Vì sao ngày càng nhiều người trẻ chơi chứng khoán?

Trong bối cảnh Covid-19, lạm phát và thất nghiệp gia tăng, ước mơ làm giàu và sở hữu nhà của những người trẻ ngày càng cháy bỏng.

Theo Nghiên cứu về Nhà đầu tư Úc năm 2020 của Sở giao dịch chứng khoán Úc, khoảng 46% người Úc, tương đương 9 triệu người, tham gia vào các sản phẩm đầu tư tài chính.

Tại Hàn Quốc, bất động sản tăng giá chóng mặt ở Hàn Quốc cũng khiến giới trẻ ngày càng khó khăn để mua được nhà riêng.

Tại Việt Nam, theo khảo sát của Savills, nhà cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu, phân khúc căn hộ giá rẻ dưới 1,5 - 2 tỷ đồng đang trở nên ngày càng khan hiếm, thậm chí có xu hướng biến mất.

Vì sao ngày càng nhiều người trẻ chơi chứng khoán?

Theo thống kê của ngân hàng DBS thì tại Việt Nam, không phải Millennials mà thế hệ từ năm 1997 đến năm 2012 mới là nhóm gia tăng nhanh nhất trong cấu trúc người gia nhập thị trường chứng khoán.

Chuyên gia người Úc, Natasha Janssens, nói đại dịch kết hợp với tình hình kinh tế đã tạo nên một "làn sóng hoàn hảo" các yếu tố thúc đẩy thế hệ trẻ tham gia giao dịch, đầu tiên là lãi suất thấp. Yếu tố thứ hai khiến nhiều người trẻ gia nhập vào giới giao dịch chính là smartphone.

Heather Owen, nhà lập kế hoạch tài chính tại Quilter Private Client Advisers cho biết: "Các khoản đầu tư chưa bao giờ dễ tiếp cận hơn đến thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể mua và bán chứng khoán, bao gồm các hợp đồng quyền chọn và hợp đồng phái sinh phức tạp, chỉ bằng một cú bấm".

Tom Stevenson, giám đốc đầu tư tại công ty giải pháp đầu tư Fidelity International (Mỹ), cho rằng không nên trách giới trẻ khi họ đuổi theo kế hoạch làm giàu chóng vánh.

Ông nói: "Thử tưởng tượng bạn đang ở độ tuổi ngoài 20, mới ra trường và không đồng dính túi. Bạn bị mắc kẹt trong một trận đại dịch, dù chưa chắc có thể gây hại đến bạn nhưng nó lại làm ngừng trệ đời sống xã hội và làm tiêu tan cơ hội kiếm việc làm tốt. Bạn phải cố để khỏi chú ý đến những căn hộ bé tí xíu được chào giá nửa triệu đô. Đó là thực tế của con tôi đấy. Nếu là mình thì cũng bức xúc chứ".

Kết quả nghiên cứu năm 2021 của Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh (FCA) cho thấy đối với nhiều nhà đầu tư, những cảm xúc và các yếu tố xã hội mới là những lý do chính đằng sau quyết định đầu tư cổ phiếu.

Sheldon Mills, giám đốc quản lý người tiêu dùng và cạnh tranh tại FCA, cho biết cơ quan này "lo rằng một số nhà đầu tư đang bị dụ dỗ - thường là thông qua quảng cáo trực tuyến hoặc các chiến thuật bán hàng dai dẳng"

Cũng theo nghiên cứu của FCA, giới trẻ cũng là đối tượng dễ gặp thất bại, khi 45% trong số họ thậm chí không coi mất tiền là một rủi ro đầu tư.

Những hình ảnh và ngôn từ thể hiện cuộc sống vui vẻ, hưởng thụ của bạn bè, người quen hay người nổi tiếng trên Instagram hay Facebook có thể khiến giới trẻ chịu một áp lực tâm lý, gọi là hội chứng FOMO (viết tắt của Fear of missing out, tạm dịch là Hội chứng sợ đứng ngoài cuộc).

Hội chứng FOMO được cho là sự kết hợp giữa peer pressure (tạm dịch là áp lực đồng trang lứa) và cảm giác bất an nội tại, cảm giác hoặc nhận thức cho rằng rất nhiều người khác đang tận hưởng cuộc sống vui vẻ hơn, tốt hơn và được trải nghiệm những thứ tốt hơn, nhưng mình thì đứng ngoài. Cảm giác đố kị đóng góp phần nhiều vào hội chứng FOMO – thứ ảnh hưởng đến lòng tự trọng.

Ông Heather Owen, nhà lập kế hoạch tài chính tại Quilter Private Client Advisers, cho biết: "Xung quanh là sự cám dỗ, và nỗi sợ đứng ngoài cuộc đã dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi nhảy vào, thậm chí nhảy vào ngay lúc đỉnh của thị trường".

Giá cổ phiếu lên nhanh, mang về lợi nhuận lớn hơn so với gửi tiết kiệm thông thường khiến chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Tom Stevenson, thành công trong quá khứ của một loại cổ phiếu không phải là bảo chứng thành công về lâu dài, trái lại, nó là cái bẫy khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào. 

Ông Stevenson cho rằng, thị trường cổ phiếu đúng ra là một cỗ máy làm giàu chậm tuyệt đối. Ông dùng nhiều dẫn chứng để minh họa, nhưng cũng cho rằng những dẫn chứng quá xưa, nhàm chán. 

Dù vậy, ông cũng cho rằng "thế hệ tôi, và ngành nghề của tôi [phân tích tài chính] có trách nhiệm giải thích những dữ liệu tẻ nhạt đó và không tham gia vào các công ty mạng xã hội để rao bán câu truyện hão huyền rằng bạn có thể có tất cả, và có chúng ngay bây giờ".

Thanh Mai