Vợ chồng giảng viên trường y và những ngày điều trị F0

Sau khoảng thời gian dài tham gia điều trị, vợ chồng Quỳnh - Lộc càng thấm thía sự vất vả của nghề y.

Bác sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh (30 tuổi) và bác sĩ Lại Quang Lộc (34 tuổi) là hai giảng viên của Bộ môn Nhiễm, khoa Y, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Họ từng tham gia công tác chống dịch trong thời điểm dịch bùng phát ở TP.HCM. 

Chia sẻ với Dân trí, bác sĩ Quỳnh kể nhớ lại: "Thời điểm tháng 4, cha chồng tôi xem tin tức, thấy ở Ấn Độ đã bùng phát dịch mạnh. Tôi nghĩ bụng, Ấn Độ là đất nước có đặc điểm khí hậu nóng ẩm gần giống như Việt Nam. Họ bùng dịch thì mình cũng nguy cơ quá. Chỉ vài tuần sau tại TPHCM, những trường hợp chủng mới lần lượt xuất hiện và số ca cứ thế tăng vọt".

Bác sĩ Lộc và bác sĩ Quỳnh.
Bác sĩ Lộc và bác sĩ Quỳnh.

Cả hai túc trực cùng đồng nghiệp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đương đầu với đại dịch. Từ chỗ điều trị cho nhiều bệnh nhân HIV/AIDS nội trú, khoa Nhiễm E dần trở thành nơi cứu mạng các bệnh nhân Covid-19.

Đầu tháng 6, thành trì chống dịch lớn nhất của TP.HCM phải phong tỏa vì phát hiện hàng chục ca dương tính với SARS-CoV-2.

"Mình ở khoa Nhiễm E, còn anh Lộc làm tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, sau đó cũng chuyển công năng điều trị Covid-19. Hai khoa cách nhau chỉ mấy chục bước chân nhưng ngày nào cũng tập trung điều trị từ sáng tới tối, nên gần như không thể gặp nhau.

Đến khi bệnh viện hết phong tỏa thì dịch lại ở lúc căng thẳng nhất, số bệnh nhân cứ tăng cao liên tục. Từ tháng 8, trường cũng ngừng giảng dạy. Sinh viên nếu không nghỉ hè thì sau khi kết thúc thực tập lâm sàng cũng tham gia vào chiến dịch hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà" - bác sĩ Quỳnh nói.

Đôi vợ chồng giảng viên trường y đã tiếp xúc với hàng trăm F0. Ban ngày, họ tập trung điều trị, tối đến lại nghiên cứu thêm tài liệu, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp ở "chiến trường" khác.

Hai trường Đại học Y Dược TP.HCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thường xuyên tổ chức những chương trình cập nhật kiến thức, để giúp các bác sĩ tìm được con đường tối ưu cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ Lộc tâm sự vì mẹ mang căn bệnh ung thư tụy giai đoạn nặng nên không thể tiêm vaccine Covid-19. Do đó mặc dù luôn tranh thủ về nhà theo dõi sức khỏe của mẹ, bản thân bác sĩ Lộc vì tiếp xúc F0 cũng không thể đến gần.

"Mẹ tôi phát hiện ung thư muộn, đã quá chỉ định phẫu thuật nên chỉ điều trị giảm nhẹ. Mỗi lần về nhà muốn thăm mẹ, nói chuyện với mẹ cũng phải cách xa vài mét. May mắn đến giờ này, bà vẫn ổn" - bác sĩ Lộc chia sẻ.

Cuối tháng 8, bác sĩ Như Quỳnh mắc Covid-19. Người chồng chỉ có thể động viên qua tin nhắn, những lần "FaceTime". 

"4 ngày đầu mình bị hành sốt, sau đó thì mất vị giác. Chỉ một tuần là khỏi. Mình may mắn được tiêm đủ hai mũi vaccine từ sớm. Có nhiều bệnh nhân chưa kịp chích đã bệnh rồi lâm vào nguy kịch, suy hô hấp, khó thở, thậm chí phải chạy ECMO. Bệnh nhân đã tiêm rồi, có trở nặng chủ yếu chỉ đến thở oxy mũi hoặc oxy mask, sau đó bệnh sẽ thoái lui" - bác sĩ Quỳnh chia sẻ.

Sau khoảng thời gian dài tham gia điều trị, vợ chồng Quỳnh - Lộc càng thấm thía sự vất vả của nghề y. Họ nhắn nhủ với các học trò tương lai, rằng muốn làm bác sĩ phải có sự đam mê và đôi khi phải biết hy sinh, nếu không sẽ rất dễ chùn bước trước khó khăn.

Thanh Mai

Giá trứng gia cầm giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ vốn

Giá trứng gia cầm giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ vốn

Thị trường thực phẩm hôm nay 20/11 ghi nhận giá trứng gia cầm giảm và trở về gần bằng giá mức trước thời điểm áp dụng giãn cách xã hội.