Việt Nam theo dõi chặt chẽ các ca bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga, một số trường hợp xác định nhiễm vi khuẩn Mycoplasma

Trước thông tin về các ca bệnh chưa xác định nguyên nhân tại Nga, Bộ Y tế Việt Nam đang tích cực theo dõi, phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để làm rõ. Một số trường hợp bước đầu được xác định do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma – tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp.
Ảnh minh họa. Nguồn: AFP
Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Trước đó, ngày 31/3/2025, một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về việc xuất hiện các ca bệnh không rõ nguyên nhân tại Liên bang Nga. Theo ghi nhận, ban đầu các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng tương tự các bệnh lý hô hấp theo mùa như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, suy nhược. Tuy nhiên, sau khoảng 3–4 ngày, bệnh tiến triển nặng với triệu chứng sốt cao (lên tới 39 độ C), ho dữ dội đến mức chảy nước mắt, đờm có lẫn máu và tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng khiến người bệnh phải nằm liệt giường.

Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với cả COVID-19 và cúm, khiến giới chuyên môn đặt nghi vấn về sự xuất hiện của một tác nhân gây bệnh mới.

Đã xác định một số trường hợp do vi khuẩn Mycoplasma

Ngay sau khi có thông tin, Cục Phòng, chống bệnh (Bộ Y tế Việt Nam) đã chủ động liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhằm xác minh và làm rõ sự việc. Theo cập nhật ban đầu từ Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của WHO tại khu vực châu Âu, một số ca bệnh đã được xác định nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma.

Đây là loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp, tấn công niêm mạc các bộ phận như họng, khí quản và phổi. Vi khuẩn Mycoplasma lây truyền từ người sang người thông qua các giọt bắn chứa mầm bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Mặc dù có thể điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên bệnh vẫn cần được theo dõi kỹ do khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt trong thời điểm giao mùa như hiện nay.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến

Cục Phòng, chống bệnh cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh thông qua hệ thống giám sát dịch tễ dựa vào sự kiện, đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO và đầu mối IHR của Liên bang Nga để cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ, nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường của các bệnh lý hô hấp trong thời điểm giao mùa. Việc duy trì các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ vệ sinh tay, che miệng khi ho/hắt hơi và chủ động theo dõi sức khỏe là cần thiết để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Hoàng Toàn

Thuốc lepodisiran – “Chìa khóa” tiềm năng giảm nguy cơ bệnh tim di truyền

Thuốc lepodisiran – “Chìa khóa” tiềm năng giảm nguy cơ bệnh tim di truyền

Thuốc lepodisiran là một trong số nhiều loại thuốc đang được thử nghiệm để điều trị chỉ số Lp(a) cao, một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.