Việt Nam có 47 ca mắc mới COVID-19 sáng 22/6, TP.HCM có 36 bệnh nhân

Từ 18h ngày 21/6 đến 6h ngày 22/6, Việt Nam có 47 ca mắc mới COVID-19, trong đó Gia Lai có 1 ca liên quan đến Bình Dương, TPHCM tiếp tục nhiều nhất với 36 ca.

Bản tin dịch COVID-19 của Bộ Y tế sáng 22/6 cho biết có thêm 47 ca mắc COVID-19, trong đó TPHCM tiếp tục nhiều nhất với 36 ca.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 13.530 bệnh nhân, thế giới đã gần 179,5 triệu người mắc COVID-19.

Cụ thể, (BN13484-13530), đều ca ghi nhận trong nước tại: TP.HCM 36 ca, Bắc Giang 9 ca, Nghệ An 1 ca, Gia Lai 1 ca; trong đó 44 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

BN13484, BN13496-BN13530 ghi nhận tại TP.HCM: 30 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 3 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng, 3 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 20/6/2021 dương tính với COVID-19.

sang-22.jpg

BN13485 ghi nhận tại tỉnh Nghệ An: Nữ, 85 tuổi, địa chỉ tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An; là F1 của BN13288, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 21/6/2021 dương tính với COVID-19.

BN13486 ghi nhận tại tỉnh Gia Lai: Nam, 16 tuổi, địa chỉ tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai; có tiền sử đi về từ tỉnh Bình Dương, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 21/6/2021 dương tính với COVID-19.

BN13487-BN13495 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm ngày 21/6/2021 dương tính với COVID-19.

Ấn Độ lập kỷ lục tiêm vaccine mỗi ngày

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 22/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 179.495.838 ca, trong đó có 3.887.016 người tử vong.

Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 163.431.593 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.666.406 ca và 82.732 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 21/6, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

vna_potal_dich_covid-19_an_do_ghi_nhan_so_ca_nhiem_moi_thap_nhat_trong_3_thang_5509230.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Guwahati, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus COVID-19.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.417.467 ca mắc và 617.411 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt. Do đó, trong cuộc thảo luận giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ), Mỹ đã nhất trí tổ chức tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ theo hình thức trực tiếp vào tháng 9 tới, với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt.

Mỹ thông báo kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều vaccine cho các nước, trong đó có Việt Nam

Ngày 21/6, Nhà Trắng công bố kế hoạch cung cấp 55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 còn lại trong tổng số 80 triệu liều vaccine mà Mỹ đã cam kết nhằm giúp đỡ các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhà Trắng cho biết khoảng 41 triệu trong số 55 triệu liều vaccine nói trên (tương đương 75%) sẽ được phân bổ cho các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, châu Á và châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, trong khi 14 triệu liều còn lại (tương đương 25%) sẽ được chia sẻ cho "các khu vực ưu tiên", bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Gaza.

vna_potal_covid-19_bang_new_york_my_do_bo_tat_ca_bien_phap_han_che_sau_khi_ghi_nhan_ty_le_tiem_chung_cao_5502305-3-.jpg
Người dân di chuyển trên phố ở New York, Mỹ ngày 7/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, khoảng 14 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phân bổ cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gồm Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Ecuador, Paraguay, Bolivia, Uruguay, Guatemala, El Salvador, Honduras, Haiti và các quốc gia thuộc Cộng đồng Caribe (CARICOM), Cộng hòa Dominica, Panama và Costa Rica.

Khoảng 16 triệu liều cho châu Á, gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Bhutan, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia và quần đảo Thái Bình Dương. Khu vực châu Phi sẽ được nhận 10 triệu liều vaccine và các nước sẽ được lựa chọn với sự phối hợp của Liên minh châu Phi (AU).

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ khi Mỹ tiếp tục chiến đấu với đại dịch COVID-19 ở trong nước và nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, Tổng thống Joe Biden đã cam kết rằng "Mỹ sẽ là một kho vaccine cho thế giới", đồng thời cho biết những liều vaccine này sẽ được sử dụng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, chẳng hạn như nhân viên y tế.

Kế hoạch này được thực hiện đúng theo cam kết của Tổng thống Biden, đó là hỗ trợ các nước tổng cộng 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất, trong đó 20 triệu liều vaccine từ các hãng Pfizer Inc., Moderna Inc. hoặc Johnson & Johnson (vốn trước đây chỉ được phép tiêu thụ nội địa) và 60 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Đầu tháng này, Mỹ đã thông báo kế hoạch chia sẻ 25 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cho các nước, trong đó 19 triệu liều được chia sẻ theo chương trình COVAX.

GIA HÂN