không giao sim trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan của dịch bệnh COVID-19; đổi sim ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi; nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ…, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

Để tránh sa bẫy của những kẻ lừa đảo, Cục khuyến cáo người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện các biện pháp như: kiểm tra thông tin, không truy cập các đường dẫn lạ. Đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website có tên miền gần giống với tên website của các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín nhằm cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tăng cường bảo mật cho SIM điện thoại. Đối với những số điện thoại được người tiêu dùng sử dụng để xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng trực tuyến, ví điện tử…, để giảm thiểu rủi ro bị rút tiền từ các tài khoản ngân hàng, tín dụng, ví điện tử… trong trường hợp sim, quyền kiểm soát sim hoặc điện thoại bị mất, người tiêu dùng cần tăng cường bảo mật cho sim điện thoại của mình, có thể bằng cách cài đặt mã PIN cho sim điện thoại theo hướng dẫn của các doanh nghiệp viễn thông.

14.jpg
Hiện có các ứng dụng hỗ trợ người dùng xác thực các giao dịch

Sử dụng các ứng dụng xác thực. Thay vì phương thức xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử… thông qua tin nhắn điện thoại (SMS), người tiêu dùng có thể sử dụng các ứng dụng xác thực khác như Google Authenticator hay Authy nhằm ngăn ngừa việc bị chiếm đoạt tiền khi bị mất quyền kiểm soát sim theo chiêu trò hoán đổi thẻ sim nêu trên.

Khóa thẻ sim ngay khi phát hiện bị vô hiệu hóa. Ngay khi phát hiện thẻ sim trên máy điện thoại của mình bị vô hiệu hóa, nghi ngờ do bị chiếm đoạt quyền kiểm soát sim, người tiêu dùng nên liên hệ ngay với tổng đài của nhà mạng để yêu cầu khóa thẻ sim nhằm ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro kẻ gian sử dụng quyền kiểm soát sim, nhận mã OTP hòng chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng thông qua các giao dịch trực tuyến, thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Đ. KHẢI