Lễ tưởng niệm diễn ra tại 2 điểm cầu Hội trường Thống Nhất TP.HCM và Công viên Thống Nhất - Hà Nội. Ngoài ra, các tỉnh thành cũng tổ chức để người dân cùng cầu nguyện.
Tại TP.HCM, ngoài nghi lễ tại hội trường, hoa đăng được thả trên kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé.
Tham dự lễ tưởng niệm ở TP.HCM có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và gia đình một số người đã mất vì Covid-19.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM lần lượt thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Ảnh: Zing |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.
Theo ông Chiến, do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn một triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, đồng chí.
Do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng, nhưng có nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.
"Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh; nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát", ông Chiến nói.
Sau phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đại biểu, chức sắc tôn giáo thắp nến tưởng niệm các nạn nhân Covid-19 tại Dinh Thống Nhất.
Tại Nhà thờ Đức Bà, nhiều người dân mang theo nến, hoa đến đặt tại chân tượng đức mẹ Maria cầu nguyện cho người thân. Cùng với các nhà thờ, nhà nguyện trong Tổng giáo phận Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà đổ chuông sầu trong 5 phút tưởng nhớ người mất vì Covid-19.
Lúc 19h, tại chùa Pháp Hoa (quận 3) lễ tụng kinh cầu nguyện diễn ra tại chánh điện với sự tham dự của 150 người, sau đó là lễ truyền đăng, tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Lễ thả 3.000 hoa đăng bắt đầu lúc 20h30 với sự tham dự của tất cả thân nhân người mất, phật tử và chức sắc các tôn giáo khác. Ngoài chùa Pháp Hoa, quận đoàn Bình Thạnh cũng chuẩn bị 350 chiếc hoa đăng thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và chuẩn bị 200 hoa cúc trắng, 20 ngọn đuốc cho lễ tưởng niệm.
Lễ thả hoa đăng |
Lễ thả hoa đăng tại TP.HCM được tổ chức tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tại cầu Móng (quận 4).
Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP cùng đánh chuông; các tàu, thuyền, sà lan... kéo còi tưởng niệm. Tại các nơi công cộng, đường đi bộ, nhà dân... tắt đèn tưởng niệm.
Tại đầu cầu Hà Nội, lễ tưởng niệm diễn ra tại công viên Thống Nhất với khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm cả đại diện những gia đình có người mất do Covid-19.
Sau một phút tưởng niệm, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành uỷ Hà Nội, và bà Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng ban Dân vận Trung ương, đã thắp hương, thực hiện nghi lễ tưởng niệm. Hàng trăm người đứng nghiêm trang.
Lúc 20h30, tại khu vực Hồ Gươm, đèn chiếu sáng Tháp Rùa được tắt. Tiếp theo đó toàn bộ hệ thống chiếu sáng cầu Thê Húc và đèn trang trí quanh hồ đều tắt.
Tại chùa Quán Sứ, hơn 100 người dân làm lễ cầu siêu. Phía ngoài sân, chùa cho thắp nến và xếp hoa đăng.
Tại Đà Nẵng, gần 100 phật tử đến chùa Bát Nhã (176 Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu) cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19 trên cả nước.
19h30, buổi lễ diễn ra với các bài kinh cầu. 20h, hoa đăng được thắp sáng. Phật tử ngồi kín hai tầng ở Thiền Đường (tầng 1) và Đại Hùng Bửu Điện (tầng 2), để cùng cầu nguyện. Nhà chùa bố trí tầng dưới dành cho du khách thập phương.
Buổi lễ sẽ diễn ra trong hai giờ. Đến 20h15, đại hồng chung vang lên để cùng cả nước nguyện cầu cho các nạn nhân của đại dịch.
Tại TP Cần Thơ, lễ tưởng niệm được tổ chức tại Thiền viện Trúc lâm Phương Nam.
Ảnh: VnExpress |
Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ cho biết, có 5 quận, huyện cùng nhiều cơ sở thờ tự trên địa bàn tổ chức trực tiếp, cầu siêu, tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19. Đây là một hoạt động ý nghĩa, nhân văn, được sự hưởng ứng rộng rãi của tất cả các tôn giáo.
Cần Thơ đã ghi nhận 14.841 ca dương tính, trong đó, 8.680 người bệnh đã được điều trị khỏi, 137 ca tử vong trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tính từ 8/7/2021.
Tại Bình Dương cũng tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh (TP Thủ Dầu Một). Bình Dương còn làm lễ cầu siêu cho gần 2.600 người mất trong đại dịch tại chùa Hội An. Nhà thờ Thánh Giuse cũng tổ chức lễ cầu nguyện và rung chuông tưởng niệm.
Tỉnh ủy Bình Dương còn kêu gọi người dân tắt điện, thắp hương, thắp nến để cùng tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã mất vì Covid-19. Các địa phương dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí trong thời điểm lễ tưởng niệm diễn ra, đồng thời tổ chức thăm hỏi thân nhân nạn nhân Covid-19.
Trong đợt đại dịch Covid-19, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 246.053 ca nhiễm, có gần 2.600 người tử vong.
Tại Chùa Bửu Quang (TP Sa Đéc - Đồng Tháp), 112 ngọn nến tượng trưng cho 112 người dân Sa Đéc mất do Covid-19 được thắp lên trong lễ tưởng niệm do Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh này tổ chức.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 23.578 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm. Riêng TP.HCM là hơn 17.300 người, chiếm hơn 74% cả nước.
Lời nguyện cầu tháng 11
Năm 2021 sẽ đi vào lịch sử của người dân Việt Nam như một nỗi đau thương không bao giờ quên được.