Chính phủ vừa ban hành Nghị định trong đó bổ sung quy định xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công là người Việt Nam.
Cụ thể, đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA), sau khi trả lương cho phi công người Việt mà mức tiền lương thấp hơn mức tiền lương phi công người nước ngoài cùng làm việc cho VNA thì được xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công người Việt.
Nguồn tiền lương bổ sung tối đa hằng năm được căn cứ vào mức độ chênh lệch giữa mức tiền lương trước khi được bổ sung của phi công Việt và mức tiền lương (gồm lương cơ bản, lương theo giờ bay và lương theo giờ giảng dạy) của phi công nước ngoài, tính bình quân tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay và thời gian làm việc thực tế của người lái máy bay.
Nghị định cũng yêu cầu Vietnam Airlines khi xác định nguồn tiền lương bổ sung phải phù hợp với khả năng đáp ứng tài chính, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao hằng năm. Nếu VNA lỗ thì phải giảm lỗ so với năm trước đó.
Nguồn tiền lương bổ sung VNA được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh và được sử dụng để trả cho phi công người Việt Nam, không chi trả cho các đối tượng khác hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Việc trả thêm lương cho phi công người Việt Nam được căn cứ vào chức danh và thời gian làm việc thực tế theo quy chế của VNA.
Việt Nam hiện đã có nhiều nữ phi công (Ảnh: VNA) |
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ ra thực trạng đang tồn tại là tiền lương của phi công người Việt Nam thấp hơn nhiều so với phi công người nước ngoài, dù cùng làm việc cho VNA. Tuy nhiên, quỹ tiền lương của VNA không đủ bù đắp tiền lương phi công người Việt Nam, đang phải đối mặt với tình trạng "chảy máu" nhân lực.
Cụ thể, theo báo cáo của VNA năm 2022, dù cùng làm tại Vietnam Airlines nhưng bình quân lương phi công người Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với mức lương khoảng 145 triệu đồng/tháng của phi công người nước ngoài.
Cạnh tranh gay gắt khiến nhiều phi công rời bỏ Vietnam Airlines. Từ năm 2020 đến nay, 35 phi công Việt đã thôi việc, một số dự kiến thôi việc sau khi kết thúc hợp đồng.
Cưới 'phi công' kém 5 tuổi sau 3 tháng hẹn hò, cô gái nhận sính lễ khó tin
"Trong tương lai chúng tôi muốn mua một mảnh đất ở Nga, xây nhà và tự thiết kế", Volo nói.