Xét nghiệm DNA mới giúp cá nhân hóa phương thức điều trị bệnh phụ khoa

Xét nghiệm mới giúp xác định chính xác vi khuẩn gây nhiễm, cho phép bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

Thống kê cho thấy khoảng một phần ba phụ nữ trong độ tuổi từ 14 đến 49 tại Mỹ phát triển tình trạng rối loạn hệ vi khuẩn âm đạo, hay còn gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn (BV), trong suốt cuộc đời. BV không chỉ gây ra mùi hôi khó chịu mà còn có thể dẫn đến các triệu chứng đau đớn và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan trong cuộc sống sau này. Theo các nghiên cứu, hơn một nửa số bệnh nhân mắc BV không đáp ứng với phương pháp điều trị ban đầu bằng kháng sinh metronidazole khiến tình trạng bệnh tái phát.

Xét nghiệm DNA mới giúp cá nhân hóa phương thức điều trị bệnh phụ khoa

Giờ đây, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Drexel vừa phát triển một xét nghiệm sử dụng công nghệ PCR DNA đơn giản giúp xác định chính xác nhóm vi khuẩn gây nhiễm trùng dựa trên phân tích di truyền chi tiết, từ đó có thể hỗ trợ các bác sĩ trong việc kê đơn thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Genome Medicine.

Tiến sĩ Katherine Innamorati, tác giả chính của nghiên cứu và là giảng viên tại Trường Y Đại học Drexel, cho biết: "Xét nghiệm này có thể giúp bệnh nhân tránh việc sử dụng sai loại kháng sinh, từ đó giảm thiểu các tác dụng phụ và chi phí điều trị không cần thiết. Việc điều trị nhanh chóng và quản lý kháng sinh hiệu quả đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân cần phải sử dụng nhiều đợt kháng sinh để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn".

Các mầm bệnh chính gây ra BV là một nhóm các loài vi khuẩn liên quan, trước đây được gọi là Gardnerella vaginalis. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tiến sĩ Garth Ehrlich, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Trường Y Drexel, và các cộng sự đã chỉ ra rằng nhóm vi khuẩn này thực sự bao gồm nhiều loài khác nhau. Trong bài báo hiện tại, nhóm nghiên cứu đã sử dụng giải trình tự bộ gen và phân tích dữ liệu bộ gen từ 129 mẫu Gardnerella spp., qua đó xác định sự đa dạng di truyền của nhóm vi khuẩn này, bao gồm 11 nhóm sinh vật đặc biệt gọi là "genospecies".

Dựa trên phân tích này, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng hai trong số các nhánh của nhóm vi khuẩn này có khả năng kháng metronidazole lên đến 100%, nhưng lại có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh clindamycin. Vì cả hai loại metronidazole và clindamycin đều thường được sử dụng để điều trị BV, với liều lượng kéo dài một tuần và có thể sử dụng qua đường âm đạo hoặc uống. Việc xét nghiệm PCR mới này có thể phân biệt các chủng để có kháng sinh thích hợp là điều rất quan trọng trong việc điều trị.

“BV là một chứng loạn khuẩn, có nghĩa là toàn bộ hệ vi sinh vật của đường sinh sản dưới bị mất cân bằng. Có thể một số bệnh nhân sẽ cần cả hai loại thuốc, metronidazole cũng có thể cung cấp khả năng bao phủ cho một số vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn kỵ khí phát triển trong môi trường thiếu oxy. Vì vậy, những người có Gardnerella kháng metronidazole có thể được hưởng lợi từ việc điều trị bằng cả hai loại kháng sinh, nhưng sẽ cần phải nghiên cứu thêm”, tiến sĩ Ehrlich cho biết.

Xét nghiệm DNA mới giúp cá nhân hóa phương thức điều trị bệnh phụ khoa

Mặc dù BV không được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) nghiêm ngặt, song một số yếu tố trong hoạt động tình dục như việc không sử dụng bao cao su có thể làm tăng nguy cơ phát triển BV. Theo ước tính, có khoảng một nửa số trường hợp mắc BV không có triệu chứng rõ rệt dẫn đến nhiều trường hợp không được điều trị. Mặc dù có tới 30% trường hợp người bệnh mắc BV tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, BV có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây biến chứng trong thai kỳ và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống do viêm niêm mạc sinh dục.

Xét nghiệm mới này không chỉ giúp phân biệt các chủng vi khuẩn, mà còn giúp loại trừ phương pháp điều trị bằng metronidazole đối với các chủng kháng thuốc. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang làm việc để mở rộng khả năng của xét nghiệm, bao gồm việc xác định các chủng vi khuẩn kháng metronidazole ở mức độ thấp hơn.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đang tiếp tục tìm hiểu về các gen có thể liên quan đến khả năng kháng thuốc nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Dữ liệu từ nghiên cứu gần đây đăng trên Tạp chí Y học New England cũng chỉ ra rằng việc phối hợp sử dụng kháng sinh điều trị giữa phụ nữ và bạn tình có thể giúp giảm thiểu tình trạng tái phát BV.

Dù xét nghiệm này chưa được triển khai rộng rãi, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nhu cầu từ bệnh nhân và các tổ chức hỗ trợ sẽ giúp thúc đẩy việc cung cấp xét nghiệm này trong tương lai gần.

TM (theo MedicalXpress)

Nhiễm virus HPV làm tăng 40% nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nhiễm virus HPV làm tăng 40% nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Không chỉ là yếu tố gây ra một số loại ung thư, virus HPV còn làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.